• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dùng bằng của chị gái để tiến thân cũng là một dạng tham nhũng, có thể xem xét trách nhiệm hình sự

Thời sự 28/11/2019 07:58

(Tổ Quốc) - Dư luận bức xúc về việc ba cán bộ liên quan việc kết nạp Đảng, bổ nhiệm nữ trưởng phòng dùng bằng của chị gái không bị xử lý kỷ luật mà chỉ phải rút kinh nghiệm. Có quan điểm cho rằng, những nhân vật chính "đánh tráo nhân thân" bằng cách dùng giấy tờ giả để thăng tiến cần phải bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Ba lãnh đạo thoát án kỷ luật

Ngày 27/11, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Lắk có thông báo xem xét xử lý kỷ luật đối với 3 cá nhân liên quan việc kết nạp Đảng và bổ nhiệm đối với bà Trần Thị Ngọc Thêm, nguyên Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy.

Theo đó, UBKT xem xét kỷ luật đối với ông Trần Quang Tân, Phó bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015. Ông Tân có thiếu sót, khuyết điểm trong việc thẩm định hồ sơ đề nghị kết nạp Đảng của bà Thêm. Khuyết điểm của ông Tân đã đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật của Đảng.

UBKT Tỉnh ủy cũng xem xét kỷ luật đối với ông Lê Tiến Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất Nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk. Ông Hùng có khuyết điểm, sai phạm trong việc ký xác nhận lý lịch xin vào Đảng của bà Thêm không trùng khớp với lý lịch Đảng của ông Lê Thanh Sơn (chồng bà Thêm).

Dùng bằng giả để tiến thân cũng là một dạng tham nhũng, có thể xem xét trách nhiệm hình sự - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Người lao động)

Kỳ họp cũng xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đối với bà Phạm Thị Lan, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Trưởng phòng Hành chính - Tiếp dân Văn phòng Tỉnh ủy. Bà Lan có trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết của Đảng ủy Văn phòng Tỉnh ủy về việc đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh xem xét, kết nạp bà Thêm vào Đảng không đúng quy định.

Theo UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk quá trình kết nạp đảng viên đối với bà Thêm liên quan đến trách nhiệm của nhiều tổ chức, cá nhân khác. Do đó, cơ quan này không thi hành kỷ luật đối với 3 cán bộ nêu trên mà yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Không thể để "chìm xuồng" những người tiếp tay, bao che...

Việc ba lãnh đạo trên thoát kỷ luật khiến dư luận hết sức bất bình. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc rằng, việc bổ nhiệm của bà Trần Thị Ngọc Thêm chắc chắn phải có sự "tiếp tay", chắc chắn phải có động cơ và thậm chí là "nâng đỡ không trong sáng" bởi các quy định về kết nạp Đảng, đề bạt, bổ nhiệm một cán bộ vốn phải có quy trình rất chặt chẽ.

"Chính vì thế, những người có liên quan trong việc bổ nhiệm bà Trần Thị Ngọc Thêm chỉ bị khiển trách là quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Thực tế, hiện nay có tình trạng là kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức không tương xứng với hành vi sai phạm khiến cử tri rất phản ứng chuyện này. Cử tri cho rằng, cơ quan có thẩm quyền và những người có trách nhiệm không thực sự mong muốn chấn chỉnh lại kỷ cương, không chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước. Vì nên, người dân cho rằng cán bộ công chức, viên chức không thể làm gương. Như vậy làm sao nói được dân? làm sao khuyên người dân trong việc thực hiện các quy định pháp luật. Càng người có chức có quyền thì cần phải xử lý nghiêm để răn đe, để giáo dục...", ông Nguyễn Thanh Hồng nói.

Gần đây, trường hợp thượng tá Thái Đình Hoài (43 tuổi, ở huyện Yên Thành, Nghệ An - Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (Phòng PC03, Công an tỉnh Lai Châu) bị kết luận dùng bằng tốt nghiệp THPT giả hay trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh (Thanh Hoá) được bổ nhiệm "thần tốc"  đã dấy lên phẫn nộ trong dư luận.

Ông Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, tình trạng cán bộ làm giả hồ sơ giấy tờ, dùng bằng giả ở một số tỉnh thành... đang khá nghiêm trọng. Vì thế, cần phải có sự rà soát, kiểm tra, đánh giá lại qua việc tinh giản biên chế, tổ chức lại bộ máy và thanh loại những con người như vậy ra khỏi bộ máy. Với cán bộ, yếu tố đầu tiên là phải trung thực. Đảng viên cũng phải trung thực. Nếu có dấu hiệu không trung thực thì phải đưa ra khỏi đội ngũ. Những người tiếp tay, bao che... phải được xác minh làm rõ chứ không thể để chìm xuồng. Phải lấy lại niềm tin cho người dân. Nói bao nhiêu chăng nữa cũng không bằng việc xử lý một trường hợp cụ thể.

"Đó là chưa nói đến trường hợp bà Trần Thị Ngọc Thêm nếu làm giả giấy tờ, bằng cấp nếu có yếu tố cấu thành hình sự thì có thể xem xét về trách nhiệm hình sự", ông Nguyễn Thanh Hồng nêu.

Về vấn đề này, chia sẻ với báo chí, PGS - TS Lê Quý Đức - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng dùng bằng cấp giả để thăng tiến đang xảy ra trong xã hội là rất xấu. Theo ông, tham nhũng về kinh tế chính là cái gốc dẫn đến tham nhũng quyền lực, rồi tham nhũng cả tinh thần. Do đó, sử dụng bằng cấp giả cũng chính là một dạng tham nhũng về tinh thần.

PGS - TS Lê Quý Đức cũng nhấn mạnh: Việc người ta phải chạy đua để ngồi bằng được vào những "chiếc ghế" đã phần nào cho thấy mặt tiêu cực trong đời sống xã hội.


Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ