Đừng nghỉ việc khi bạn vẫn còn mơ mộng: Đời chưa nở hoa nhưng cuộc sống có khi bế tắc

Thế Huân | 05-12-2020 - 23:58 PM

(Tổ Quốc) - Nhiều bạn trẻ lầm tưởng nghỉ việc xong sẽ có những chuyến du lịch năm châu bốn bể hay cuộc sống tự do. Tuy nhiên, khi số dư trong tài khoản hết cũng là lúc bạn nhận ra nước đi này có thể đã sai.

Có một chia sẻ về một buổi phóng vấn tuyển ứng viên trên mạng khiến tôi nhớ mãi. Nhà tuyển dụng đặt câu hỏi cho ứng viên rằng: Tại sao em luôn mang đến cho mọi người cảm giác nhẹ nhàng và bình tĩnh, không vội vàng thế này? Chẳng lẽ một buổi như hôm nay không xứng đáng để em hồi hộp sao?

Vị ứng viên bình tĩnh trả lời: Tôi hồi hộp chứ, nhưng thể hiện nó ra cũng chẳng để làm gì bởi vì tôi biết rằng không có công việc nào là không tồn tại mặt trái của nó.

Thật vậy, công việc nào cũng có những áp lực riêng. Học ngành y phải mất gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần thời gian học bình thường, môi trường lúc nào cũng nguy hiểm. Học thiết kế thì phải thức đêm, thiết kế sao cho theo ý khách hàng, mà ý khách hàng thì 7749 tâm trạng khác nhau. Còn học kỹ sư xây dựng không có chỗ làm cố định, phải nay đây mai đó... Nghề nào cũng có khổ tâm riêng cả. 

Nếu không có đủ khả năng để gánh vác những trách nhiệm mà bạn phải gánh trên vai, thông thường sẽ có nhiều người chọn cách trốn tránh, mà cụ thể là ký vào tờ đơn xin nghỉ việc. Và chuyện này sẽ lặp đi lặp lại khi nhảy việc, về cơ bản, nó chỉ thay đổi từ sếp A thành sếp B, và sau đó từ sếp B thành sếp C. 

Vấn đề của bạn vẫn cứ ở đó thôi, đây là trải nghiệm của những người trẻ chọn nghỉ việc đây!

Đừng nghỉ việc khi bạn vẫn còn mơ mộng: Đời chưa nở hoa nhưng cuộc sống có khi bế tắc - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

1. 

Giờ làm việc của chúng tôi bắt đầu chính thức là 8:30 nhưng tôi thường đến lúc 8:00 đã phải có mặt để dọn dẹp (không ai ép đến đúng giờ cả). Có một ngày vì bận chuyện đột xuất nên tôi đến muộn 15 phút so với thường ngày, sếp tôi bỗng dưng lên cơn trút giận chẳng vì lí do gì. Trong khi rõ ràng tôi chẳng làm sai điều gì cả? Tối về vợ sếp nhắn tin nói hôm đó anh ta có những lí do riêng nên tâm trạng bực tức, có động viên tôi đôi chút. Nhưng cơn ác mộng mới bắt đầu thôi. 

- Những chuyện phát sinh không nằm trong phận sự của tôi, sếp cũng lôi tôi vào "hội nghị" để chỉ trích. 

- Phân công việc làm không rõ ràng, không đúng theo hợp đồng lao động. 

- Vì là người mới, nên tôi mặc định không có bảo hiểm (?). Biết là sai quy định, nhưng vì thiếu tiền nên tôi vẫn chấp nhận. 

- Trước khi tôi vào làm, đã có 7749 nhân viên từng ở vị trí tương tự bị đuổi việc. 

Đừng nghỉ việc khi bạn vẫn còn mơ mộng: Đời chưa nở hoa nhưng cuộc sống có khi bế tắc - Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Và còn rất nhiều, rất nhiều tình huống trái ngang khác nữa. Tôi là người không muốn có những suy nghĩ tiêu cực về sếp của mình, nhưng cách làm việc mập mờ và không quy rõ trách nhiệm kiểu này rõ ràng là bắt nạt cấp dưới. Rất nhiều người thường xuyên có những ác cảm kì quái với những nhân viên mới. Chẳng hạn như công việc suôn sẻ, dự án thành công thì nói là may mắn, còn khi gặp rắc rối thì đổ lỗi cho việc non nớt của "người mới" trong khi đây là trách nhiệm của cả một team. 

Nghỉ việc với tôi chưa bao giờ là sự chọn, có thể phần lỗi nào đó nằm ở tôi. Nhưng ở một môi trường thường xuyên "nghe chửi" và "đổ lỗi" thế này, tôi rời đi là lựa chọn tốt nhất. 

2. 

Tôi luôn tự nhận mình có xuất phát điểm tốt hơn rất nhiều người (thậm chí là may mắn) khi vừa ra trường đã được đầu quân cho một công ty truyền thông tốt, được làm đúng chuyên môn lẫn sở thích của mình. Sếp của tôi đã đào tạo cho tôi rất nhiều thứ, từ kĩ năng cho đến cách ứng xử với đồng nghiệp. 

Một trong những thứ sếp training tôi thành công nhất chắc là luôn trong tâm thế "sẵn sàng làm việc". Thời gian của tôi hầu như 80% là ở trên công ty, suốt ngày cặm cụi vào cái máy tính mà không quan tâm đến sức khoẻ, đến những thú vui khác của bản thân. Từng có thời gian tôi u mê công việc này đến mức lương cực thấp vẫn cắm đầu làm. 

Đừng nghỉ việc khi bạn vẫn còn mơ mộng: Đời chưa nở hoa nhưng cuộc sống có khi bế tắc - Ảnh 3.

(Ảnh minh hoạ)

Nhưng sức người có hạn, những vui vẻ - háo hức ban đầu với công việc dần tắt. Những suy nghĩ tiêu cực về công việc, về bản thân... thậm chí là cả về sếp cứ hiện lên trong đầu. Tôi nhận ra những tiêu chuẩn, đạo lí ban đầu sếp nói nó chỉ dừng lại ở chuyện nói, còn làm hay không còn thuộc vào sự tuỳ hứng nữa. Có những lúc tôi phải hứng chịu những lời công kích vô lý, những dòng status mắng chửi tục tĩu được set chế độ cho mỗi tôi đọc. 

Trải nghiệm này không khác gì "tra tấn tâm lý", trong hơn nửa năm liền, tôi hầu như không phát triển được bản thân. Tôi rất quý đồng nghiệp, nhưng tiếp tục công việc này thật quá khó. Thật may là bây giờ tôi đã ở một vị trí khác, vẫn được cống hiến theo đúng những thứ mình thích. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi không hờn trách gì sếp cũ nữa, ai bước qua đời mình họ cũng đều là những người thầy đáng học hỏi. 

3. 

Nếu xác định nghỉ việc, không mấy ai may mắn như trên đâu. Đây là trường hợp của tôi (và cũng có lẽ là nhiều người khác). Nghỉ việc xong cảm giác tinh thần chẳng có gì thoải mái hơn nhưng cân nặng thì tăng vọt. Khi không phải ra ngoài giao tiếp xã hội, tôi trở nên xuề xòa và cẩu thả với chính bản thân mình. Quan điểm khi ấy chính là: Tại sao phải ăn diện thật đẹp khi mình chỉ ở nhà.

Tôi bây giờ không dám nhìn vào số dư đồng hồ điện nước, cùng lúc đó tiền trong thẻ ngày càng ít, suốt ngày lo tiền thuê nhà, tiền điện nước. Nhiệt huyết ban đầu là việc nghỉ việc sẽ được tự do mất hẳn, bây giờ cảm giác càng ngày càng trở nên tiêu cực và bi quan, tâm trạng lo lắng, mất ngủ đã trở thành chuyện thường tình.

Đừng nghỉ việc khi bạn vẫn còn mơ mộng: Đời chưa nở hoa nhưng cuộc sống có khi bế tắc - Ảnh 4.

(Ảnh minh hoạ)

Bây giờ tôi thực sự nhớ những thói quen làm việc và nghỉ ngơi trong quá khứ. Bản thân khi ấy cũng tràn đầy nhiệt huyết, có mục tiêu vững chắc, không bị sao nhãng và cả cân nặng cũ nữa, giờ chúng đã tăng quá nhanh rồi.

Nếu nghỉ việc, bạn hãy thật cân nhắc nó vì sự bồng bột nhất thời của bản thân khi bất đồng quan điểm với sếp hay bản thân thật sự đang cần thoát khỏi nơi này. Cái giá nào cũng phải trả rất đắt nếu bạn không có phương án dự phòng mà chỉ nghỉ cho vui bản thân. 

4. 

Tôi phát hiện ra rằng người thân và bạn bè sẽ xa lánh bạn khi thất nghiệp trong một thời gian dài. Cuối cùng, người thất nghiệp sẽ cảm thấy lạc lõng với xã hội, bản thân họ không thể tìm được một công việc phù hợp hoặc trượt phỏng vấn. Về lâu dài, người ta sẽ mất tự tin và dễ thỏa hiệp khi đối mặt với một số chuyện mà trước đó họ từng rất nguyên tắc. Thậm chí là rất dễ xúc động và dễ bị kích động. 

Nhưng tôi nghĩ thế này, trải nghiệm "nghỉ việc" khi bạn ở độ tuổi đôi mươi là chuyện nên có. Về cơ bản, bất kỳ chuyện gì, cho dù nó có như thế nào không thể giết chết được bạn, nó sẽ khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn. Ít nhất bây giờ tôi sẽ làm việc chăm chỉ, tiếp tục nâng cao khả năng chuyên môn của mình và từ từ hòa nhập vào thời gian này. So với mất, tôi được nhiều hơn.

Tuy nhiên, nên nhớ rằng hãy nghỉ việc trong tâm thế ngẩng cao đầu và đã làm tốt tới tận nhiệm vụ được giao cuối cùng. Đừng tự biến mình thành trò hề khi nghỉ việc, việc này khi ấy không còn là "trải nghiệm" nữa, nó sẽ là cái "phốt" tự bạn huỷ hoại con đường tương lai phía trước của mình. 

Nguồn: Zhihu

Đừng nghỉ việc khi bạn vẫn còn mơ mộng: Đời chưa nở hoa nhưng cuộc sống có khi bế tắc - Ảnh 5.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM