• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Duterte - nguồn gốc lịch sử cánh tả chống Mỹ và thân Hoa

Thế giới 24/10/2016 21:06

(Tổ Quốc)-Tổng thống Philippines Duterte muốn thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc với cái giá phải trả là gì?

Kể từ khi nhậm chức vào 30/6, Tổng thống Philippines Rodrigo Roa Duterte - còn được gọi là "Duterte Harry" - đã giành được tiếng tăm quốc tế cho một chiến dịch chống ma túy khắc nghiệt, chiến dịch đã dẫn đến những vụ giết người ngoài vòng pháp luật của hơn 3.600 người bị cáo buộc buôn bán ma túy trên toàn quốc. Cuộc đàn áp đã rung lên hồi chuông báo động tại Liên minh châu Âu, Liên hợp quốc, và Hoa Kỳ. Ông Duterte đã gọi Barack Obama là “con trai của một con điếm” sau đó nói với tổng thống Hoa Kỳ rằng “hãy xuống địa ngục đi” sau khi Washington dám chỉ trích những vụ giết người này. Ông Duterte đã thề rằng không sớm thì muộn ông sẽ “chia tay với Mỹ,” người đồng minh và người bảo vệ an ninh lâu năm của Philippines.

 "Duterte Harry" - đã giành được tiếng tăm quốc tế cho một chiến dịch chống ma túy khắc nghiệt

Duterte với nguồn gốc cánh tả

Có một cường quốc toàn cầu dường như không đặc biệt lo lắng trước sự thái quá của Duterte. Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Zhao Jianhua nói trong một bài phát biểu hồi tháng trước: “Phía Trung Quốc hoàn toàn hiểu và ủng hộ mạnh mẽ cho chính sách của chính quyền Duterte trong việc [ưu tiên] cuộc chiến chống tội phạm ma tuý”. Ông này dự đoán rằng mặt trời “sẽ chiếu sáng rực rỡ vào những chương mới trong quan hệ song phương”.

Tuần này, Duterte dự tính gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, nơi cả hai đang có kế hoạch ký một loạt các thỏa thuận song phương cấp cao nhằm thúc đẩy mạnh thương mại và đầu tư giữa hai nước. Tình bạn mới của họ cũng sẽ không hạn chế kinh doanh. Chuyến thăm diễn ra chỉ vài ngày sau khi Duterte tuyên bố chấm dứt tuần tra hải quân chung Philippine-Mỹ trong vùng biển chiến lược của Biển Đông, nơi Trung Quốc đã liên tục mở rộng sự hiện diện của mình bất chấp tuyên bố của Manila và các nước khác. Mối liên minh 65 năm giữa Mỹ và Philippines chưa bao giờ nhìn dễ bị phá vỡ đến vậy.

Vậy tại sao lại có sự thay đổi trong chính sách? Ở một mức độ, mong muốn tìm kiếm tình bạn với Trung Quốc của ông Duterte phản ánh sự sẵn sàng xoa dịu lập trường hung hăng của Bắc Kinh về vùng biển tranh chấp. Tàu cảnh sát biển được trang bị súng máy và pháo nước củaTrung Quốc đã quấy nhiễu ngư dân Philippines, ngăn họ kiếm sinh kế của mình tại các ngư trường truyền thống của họ ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), nơi 90 phần trăm diện tích tại đây Trung Quốc tuyên bố là của mình. Việc nạo vét đã được Trung Quốc làm rất tốt trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, tại đây Trung Quốc đã phá hủy rạn san hô không thể thay thế để xây dựng sân bay và căn cứ hải quân nhằm tăng cường sức mạnh tấn công của mình. Trung Quốc cũng đã dùng vũ lực ngăn cản người dân Philippines khỏi việc phát triển các nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản có giá trị mà họ sẽ cần trong những năm tới để cấp điện cho lưới điện của họ. Ông Duterte đã tuyên bố: “Tôi sẽ không đi đến chiến tranh” về các vấn đề như vậy.

Vào ngày 12/7, chỉ một thời gian ngắn 2 tuần sau khi nhiệm kỳ tổng thống Duterte bắt đầu, Tòa án quốc tế ở The Hague đã phán quyết rằng Trung Quốc đã hành động vi phạm các nghĩa vụ tuyên thệ nhậm chức của Bắc Kinh theo luật hàng hải quốc tế. Những đệ trình về tranh chấp đã được đưa ra vào năm 2013 bởi người tiền nhiệm của Duterte, Benigno Aquino Jr, người đã tìm cách sử dụng các quy định của pháp luật để tập hợp dư luận quốc tế nhằm gây áp lực với Trung Quốc, buộc Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Philippines. Giờ đây, Duterte dường như bắn đi các tín hiệu rằng ông sẵn sàng bỏ qua những phán quyết của Tòa án nếu Trung Quốc sẵn sàng tiến hành một thỏa thuận.

Có nhiều cách giải thích khác nhau cho sự háo hức của Duterte trong việc tìm kiếm một thỏa hiệp. Một số những người hiểu rõ ông tổng thống cho rằng chính sách xoay trục (sang Trung Quốc) là bắt nguồn từ tư tưởng trung tả mà ông đã từng nói trong quá khứ, điều này khiến Phương Tây (và người Mỹ nói riêng) có chút nghi ngờ đối với ông. Duterte công khai ngưỡng mộ một trong những giáo sư đại học cũ của mình, Jose Maria Sison - người sáng lập của Đảng Cộng sản Philippines và cánh vũ trang của ông Sison - Quân đội nhân dân mới. Những người khác chỉ ra rằng Duterte, người đã nhiều lần đe dọa sẽ tuyên bố thiết quân luật, đã ca ngợi nhà lãnh đạo độc tài Ferdinand Marcos như một cựu anh hùng của Philippines. Và ngoài Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Nga Vladimir Putin đã cố tranh thủ Tổng thống Philippines với các đề xuất về tài chính giá rẻ đối với trực thăng tấn công của Nga.

Trong lúc đó, Duterte và bộ trưởng ngoại giao của mình, Perfecto Yasay, đang tìm cách đạt được sự ủng hộ của giới tinh hoa kinh doanh, những người ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh . Trong sự nghiệp luật sư của mình, Yasay đại diện cho lợi ích của các ông trùm Philippines gốc Hoa, những người có các mối quan hệ tốt với Bắc Kinh. Yasay, người đảm nhiệm vị trí Ngoại trưởng mà không có kinh nghiệm chính sách ngoại giao, cũng đã thận trọng nói một cách trân trọng về người Trung Quốc - khi nói trong một buổi tiếp kiến với những thành viên tại Washington, DC, rằng người Philippines không còn muốn là “người anh em da nâu” của Mỹ nữa.

92% dân số Philippines có thái độ tích cực đối với Mỹ

Thế lực người Hoa hỗ trợ sau lưng

Trong số những khách hàng chính của Yasay - ông Lucio Tan, một trong những người giàu nhất Philippines, là người đầu tiên thúc giục ông Duterte ra tranh cử tổng thống. Trong khi ít được biết đến ngoài phạm vi châu Á, tỉ phú Tan - người sinh ra ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc và được Đại lục coi là một người Trung Quốc “yêu nước” - là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất trong giới chính trị Philippines. Ông Tan từng là một trong những “bạn thân của Marcos”, người trở nên giàu có nhờ chính sách giảm thuế và trợ cấp của chính phủ trong những năm 1970 do Ferdinand Marcos đưa ra.

Ngày nay, ông Tan là chủ tịch Hãng hàng không Philippines, đơn vị vận tải hàng đầu của nước này, và nắm giữ nhiều tài sản trong lĩnh vực ngân hàng, khai khoáng, thuốc lá, bia, khách sạn và kinh doanh bất động sản. Ông này cũng có một số dự án đầu tư lớn vào Trung Quốc, đem lại cho ông này thiện chí từ Bắc Kinh. Khi các chủ tịch Trung Quốc đến Manila, họ luôn ở trong khách sạn của ông Tan.

Mặc dù không có bằng chứng nào về việc ông Duterte được ông Tan hỗ trợ tài chính – ông Duterte nói rằng ông đã từ chối đề nghị của ông Tan về việc cung cấp tiền và máy bay để di chuyển trong chiến dịch tranh cử tổng thống - nhưng hai người này có lợi ích lớn trong việc thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Duterte nhận được sự hoan nghênh đặc biệt nồng hậu từ Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Philippines -Trung Quốc mà ông Tan là chủ tịch danh dự. Cùng với Đại sứ Trung Quốc, ông Tan là một trong những vị khách đầu tiên được Duterte đón tiếp sau khi thắng cử.

Trong khi thúc đẩy thiết lập quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc, Duterte cũng nói rằng ông này đang tìm cách khôi phục những thương vụ chung Philippines – Trung Quốc được đưa ra 10 năm trước dưới thời tổng thống Gloria Arroyo. Dự án đáng chú ý nhất dưới thời Arroyo là một hợp đồng viễn thông trị giá 329 triệu USD với tập đoàn ZTE thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc. Nhưng những hi vọng của bà Arroyo thiết lập quan hệ kinh tế gần gũi hơn với Trung Quốc đã bị ngăn cản bởi hàng loạt cáo buộc liên quan đến việc trả nợ có liên quan đến ZTE, bản thân bà Arroyo và các thân tín của bà. Chính quyền ở Manila gần đây đã bãi bỏ trừng phạt tham nhũng đối với bà Arroyo và những đồng nghiệp cũ của bà; hình phạt quản thúc tại gia 4 năm cũng đã được xóa bỏ. Duterte khẳng định mình không liên quan đến những quyết định này trong bất kỳ trường hợp nào mặc dù ông này đã công khai đề nghị ân xá cho bà Arroyo.

Trong khi chính quyền mới của ông Duterte không phải đối mặt với bất kì cáo buộc tham nhũng nào, thì vẫn có những lo ngại về những hậu quả tiêu cực trong việc quan hệ thương mại với Trung Quốc. Một giáo sư của Philippines, Aileen Baviera, cho rằng thỏa thuận với ZTE là “một ví dụ về cách mà sự thịnh vượng của Trung Quốc… có thể làm suy yếu những thể chế và quy tắc quản lý vốn đã yếu của nước nhận”.

Trong khi một vài thành viên giới tinh hoa ở Manila lo ngại rằng chiến dịch giết người không cần xét xử của Duterte sẽ đe dọa hủy hoại nền pháp trị khó khăn lắm mới có được, thì giới làm kinh doanh giữa Philippines và Trung Quốc nằm trong số những người bảo vệ mạnh mẽ nhất cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte. Và một ông trùm từ Trung Quốc đại lục, Huang Rulun, người trở nên giàu có trong khi sống ở Philippines đã lấy lòng Duterte bằng cách tình nguyện chi trả việc xây dựng một trại giam mới cho hàng ngàn người nghiện ma túy ra trình diện cảnh sát thay vì trở thành nạn nhân của cuộc tàn sát.

Trong khi Duterte hiện tại đang thể hiện rất tốt trong các cuộc thăm dò ý kiến dư luận thì những dấu hiệu của phản ứng dữ dội đã bắt đầu xuất hiện. Một sự kiện đáng chú ý xảy ra tuần trước là cựu tổng thống Fidel Ramos – người mà Duterte nói sẽ là đặc phái viên đến Trung Quốc – đã công khai bày tỏ quan ngại sâu sắc về xu hướng mà tổng thống mới của Philippines đang đi. Ông Ramos than rằng “Đội Philippines’ đang thua, và thua thậm tệ”. Cũng trong tuần trước, Chánh án Antonio Carpio của Tòa án Tối cao Philippines thậm chí cảm thấy cần thiết phải nhắc nhở ông Duterte rằng trao quyền chủ quyền của Philippines cho kẻ khác sẽ là “tội phản quốc”.

Thực ra, nếu Duterte tiếp tục con đường hiện tại của mình – hạ thấp vai trò của phán quyết của PCA và từ bỏ tuyên bố chủ quyền của Philippines – thì tuần trăng mật với cử tri sẽ nhanh chóng chấm dứt. Philippines vẫn là một trong những nước thân Mỹ nhất trên thế giới; trong một cuộc điều tra gần đây, 92% dân số có thái độ tích cực đối với Mỹ. Và một vài trong số những người Philippines ủng hộ Mỹ nhất nằm trong quân đội, dựa vào quan hệ an ninh với Mỹ để chống Trung Quốc bắt nạt – điều này giúp giải thích tại sao Duterte đang mua chuộc những quan chức cấp cao bằng tiền bạc./.

Linh Hương (Theo Forein Policy, 10/2016)

NỔI BẬT TRANG CHỦ