Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Truyền thông và các chuyên gia quốc tế dành nhiều lời lẽ tích cực cho bức tranh kinh tế Việt Nam 2018, đồng thời thể hiện sự lạc quan vào năm 2019.

[eMagazine] Quốc tế đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2018: Vững vàng "hóa giải" mọi xung lực bên ngoài

(Tổ Quốc) - Truyền thông và các chuyên gia quốc tế dành nhiều lời lẽ tích cực cho bức tranh kinh tế Việt Nam 2018, đồng thời thể hiện sự lạc quan vào năm 2019.

Tiếp nối đà năm 2017, năm 2018 nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là vẫn tăng trưởng tích cực. Bảng xếp hạng về logistics của Ngân hàng thế giới (WB) trong năm qua chỉ ra, Việt Nam đã nhảy vọt 25 bậc lên vị trí thứ 36/160. Trong số các nước ASEAN, Việt Nam cũng tăng hai bậc từ thứ 5 lên thứ 3.

Năm 2018: Việt Nam cho thấy sự vững vàng

Trong bài viết trên trang East Asia Forum, Phó Giáo sư Suiwah Leung của Trường chính sách công Crawford, Đại học Quốc gia Australia phân tích về kinh tế Việt Nam trong năm 2018: "vùng đệm bên ngoài của dự trữ quốc tế đang được quản lý thông qua tình hình xuất khẩu tốt và dòng đầu tư trực tiếp; vùng đệm bên trong của tài chính công được giải quyết bằng cách tư nhân hoá nhanh chóng các doanh nghiệp nhà nước cũng như cải cách hệ thống thuế và chi tiêu ngân sách".

Còn Financial Times nhận định, với 3 năm liên tiếp thiết lập kỷ lục về số vốn giải ngân FDI, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo tờ báo Anh, nhìn ở góc độ ổn định vĩ mô, Việt Nam duy trì ổn định khá tốt. Nền kinh tế đã hấp thụ được các xung lực bên ngoài mà không gây ra các biến động đáng kể lên thị trường ngoại tệ trong nước, ngay cả khi trong một số thời điểm sức ép được đẩy lên rất cao.

kinh3
kinh3
kinh2
kinh2

Các chuyên gia WB dành nhiều lời lẽ tích cực cho xuất khẩu Việt Nam trong năm 2018, gọi đây là một trong những "nền kinh tế mở" bậc nhất thế giới. "Việt Nam đạt kết quả tốt về xuất khẩu trên cơ sở đa dạng hóa giỏ các mặt hàng xuất khẩu một cách bất ngờ; trong đó, các mặt hàng chế tạo, chế biến đóng tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu là trên 80% trong năm 2018", WB phân tích.

Cụ thể, trong năm qua, tỷ trọng các mặt hàng chế tạo, chế biến xuất khẩu giá trị cao như hàng điện tử và linh kiện, điện thoại, máy tính, máy ảnh… tăng khoảng 35%. Tỷ trọng  các mặt hàng thô giảm mạnh, trong đó, xuất khẩu dầu thô giảm còn khoảng 1,3% tổng kim ngạch xuất khẩu vào tháng 10/2018, so với gần 7% trong năm 2010.

Theo ông Suiwah Leung, sau những dự đoán màu hồng đầu năm, càng về nửa sau của 2018, kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng đáng lo ngại và thiếu chắc chắn, đặc biệt với việc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết.

Việt Nam được các tổ chức uy tín trên thế giới đánh giá là con hổ mới về kinh tế của châu Á. Việt Nam có nền chính trị ổn định, người dân an cư lạc nghiệp, cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện, thu hút các nhà đầu tư quốc tế.

Lý Bảo Đông, Tổng thư ký Diễn đàn châu Á Bác Ngao

Về ngắn hạn, Việt Nam được đánh giá là sẽ hưởng lợi từ những thay đổi chuỗi cung cấp tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ảnh hưởng về dài hạn lại tỏ ra khá "mông lung" khi các cường quốc lớn đang ngày càng xa rời hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên quy tắc - vốn đem lại lợi thế cho các nền kinh tế nhỏ hơn, bao gồm cả Việt Nam. Mặc dù vậy, "Việt Nam vẫn cho thấy sự vững vàng của mình", ông Leung nhận xét. Tăng trưởng GDP dự đoán vào ít nhất đạt 6,8%, lạm phát là 4%, tỷ lệ thất nghiệp giữ ở mức 2,2%...

Về lượng kiều hối, dữ liệu của WB cho hay, năm 2018, Việt Nam nhận được hơn 15 tỷ USD kiều hối. Điều này khiến ngoại tệ của Việt Nam liên tục tăng và hiện đạt mức khoảng 63 tỷ USD – tương đương 3 tháng nhập khẩu. Quy mô dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện đứng thứ 34 trên thế giới.

Phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến kinh tế Việt Nam – Trung Quốc tại Hà Nội, ông Lý Bảo Đông, Tổng thư ký Diễn đàn châu Á Bác Ngao cho biết, Việt Nam là nền kinh tế quan trọng và nằm trong số các nước có tăng trưởng nhanh nhất của thế giới.  "Việt Nam được các tổ chức uy tín trên thế giới đánh giá là con hổ mới về kinh tế của châu Á. Việt Nam có nền chính trị ổn định, người dân an cư lạc nghiệp, cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện, thu hút các nhà đầu tư quốc tế", ông Lý Bảo Đông nói.

Lạc quan trong năm 2019

Ông Khoon Goh, Trưởng bộ phận Nghiên cứu châu Á của Ngân hàng ANZ đánh giá: "Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh năm 2019. Tăng trưởng GDP trong năm 2019 sẽ ở mức cao khi Việt Nam tiếp tục thu hút được các dòng vốn FDI vào để mở rộng cơ sở sản xuất. Cụ thể, ANZ dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam là 7%".

Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2019.

Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ quan điểm trên khi nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất ASEAN. Trong bản báo có tựa đề "Việt Nam – Fast, not furious, growth" (Việt Nam – tăng trưởng nhanh nhưng không rủi ro), Standard Chartered dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ đạt 7%, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của khu vực sản xuất hàng điện tử có vốn đầu tư nước ngoài và gia tăng hoạt động tiêu dùng.

Các chuyên gia nước ngoài cũng lạc quan về khả năng Việt Nam ký kết thành công Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) trong năm 2019. Cùng với việc Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại của Việt Nam trong thời gian tới.

Mách nước từ các chuyên gia 

Theo PGS Suiwah Leung, mặc dù trong năm 2018 tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam đã giảm nhẹ so với năm 2017, Việt Nam vẫn cần đầu tư bền vững trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở và sản xuất năng lượng. Để làm được điều này, Chính phủ cần phải "lôi kéo" cả các doanh nghiệp tư nhân trong nước vào cuộc; và khuyến khích họ phát triển thông qua cải cách cơ cấu.

Ngoài ra ông cũng cảnh báo, Việt Nam có phần "hụt hơi" so với các nước khác trong cuộc chạy đua cải cách khi tụt một bậc xuống vị trí 69/190 nền kinh tế trong bảng xếp hạng của WB.

Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của World Bank tại Việt Nam

Việt Nam cần ưu tiên thực hiện một số giải pháp, trong đó có việc thúc đẩy mạnh mẽ để phát triển khu vực tư nhân trong nước.

Còn ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần ưu tiên thực hiện một số giải pháp, trong đó có việc thúc đẩy mạnh mẽ để phát triển khu vực tư nhân trong nước, bởi khu vực này sẽ trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, ông cũng đưa ra lời khuyên, Việt Nam nên tăng cường đầu tư vào vốn nhân lực, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở thành một xu thế toàn cầu.

Trong khi đó, hãng tin AP nhận định, song song với việc tiếp tục "cởi trói" khu vực tư nhân, Việt Nam cần phải thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ trong năm 2019; bởi đây sẽ là những động lực chính của nền kinh tế. 

Minh Đức