EVN vướng mắc gì trong việc mua lại điện mặt trời mái nhà?

(Tổ Quốc) - Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng đã có buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phát triển điện mặt trời mái nhà ngày 5/8.

EVN cho biết, trong tháng 6 và tháng 7/2020, EVN đã có 2 văn bản báo cáo Bộ Công Thương về những khó khăn, vướng mắc trong phát triển điện mặt trời mái nhà.

Theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, đối với dự án điện mặt trời mặt đất, giá bán là 1.644 đồng/kWh, tương đương 7,09 UScent/kWh. Trong khi đó, đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà, giá bán là 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 UScent/kWh.

EVN cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là định nghĩa về công trình xây dựng và cơ sở để xác định loại hình điện mặt trời mái nhà bởi hiện có rất nhiều dự án điện mặt trời gần 1 MWp thực hiện theo mô hình trang trại nông nghiệp, chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan chức năng để xác định có phải là điện mặt trời mái nhà hay không.

Bên cạnh đó, việc xác định "tấm pin quang điện lắp đặt trên mái nhà" theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg cũng gặp khó khăn do hình thức "mái nhà" rất đa dạng (mái tôn, mái nhựa, tấm lấy sáng, bạt ni lông…), cách thức lợp mái (trên/dưới xà gồ…), trong khi các quy định để xác định thế nào là mái nhà chưa cụ thể.

Do vậy, các tổng công ty điện lực gặp khó khăn trong việc xác định để áp dụng đúng giá mua bán điện theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg.

"Hiện nay có nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà được đầu tư theo cụm 3-8 MW (mỗi dự án chưa tới 1MW) tại cùng 1 địa điểm, của 1 chủ đầu tư và đấu nối tại 1 điểm hoặc nhiều điểm,... cũng gây khó khăn cho ngành Điện trong việc xác nhận hệ thống điện mặt trời mái nhà để ký hợp đồng mua bán điện.

Chưa kể tới việc, quy định về quản lý thuế, hóa đơn với các đối tượng không phải doanh nghiệp (hộ dân, công sở, trường học…), quy định quản lý xây dựng, đất đai… của các địa phương là khác nhau. Điều đó cũng gây lúng túng cho các công ty điện lực.

EVN cho biết thêm, trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Công thương, EVN đã chỉ đạo các đơn vị điện lực công khai, minh bạch mọi thủ tục, quy trình đấu nối, thỏa thuận mua bán điện, khả năng giải tỏa công suất từng trạm biến áp, từng khu vực,… để nhà đầu tư nắm được thông tin.

Để tháo gỡ vướng mắc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, sau cuộc họp này, Bộ Công Thương sẽ rà soát các khó khăn, vướng mắc, sớm có văn bản hướng dẫn để EVN và các đơn vị trực thuộc triển khai Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, cũng như Thông tư số 18/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương.

Thứ trưởng cũng thống nhất, với những dự án điện mặt trời mái nhà mới, chỉ thỏa thuận đấu nối với các hệ thống ở những khu vực có khả năng giải tỏa công suất. Với những dự án đã triển khai và không trái với Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai.

H.S

Tin mới