F-16 dư sức "làm xấu mặt" Su-35: Vì sao Mỹ không hành động khi bị Nga đánh chặn nguy hiểm?

Vy Lam | 31-05-2020 - 06:54 AM

(Tổ Quốc) - Theo nhà phân tích Tom Rogan, F-16 có thể nhanh chóng đặt dấu chấm hết cho "trò chơi" nguy hiểm của Nga.

Tính mạng của phi hành đoàn Mỹ bị đe dọa

Theo tờ Washington Examiner, trong những tuần qua, phi hành đoàn trên các máy bay trinh sát của Mỹ đã nhiều lần phải đối mặt với các hành động hung hăng từ phía máy bay chiến đấu có vũ trang của Nga và Trung Quốc.

Chiến đấu cơ Trung Quốc đã quấy rối các máy bay RC-135, P-8 hoặc P-3 của Mỹ trên Biển Đông, trong khi Nga thì đe dọa các máy bay P-8 trên Địa Trung Hải.

Bức ảnh ở trên đã ghi lại sự vụ mới nhất diễn ra vào tuần này, trong đó hai tiêm kích Su-35 của Nga được cho là có hành vi đánh chặn không an toàn đối với máy bay tuần tra P-8 Poseidon của Hạm đội 6 - Hải quân Mỹ khi nó đang bay trên bầu trời Địa Trung Hải.

Nhà phân tích Tom Rogan trên tờ Washington Examiner cho rằng đây là một vấn đề thực sự. Mặc dù những sự vụ này thoạt trông giống như một trò chơi đơn giản nhưng lại ẩn chứa nguy cơ tính toán sai lầm.

Cần nhớ lại vụ việc xảy ra vào năm 2001, khi đó máy bay trinh sát Mỹ đã suýt chút nữa rơi xuống Biển Đông sau khi bị một phi công tiêm kích Trung Quốc hung hăng húc vào. May mắn là, 24 thành viên trong phi hành đoàn của Mỹ đã ổn định được chiếc máy bay và hạ cánh xuống một căn cứ quân sự của Trung Quốc.

F-16 dư sức làm xấu mặt Su-35: Vì sao Mỹ không hành động khi bị Nga đánh chặn nguy hiểm? - Ảnh 1.

Chiếc EP-3 của Mỹ sau khi hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam

Vấn đề không chỉ đơn thuần nằm ở nguy cơ phi công mắc lỗi, mà còn phải xét tới mối đe dọa từ sự hỗn loạn.

Trong các trường hợp trên, phi công Trung Quốc và phi công Nga đều không có chủ đích tiêu diệt phi công Mỹ nhưng các động tác cơ động chập choạng ở tốc độ cao trước mặt máy bay Mỹ sẽ tạo ra sự hỗn loạn, khiến phi hành đoàn Mỹ có nguy cơ mất kiểm soát máy bay. Khi sự hỗn loạn đạt đến mức độ nhất định, phi hành đoàn Mỹ có thể sẽ thiệt mạng.

Theo nhà phân tích Rogan, rõ ràng Trung Quốc và Nga ngày càng sẵn lòng liều lĩnh. Họ biết khả năng đó có thể xảy ra, dù khá xa vời, mỗi lần họ thực hiện các pha hành động nguy hiểm như vậy.

"Nhưng điều đáng nói ở đây không phải là việc Moscow và Bắc Kinh đang mạo hiểm với tính mạng của phi hành đoàn Mỹ bởi suy cho cùng, họ là hai đối thủ hàng đầu của Washington. Điều đáng nói nhất là thái độ hờ hững của Lầu Năm Góc khi không có hành động nào nhằm bảo vệ các chuyến bay trinh sát" – ông Rogan viết.

Nhà phân tích cho biết ông đã gửi câu hỏi qua email tới bộ phận phụ trách các hoạt động của Bộ Tư lệnh châu Âu nhưng không nhận được hồi âm. Tương tự, Hạm đội Thái Bình Dương cũng từ chối cung cấp các thông tin về quy trình bảo vệ lực lượng của họ.

Mỹ cần hành động!

"Thật ngớ ngẩn. Không cần nổ súng, Mỹ vẫn có thể chấm dứt những mối đe dọa này" – ông Rogan viết.

Theo nhà phân tích, đáng ra ngay từ đầu, quân đội Mỹ cần theo dõi các máy bay đánh chặn của đối phương từ khoảng cách xa trước khi chúng tiếp cận được máy bay Mỹ. Điều đó mang lại cho phi hành đoàn Mỹ thời gian chuẩn bị.

"Giờ đây, khi những vụ đánh chặn như thế này trở nên thường xuyên thì tại sao quân đội Mỹ không thực hiện các chuyến bay hộ tống?" – ông Rogan đặt câu hỏi.

Không có lời bào chữa nào thỏa mãn ở đây.

F-16 dư sức làm xấu mặt Su-35: Vì sao Mỹ không hành động khi bị Nga đánh chặn nguy hiểm? - Ảnh 2.

Theo ông Rogan, Mỹ cần có hành động bảo vệ phi hành đoàn máy bay trinh sát, chẳng hạn như điều các chiến đấu cơ F-16 làm nhiệm vụ hộ tống. Ảnh: National Interest

Nhà phân tích nhận định, trong tình huống xảy ra với Nga ở Địa Trung Hải, Không quân Mỹ có tới 2 phi đoàn F-16 có thể tái triển khai tới căn cứ Sicily ở bắc Italy, nơi Mỹ đang bố trí các máy bay P-8. Những chiến đấu cơ này có thể đối phó với tiêm kích đánh chặn của Nga khi cần thiết.

Có thể thấy động cơ của Nga ở đây là truyền đi thông điệp "cho Mỹ thấy ai mới là ông chủ", do đó, F-16 có thể nhanh chóng đặt dấu chấm hết cho trò chơi này của Nga. Các phi công F-16, và hệ thống hàng không điện tử-vũ khí của máy bay Mỹ "vượt xa" các máy bay Nga.

"Chắc chắn Nga không muốn có một đoạn video được công bố cho thấy F-16 liên tục chiếm ưu thế trước các máy bay của họ trong các đợt không chiến" – Ông Rogan viết.

Nhà phân tích cho rằng Mỹ cũng nên áp dụng quy trình xử lý tương tự trong các trường hợp xảy ra với Trung Quốc.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt hiện đang có mặt ở biển Philippine và đã [hoặc sắp] hoàn tất quá trình tái đánh giá lực lượng không quân trên hạm.

Theo ông Rogan, con tàu này có thể và nên được điều tới Biển Đông để yểm trợ cho các chuyến bay trinh sát của Mỹ. Với hơn 40 chiếc F-18, tàu sân bay Theodore Roosevelt có những phương tiện mạnh mẽ để ngăn chặn sự leo thang của Trung Quốc.

Nhà phân tích cho rằng, đây là lúc Lầu Năm Góc cần có hành động để bảo vệ người dân của mình và uy tín quốc gia của Mỹ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM