Fast Fashion - "Sức hút" không thể chối từ và "Hệ luỵ" không thể chối cãi

Nam Vu | 11-11-2020 - 22:19 PM

(Tổ Quốc) - Khi bạn ghé Gucci hay Chanel vào tháng 10, bạn biết rõ những sản phẩm đó vẫn sẽ ở cửa hàng đến tận tháng 2. Nhưng ở Zara, H&M hay các nhãn hàng phổ thông khác, bạn phải hiểu rằng nếu bạn không mua nó ngay, thì trong vòng 11 ngày toàn bộ sản phẩm sẽ bị thay bằng mặt hàng khác!

Theo báo cáo từ Forbes, ngành công nghiệp thời trang hiện đang đứng thứ 2 về nguyên nhân gây ra những tổn thất đến tài nguyên và môi trường trên toàn thế giới, chỉ xếp sau ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt. Tác nhân chính mang đến "thành công" vang dội cho thứ tưởng chừng như vô hại này phần lớn là do sự lên ngôi của "Fast Fashion" (thời trang nhanh).

"Fast Fashion" cụm từ đã và đang làm chao đảo ngành thời trang thế giới

Fast Fashion - Sức hút không thể chối từ và Hệ luỵ không thể chối cãi - Ảnh 1.

"Thời trang nhanh" là một thuật ngữ được các nhà bán lẻ thời trang sử dụng để mô tả các thiết kế rẻ tiền di chuyển nhanh chóng từ sàn catwalk đến các cửa hàng để đáp ứng các xu hướng mới. Do xu hướng này có truyền thống giới thiệu hàng loạt các dòng thời trang mới theo mùa nên ngày nay, không có gì lạ khi các nhà bán lẻ "thời trang nhanh" giới thiệu sản phẩm mới nhiều lần trong một tuần để bắt kịp xu hướng.

Thuật ngữ "Fast Fashion" đã có mặt từ khá lâu đời, vào khoảng những năm 1960 khi giới trẻ đã bắt đầu tạo ra những xu hướng mới và quần áo trở thành hình thức thể hiện cái tôi. Vào thời điểm này, vẫn còn đó sự phân biệt giữa thời trang cao cấp và đường phố, mãi đến cuối những năm 1990, 2000, "Fast Fashion" mới thực sự bùng nổ và đạt đến đỉnh cao khi mua sắm trực tuyến đã trở nên quá thành công bên cạnh việc các nhà bán lẻ thời trang nhanh như H&M, Zara và Topshop đã dần chiếm lĩnh cả con đường thời trang cao cấp.

Những thương hiệu này đã lấy ngoại hình cũng như một số yếu tố thiết kế từ các nhà mốt hàng đầu và "xào nấu" chúng một cách nhanh chóng và rẻ tiền. "Fast Fashion" giờ đây hơn cả tên gọi ban đầu của nó, còn được dùng để nói đến tốc độ sản xuất chóng mặt lẫn vòng đời sử dụng ngắn ngủi của trang phục.

Fast Fashion - Sức hút không thể chối từ và Hệ luỵ không thể chối cãi - Ảnh 2.
Dòng người lũ lượt xếp hàng tại ZARA

Vòng đời ngắn ngủi của những thiết kế gắn mác "Fast Fashion"

Fast Fashion - Sức hút không thể chối từ và Hệ luỵ không thể chối cãi - Ảnh 3.

Quần áo thừa mứa tại các cửa hàng và chực chờ bị vứt đi

Vòng đời của một thiết kế "Fast Fashion" diễn ra cực kỳ ngắn ngủi và vẫn còn đang tiếp tục được rút ngắn hơn vào mỗi năm. Hàng trăm NTK của các thương hiệu "Fast Fashion" bắt đầu "copy" ý tưởng lấy được từ những mùa Fashion Week từ nhiều nhà mốt danh tiếng và sau đó phác thảo, dựng lên các bản thiết kế mới cho BST của chính họ và chuyển đến các nước đang phát triển để tiến hành gia công. Khoảng 3 tuần sau đó, các mẫu quần áo hợp mốt và bắt mắt nhất sẽ có mặt trên kệ tại tất cả cửa hàng "Fast Fashion" trên toàn thế giới. Những chiến dịch marketing quy mô sẽ nở rộ và tiêm nhiễm vào đầu óc người tiêu dùng, bắt họ phải đổ xô đi mua sắm để bắt kịp xu hướng rồi lại vứt bỏ lại chúng trong một vài tháng sau đó. Đơn giản vì món đồ đó đã "hết thời" và cũng vì chất lượng quần áo của các hãng này thường không bền cho lắm.

Ngày nay các thương hiệu thời trang nhanh sản xuất khoảng 52 "mùa nhỏ" mỗi năm. Điều này có nghĩa là ít nhất một "bộ sưu tập" mới mỗi tuần. Theo tác giả Elizabeth Cline, Zara bắt đầu cơn sốt bằng cách chuyển sang phân phối hàng hóa mới 2 tuần/lần vào những năm đầu. Kể từ đó, nó đã trở thành tiêu chuẩn để thương hiệu này luôn sở hữu nguồn cung cao ngất ngưởng. Mô hình này đã giúp các doanh nghiệp như Next, Charlotte Russe và Wet Seal không gặp phải tình trạng hết một phong cách thời trang nhất định và cô lập các khách hàng khác nhau. "Ngày nay, các công ty như H&M và Forever21 đều nhận được các lô hàng hàng ngày với các kiểu dáng mới, trong khi Topshop giới thiệu 400 kiểu mỗi tuần trên trang web của mình."

Nỗi ám ảnh tâm lý đối với người tiêu dùng

Fast Fashion - Sức hút không thể chối từ và Hệ luỵ không thể chối cãi - Ảnh 4.

Việc mua sắm diễn ra liên tục tại ZARA

Masoud Golsorkhi từ tạp chí Tank, London đã chỉ ra phương thức mà Inditex (tập đoàn chủ quản của chuỗi thương hiệu Zara, Pull & Bear, Bershka, Massimo Dutti, Stradivarius,…) định hướng lại thói quen tiêu dùng của đại chúng: "Khi bạn ghé Gucci hay Chanel vào tháng 10, bạn biết rõ rằng những sản phẩm đó vẫn ở trong cửa hàng đến tận tháng 2. Nhưng ở Zara, H&M hay các nhãn hàng phổ thông khác, bạn phải hiểu rằng nếu bạn không mua nó ngay và luôn, thì trong vòng 11 ngày toàn bộ sản phẩm sẽ bị thay bằng mặt hàng khác. Bạn đứng giữa lựa chọn mua nó bây giờ hoặc không bao giờ mua được nó nữa. Và bởi vì giá thành quá rẻ, bạn gần như sẽ bỏ tiền ra để sở hữu chúng lập tức."

Fast Fashion - Sức hút không thể chối từ và Hệ luỵ không thể chối cãi - Ảnh 5.
Trong một đợt sale off tại cửa hàng Forever21

Các thương hiệu "Fast Fashion" dễ dàng thu hút được một số lượng khách hàng cực khủng vì độ nhanh nhạy trong việc cập nhật xu hướng đi kèm với giá thành luôn ở mức rẻ mạt. Cũng chính vì lý do này mà quần áo của các hãng "thời trang nhanh" rất dễ bị "lỗi mốt". Tương tự, người tiêu dùng ảnh hưởng bởi tâm lý chạy theo xu hướng đám đông cộng thêm ý thích muốn thay đổi nhanh chóng tủ đồ cũng sẽ đào thải một lượng lớn trang phục sau thời gian ngắn sử dụng vì đơn giản họ cũng sẽ tìm ra cho mình thiết kế ưa thích khác chỉ trong vài ngày.

Một số thương hiệu "Fast Fashion" rất khéo léo trong việc marketing đủ các thể loại xu hướng mới. Điều này tạo nên một tâm lý bất ổn cho người dùng đó là: phải mua sắm thật nhiều, thật nhiều để có thể cập nhật kịp những phong cách "thời thượng" hơn, "hợp mốt" hơn. Nếu không tiếp tục chi tiền mua sắm thêm quần áo, họ sẽ có cả một tủ đầy quần áo mà vẫn "chẳng có gì để mặc".

Sức hút không thể chối từ

Fast Fashion - Sức hút không thể chối từ và Hệ luỵ không thể chối cãi - Ảnh 6.

H&M x Balmain

Dù ở bất cứ quốc gia nào, người có thu nhập trung bình cũng sẽ chiếm đa số và nhu cầu của phân khúc này thường sẽ là những sản phẩm giá rẻ, mẫu mã đẹp. Nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng đại chúng, nhất là giới trẻ, các hãng thời trang "Fast Fashion" đã tung ra những sản phẩm gần như giống hệt những BST của các hãng thời trang cao cấp nhưng với mức giá thấp hơn chỉ bằng 1/10.

Bỏ qua những yếu tố "đạo nhái" mà những cái tên như Zara, H&M, Forever21 liên tục bị gọi tên, "Fast Fashion" ngày càng trở nên lớn mạnh đến mức ngay cả các thương hiệu cao cấp cũng không thể ngoảnh mặt làm ngơ. Việc bắt tay giữa các "ông lớn" và hãng bình dân để cho ra mắt hàng loạt BST kết hợp là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Thay vì phải sắm đồ Versace, Balmain, Alexander Wang,... giới mộ điệu giờ đây cũng có thể săn những sản phẩm với chất lượng thấp hơn nhưng được "nhào nặn" từ bàn tay của chính các NTK hàng đầu. Tất cả đều nằm trong những BST đặc biệt hàng năm của H&M. Cũng chính vì lý do này ranh giới giữa thời trang cao cấp và thời trang bình dân chưa bao giờ được rút ngắn đến vậy.

Hệ lụy không thể chối cãi

Fast Fashion - Sức hút không thể chối từ và Hệ luỵ không thể chối cãi - Ảnh 7.

Quần áo thừa mứa được chất thành núi

Vậy, fast fashion có ảnh hưởng như thế nào? Sự thay đổi xu hướng nhanh chóng khiến tâm lý người mua cũng thay đổi liên tục và tạo nên một số lượng rác thải quần áo khổng lồ. Trung bình hàng năm trên toàn thế giới, số lượng rác thải từ "Fast Fashion" luôn nằm ở mức cao so với nhiều loại rác thải khác. Thêm vào đó, sự "chung tay" của ngành truyền thông với hàng loạt celeb/kol đã sử dụng cả gia tài để làm những "fashion haul" với vài chục bộ quần áo mỗi lần (các hãng fast fashion đều có giá rất rẻ) dường như lại càng thúc đẩy sự tiêu tốn vào quần áo của số đông người tiêu dùng.

Chúng ta mua quần áo, và rồi vứt bỏ chúng rất sớm, vì lỗi mốt, vì nhanh hỏng, vì không vừa, vì không hợp, tất cả những sự phí hoài đó vô hình trung đã gây nên một lượng rác thải cực kỳ lớn và khó tiêu hủy; vì để cho giá thành sản phẩm thấp nhất có thể, các hãng thời trang này phải sử dụng đến những loại vật liệu rẻ tiền, thường sẽ có thành phần nhựa trong đó. Không chỉ thế, "Fast Fashion" còn gây hại cho môi trường vì họ chỉ gia công tại các chuỗi nhà máy rẻ tiền, những nơi thường sẽ tạo ra các sản phẩm từ hóa chất độc hại. Phần hóa chất độc hại đó rồi sẽ đi về đâu? Tất cả đều được đổ thẳng vào các nguồn nước sông, suối, ao gần nhà máy đó, trở thành nguồn nước sinh hoạt, ngấm vào và làm ô nhiễm đất, dẫn đến ô nhiễm cả một hệ sinh thái.

Fast Fashion - Sức hút không thể chối từ và Hệ luỵ không thể chối cãi - Ảnh 8.

Bên cạnh các tác hại trực tiếp đến môi trường, các hãng "Fast Fashion" còn được biết đến với việc trả lương cho công nhân vô cùng rẻ mạt (1 - 2$ cho một ngày làm việc), bắt buộc lao động làm việc quá thời gian quy định (12 - 14 tiếng mỗi ngày), trong một môi trường làm việc cực kỳ độc hại với các hóa chất nhuộm. Những người này bị đối xử còn thua cả động vật, bị mắng chửi, đánh đập, thậm chí là lạm dụng tình dục ở nơi làm việc, và không thể tự mình nghỉ việc hay tố cáo cho các cơ quan chức năng.

"Fast Fashion" đã và đang được ví như chiếc bánh burger mà thế giới thời trang "dành tặng" cho môi trường: Nhanh gọn, rẻ tiền, đầy cám dỗ và gây nguy hại đến sức khỏe, thứ ma lực này dường như đang kìm nén cũng như chi phối tất cả. Đã đến lúc con người cần phải ngồi lại và suy nghĩ về câu hỏi "Đâu sẽ là lối thoát cho chúng ta trong mớ hỗn độn này?"

Nguồn: Forbes, Business Of Fashion, The Good Trade

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

"Đại tiệc" ra mắt BST Xuân hè 2024 của IVY moda: Các quý cô thỏa sức khoe tính nữ

(Tổ Quốc) - Mùa Xuân Hè 2024, IVY moda ra mắt BST mới The Flow mang chủ đề "Dẫn lối những rung cảm" đem đến những thiết kế thời trang xu hướng hàng đầu. Sự kiện được tổ chức 3 ngày liên tiếp từ 22-24/03 tại trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông với sự thu hút của đông đảo các quý cô yêu thích thời trang.