• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Fed hạ lãi suất, ngân hàng trung ương các nước khác sẽ làm gì tiếp theo?

Kinh tế 04/03/2020 13:46

(Tổ Quốc) - Ngân hàng Anh có thể buộc phải cắt giảm lãi suất xuống gần mức 0. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Nhật Bản sẽ có ít cơ hội cắt giảm hơn khi vốn dĩ đã áp dụng chính sách lãi suất âm.

Tối muộn đêm qua, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thông báo hạ lãi suất khẩn cấp 50 điểm cơ bản để ngăn chặn thiệt hại kinh tế từ virus Covid-19 sau khi G7 cam kết thực hiện các hành động phù hợp đã được các thị trường hoan nghênh. Tuy nhiên, quyết định dứt khoát này lại khiến các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu và Nhật Bản chịu nhiều áp lực lớn hơn trong việc hành động tương tự khi họ có ít khả năng hơn để làm điều đó.

Việc ngân hàng trung ương các nước chưa có động thái tức thời nào đã cho thấy rằng những biện pháp kích thích mạnh mẽ được sử dụng trong nhiều năm qua đã khiến các cơ quan tiền tệ không còn nhiều khả năng để làm nhiều hơn thế. Trước khi cắt giảm, lãi suất mục tiêu của Fed cao hơn khoảng 1% so với lãi suất chuẩn của Ngân hàng Anh. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (BOE) và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) hiện đang áp dụng lãi suất âm.

Dẫu vậy, các nhà đầu tư dự kiến Ngân hàng Canada sẽ cắt giảm lãi suất vào hôm nay (4/3), còn Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Anh sẽ cắt giảm trong tháng này. Trước đó, hôm 3/3, Úc và Malaysia đã hạ lãi suất cho vay trước cả khi Fed hành động.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB)

Lãi suất tiền gửi của ECB đã ở mức thấp kỷ lục 0,5%. Do vậy, các nhà hoạch định chính sách của ECB đã báo hiệu rằng thay vì cắt giảm lãi suất, họ có thể dựa vào các biện pháp mục tiêu như cung cấp nhiều ưu đãi cho các khoản vay ngân hàng dài hạn, hỗ trợ trực tiếp với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đồng Euro đã tăng vọt so với đồng đô la Mỹ sau động thái của Fed, và nếu mức tăng đó vẫn tiếp tục, thì đây sẽ là một tin xấu đối với các nước EU phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Mặc dù ECB không nhắm vào mục tiêu tỷ giá hối đoái, nhưng cơ quan này đã cảnh báo rằng sự biến động là không chắc chắn và cần phải theo dõi. Tuy nhiên, ở mức khoảng 1,12 USD hiện tại, đồng Euro vẫn yếu hơn nhiều khi so sánh với những thời điểm lo ngại gần đây. Chẳng hạn, tháng 1 năm 2018, tỷ giá lúc đó trong khoảng 1,25 USD, và tháng 9 năm 2017, tỷ giá đạt gần 1,2 USD.

Valentin Marinov, người đứng đầu nghiên cứu tiền tệ G-10 tại Credit Agricole SA cho biết, "Việc đồng Euro tăng giá có thể là cái giá phải trả cho việc cơ quan này hy vọng sẽ được hưởng lợi từ nỗ lực nới lỏng chính sách của Fed."

Ngân hàng Anh (BOE)

BOE hiện đang áp dụng mức lãi suất 0,75% và các quan chức cho biết lãi suất có thể được hạ xuống gần bằng 0 nếu cần thiết. Mặc dù các nhà hoạch định chính sách đã loại trừ việc cắt giảm lãi suất xuống mức âm, nhưng họ cũng nhắc lại vào hôm 3/3 vừa qua rằng vẫn còn 250 điểm cơ bản nữa để điều chỉnh.

Thống đốc Mark Carney, người sẽ rời khỏi BOE trong tháng này, cho biết rằng, "sẽ có một số khác biệt về hình thức chính xác và thời gian" của các biện pháp toàn cầu, nhưng chúng sẽ "mạnh mẽ và kịp thời".

Trước đó, vào tháng 1, ông Carney cho biết cơ quan này có đủ khả năng để tăng ít nhất gấp đôi gói tài sản trị giá 60 tỷ bảng (77 tỷ USD), điều này sẽ tương đương với việc cắt giảm lãi suất khoảng 100 điểm cơ bản. Việc sử dụng định hướng thị trường tiền tệ (forward guidance) để phản ứng với những thay đổi kinh tế, cũng có thể được "thêm vào kho vũ khí này".

Chuyên gia kinh tế Allan Monks của JPMorgan Chase & Co. cho biết BOE có thể thực hiện các bước đi khác để giúp dòng tiền lưu thông trong nền kinh tế. Những biện pháp này có thể bao gồm việc hủy bỏ kế hoạch gia tăng vốn của các ngân hàng phải và điều chỉnh chương trình cho vay đối với họ.

Ngân hàng Nhật Bản (BOJ)

BOJ bị giới hạn phạm vi điều chỉnh bởi lãi suất cơ bản của Nhật Bản đang ở mức -0,1% và nước này cũng đã chứng kiến những mặt trái mà lãi suất âm gây ra.

Không giống như Fed, BOJ đang phải kiềm chế khi được gợi ý về những kích thích bổ sung trong những ngày gần đây, mặc dù nền kinh tế Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ suy thoái. Thay vào đó, BOJ nhấn mạnh vào các biện pháp nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường như mua các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) và sử dụng các hoạt động trái phiếu đặc biệt.

Ngân hàng Nhật Bản có thể chính thức nâng mục tiêu mua ETF của mình lên để thể hiện rằng cơ quan này đang tăng cường các hành động của mình, hoặc tuyên bố rằng ngân hàng trung ương sẽ mua với tốc độ nhanh hơn trong đợt bùng phát dịch bệnh mà không hề thay đổi mục tiêu. Ở quy mô nhỏ hơn, BOJ cũng có thể xây dựng một chương trình cho vay đối với các doanh nghiệp bị tổn hại bởi dịch bệnh.

Suy cho cùng, nếu các ngân hàng trung ương khác hạ lãi suất và đồng yên mạnh lên hoặc nền kinh tế bất ổn, Nhật Bản có thể cũng sẽ hành động như vậy. Tuy nhiên, trong quá khứ, Nhật Bản đã không tham gia vào việc phối hợp cắt giảm lãi suất trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tham khảo: Bloomberg

Thái Bích Phương - Nhịp Sống Kinh Tế

NỔI BẬT TRANG CHỦ