Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Bảo tàng đã trở thành nơi gìn giữ những di sản vật chất và tinh thần về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, là trung tâm thông tin, là trường học và là địa chỉ văn hóa của công chúng. Hiện nay, nhiều bảo tàng đã trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, trực tiếp góp phần phát triển du lịch.

Phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo đang là xu thế của nền kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Ngày 17/11/2015, Đại hội đồng UNESCO đã đưa ra Khuyến nghị về việc bảo vệ, quảng bá bao tàng và bộ sưu tập và vai trò của bảo tàng và bộ sưu tập trong xã hội, khẳng định: "Việc bảo tồn, nghiên cứu và truyền bá di sản văn hóa và thiên nhiên, di sản vật thể và di sản phi vật thể, trong điều kiện động và tĩnh và bảo tàng, là hoạt động quan trọng nhất cho mọi xã hội, cho mọi cuộc đối thoại liên văn hóa giữa các dân tộc, cho sự gắn kết phát triển bền vững, thúc đẩy nâng cao quyền con người, khuyến khích sự sáng tạo và tạo ra những cơ hội mới cho ngành công nghiệp văn hóa và nền kinh tế du lịch". Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, đổi mới hoạt động bảo về và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có lĩnh vực bảo tàng theo xu hướng trên là một đòi hỏi cấp thiết.

Hiện nay, hệ thống bảo tàng Việt Nam có 162 bảo tàng, trong đó có 126 bảo tàng công lập và 36 bảo tàng ngoài công lập. Các thiết chế văn hóa đặc biệt này đang lưu giữ và phát huy giá trị của hơn 3 triệu hiện vật phản án toàn diện về đất nước và con người Việt Nam trong trường kỳ lịch sử, trong đó có 101 hiện vật và nhóm hiện vật đặc biệt quý hiếm, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia (trên tổng số 142 bảo vật quốc gia).

Thông qua công tác trưng bày và giáo dục, các bảo tàng đã ngày càng khẳng định vị trí trong các hệ thống thiết chế văn hóa của đất nước. Bảo tàng đã trở thành nơi gìn giữ những di sản vật chất và tinh thần về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, là trung tâm thông tin, là trường học và là địa chỉ văn hóa của công chúng.

Bảo tàng thay đổi cách tiếp cận công chúng

Để đáp ứng nhu cầu của công chúng, trong những năm gần đây, một số bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành và bảo tàng cấp tỉnh đã từng bước đổi mới trưng bày theo định hướng tăng cường các hiện vật gốc cũng như áp dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật (như màn hình cảm ứng, kỹ thuật 3D…) để làm phong phú và hấp dẫn nội dung trưng bày; Đồng thời tăng cường các hoạt động, các chương trình trải nghiệm, giáo dục di sản văn hóa theo cách tiếp cận mới để tăng thêm sự hấp dẫn đối với công chúng, trong đó, đối tượng học sinh sinh viên được xem là một trong những đối tượng chính của các hoạt động này. Các bảo tàng đi đầu trong xu hướng này có thể đến như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam…

Gắn bảo tàng với phát triển du lịch – Hướng đi tất yếu - Ảnh 1.

Tham quan 3D tại Bảo tảng Lịch sử Quốc gia

Như đối với trường hợp của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, "thay đổi về cách tiếp cận là sự thay đổi quan trọng nhất mà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã làm được. Từ tư duy lựa chọn chủ đề cho các trưng bày thiên về ca ngợi đơn thuần, đến việc quan tâm nhiều hơn tới những mối quan tâm của những người đương thời trong các vấn đề xã hội, vấn đề thời sự. Từ chỗ Bảo tàng chỉ thực hiện những nghiên cứu mang tính "lịch sử một chiều" đến chỗ Bảo tàng cũng cần phải tham gia phản biện xã hội."

Thay vì nghĩ đến bảo tàng chỉ là nơi giới thiệu lại tiến trình lịch sử, các nền văn hóa… một cách thụ động và đơn thuần với việc nghe, nhìn, tìm hiểu thông tin qua thuyết minh, việc hướng đến xây dựng một bảo tàng động qua việc sử dụng công nghệ tiên tiến và đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm thực tế cho khách tham quan có lẽ là hướng đi tất yếu. Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam lại là ví dụ sinh động.

Khác với nhiều Bảo tàng khác trong khu vực nội đô, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, một trong 5 bảo tàng quốc gia, nhưng lại là bảo tàng duy nhất nằm cách xa thủ đô. Vị trí địa lý này cũng ảnh hưởng rất lớn tới lượng khách tham quan hàng ngày. Do đó, vấn đề làm thế nào để thu hút khách tham quan là vấn đề lớn được đặt ra đối với bảo tàng. Để thu hút khách tham quan, yêu cầu tiên quyết là phải tạo được sự hấp dẫn từ cách trưng bày, là làm thế nào để khách có thể hòa mình vào những vùng văn hóa đang tham quan.

Gắn bảo tàng với phát triển du lịch – Hướng đi tất yếu - Ảnh 2.

TS Nguyễn Thị Ngân – Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Minh Khánh

Chính vì vậy, từ 5/2010, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã đưa không gian ngoài trời vào hoạt động, đồng thời gắn liền với việc tổ chức các lớp trao truyền văn nghệ dân gian đặc sắc như: Múa Khơ me, nhạc ngũ âm, múa quạt, múa rối nước…; tổ chức hơn 100 cuộc triển lãm tại chỗ và lưu động trong nước và quốc tế như Malaysia, Thụy Điển, Philippine, Úc, Campuchia, Thụy Điển… Hàng năm, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã tổ chức rất nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa dân tộc cho các du khách nhí như: "Đèn lồng nhân ái", "Chiếc cày và người nông dân", "Khung dệt xưa và nay", "70 năm bước chân Bộ đội cụ Hồ", "em tập làm nông dân", "Người thợ thủ công", "Lễ hội trà"…Theo thống kê, số lượng công chúng tham quan và trải nghiệm văn hóa tại Bảo tàng tăng lên rõ rệt so với giai đoạn 2005 – 2009, mỗi năm thu hút khoảng 180.000 khách tham quan.

TS Nguyễn Thị Ngân – Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết: "Chúng tôi nhắm tới những đối tượng học sinh nhí, nhất là học sinh ở lứa tuổi phổ thông. Những bước đầu đời, các em đã định hình những sáng tạo cho bản thân các em. Đôi khi được tham quan, được trải nghiệm các em sẽ có cái nhìn xác đáng hơn về giá trị văn hóa của cuộc sống, của các thế hệ đi trước. Từ đó, kế thừa dòng chảy truyền thống, đem lại giá trị mới cho cuộc sống từ nền văn hóa truyền thống. Ngược lại, chính các em cũng là người kết nối và khơi nguồn sáng tạo cho cán bộ bảo tàng. Khi cùng tiếp xúc, cả các em và cán bộ bảo tàng đã có những chủ đề mới, có sáng tạo mới gắn liền với cuộc sống".

Gắn bảo tàng với phát triển du lịch – Hướng đi tất yếu - Ảnh 3.

Học sinh tham gia trải nghiệm tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Minh Khánh

Gắn du lịch với bảo tàng

Hiện nay, nhiều bảo tàng đã trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, trực tiếp góp phần phát triển du lịch. Thống kê cho thấy, năm 2017, tổng số khách đến tham quan bảo tàng đạt khoảng 16,5 triệu lượt (bao gồm cả khách tham quan trưng bày chuyên đề, triển lãm lưu động). Có thể đưa ra các điểm sáng như Bảo tàng Hồ Chí Minh với trên 1 triệu lượt khách tham quan hàng năm. Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Điêu khắc Chăm thành phố Đà Nẵng, Bảo tàng Đắk Lắk, cùng nhiều bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh đã vươn lên trở thành những điểm đến thường xuyên trong các tuyến du lịch của nhiều đối tượng du khách.

Trên bình diện quốc tế, liên tiếp trong các năm 2013, 2014 ba bảo tàng ở Việt Nam gồm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã được trang web có uy tín về du lịch Trip Advisor bình chọn vào top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á. Trong năm 2018, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được vinh danh trong top 10 bảo tàng được du khách bình chọn tốt nhất thế giới và là đại diện duy nhất của châu Á góp mặt.

Việc gắn du lịch với các bảo tàng cũng được các cơ quan quản lý quan tâm phát triển. Từ năm 2018, Tổng cục Du lịch và các bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thử nghiệm các tour như: "Lịch sử Việt Nam – Khám phá từ lòng đất", "Lịch sử Việt Nam – Bình minh trên các dòng sông" kết nối Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tham quan phố cổ, và thưởng thức âm thực đường phố; tour du lịch "Mỹ thuật Việt Nam – Kho báu trong lòng Hà Nội" và "Làng quê Việt Nam – Một góc nhìn" với hành trình tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – Show "Tâm hồn làng Việt" tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà hát Múa rối Việt Nam.

Gắn bảo tàng với phát triển du lịch – Hướng đi tất yếu - Ảnh 4.

Tour du lịch "Mỹ thuật Việt Nam – Kho báu trong lòng Hà Nội" và "Làng quê Việt Nam – Một góc nhìn" với hành trình tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – Show "Tâm hồn làng Việt" tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà hát Múa rối Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng chia sẻ riêng trong năm 2018, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đón được 58.990 lượt khách trong đó 80% là khách quốc tế, hơn 10.000 khách là học sinh, sinh viên. Ngoài ra còn có khoảng 20.000 lượt khách tham gia trải nghiệm, tham quan triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng và các địa phương, lượng khách trong nước tăng so với năm trước đã góp phần trong việc nâng cao hình ảnh, vị thế của du lịch Việt Nam nói chung, đồng thời góp phần phổ biến giá trị mỹ thuật cho công chúng trong và ngoài nước.

Việc gắn bảo tàng với các tour du lịch đã bước đầu mang lại kết quả khả quan. TS Nguyễn Thị Ngân – Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam chia sẻ, với mọi tour thì Bảo tàng chính là nơi trung tâm nhất, du khách đến bảo tàng và sau đó là tỏa đi các điểm khác của Thái Nguyên. Để tạo thành một tour hấp dẫn, mỗi điểm đến phải có sự gắn kết.

Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả gắn kết hoạt động của các bảo tàng với phát triển du lịch, bên cạnh việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch và các bảo tàng còn cần sự gắn kết các hoạt động bảo tàng với các doanh nghiệp du lịch trên cơ sở thực hiện minh bạch về trách nhiệm và quyền lợi của bảo tàng và doanh nghiệp, vì sự phát triển chung của sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch./.