• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gặp gỡ nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh- tác giả “Thời tôi sống“

Văn hoá 11/08/2018 07:51

 


Cuốn “Thời tôi sống” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, vừa ra mắt bạn đọc. Cuốn sách dày hơn 300 trang gồm 16 tác phẩm văn học rung động, ám ảnh và tin cậy giúp bạn đọc như được quay ngược thời gian, đắm chìm với những thước phim chân thực, dữ dội, sống động nhất về một thời đạn bom hào hùng nhưng thấm đẫm nước mắt và sự hy sinh hằn sâu trong ký ức của dân tộc.

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, và là người ký Quyết định ra đời của VOV.VN, một trong những tờ báo điện tử ra đời sớm nhất. 3/2/2019 tới đây vừa tròn 20 tuổi. Cuộc gặp gỡ thân tình với ông giúp phóng viên VOV.VN có dịp tìm hiểu thêm những điều lý thú, đáng quan tâm đã giúp ông xây dựng nên cuốn “Thời tôi sống”...

Nếu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử tái hiện và phục dựng trung thực những ngày sụp đổ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn bằng chính những tài liệu nguyên bản tuyệt mật và các bản văn tin cậy của phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hoà và phía Hoa Kỳ), hoàn toàn không có bóng dáng tác giả, không chen bất cứ bình luận, nhận xét gì của người viết, thì “Thời tôi sống” lại là những trang nhật ký mang đậm phẩm chất văn chương về chính cuộc đời tác giả.

Đây không chỉ là những khoảnh khắc, những chuyện cá nhân đơn lẻ, mà là câu chuyện của một thời, của chính những năm tháng và sự kiện mà tác giả đã trải qua trong quãng đời 10 năm (1965 -1975) làm phóng viên chiến tranh của Thông tấn xã Việt Nam trên các mặt trận, chiến trường trong Nam, ngoài Bắc.

Những câu chuyện không chỉ mang đậm dấu ấn của cá nhân tác giả mà còn là dấu ấn của nhiều nhân vật người thật việc thật mà tác giả được sát cánh chiến đấu trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gian khổ cho tới ngày toàn thắng. Đó là anh Đấu trong truyện ngắn “Anh Đấu”; nhà báo, nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Trọng Định trong “Bài thơ tình đẫm máu”; chị Nắng trong “Nắng Thu Bồn”; mẹ Tư trong “Như thể là tình yêu”; chị Sao trong “Sao Bắc Đẩu”; chị Hoa trong “Trời sáng trong mưa”; nhạc sĩ Phan Miêng trong “Câu chuyện về một bản hợp xướng”; chị Nguyễn Thị Châu và anh Lê Hồng Tư trong “Côn Đảo một ngày tháng bảy”; là cán bộ, chiến sĩ và phóng viên trong “Danh dự người lính” và “Thần chết, thần khổ ải” – hai tập nhật ký được viết tại trận giữa bom đạn, trong vòng vây dầy đặc, săn lùng gắt gao của kẻ thù.

Với thói quen viết nhật ký và ghi chép hàng ngày, những con người đi qua cuộc đời của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh và câu chuyện về họ trong những năm tháng chiến tranh đều được ông lưu lại trong những trang nhật ký văn học sống động như một mảnh ghép không thể thiếu của một thời đạn bom, một thời đáng nhớ.

Điều đặc biệt của “Thời tôi sống”, đó là trước mỗi tác phẩm đều có lời dẫn, lý giải với độc giả về bối cảnh ra đời của câu chuyện. Kèm theo đó là những tư liệu bằng hình ảnh, văn bản giấy tờ liên quan để minh chứng cho sự thật của câu chuyện, tuy là một tác phẩm văn học nhưng hoàn toàn không phải do tác giả bịa ra, hư cấu nên. Mặt khác, những nhân vật, cảnh ngộ, tình huống trong các tác phẩm đều là những điều tác giả được can dự, được chứng kiến, tiếp xúc, ghi lại trong những trang nhật ký văn học tức thời chứ không phải viết dựa trên sự hồi tưởng sau này. Chính vì thế nó mang lại sự tin cậy và rung cảm mạnh mẽ cho người đọc.

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh cho biết: “Những trang nhật ký văn học và ghi chép tại trận từ 50 năm trước luôn ở bên tôi trong suốt những năm tháng chiến trường ác liệt, bom rơi đạn nổ, kẻ thù vây ráp lùng sục gắt gao. Bảo quản được tài liệu không chỉ là kỳ công mà còn có rất nhiều may rủi. Thời bình thì bao tai hoạ lại đến với tôi: cháy nhà, tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp vướng vòng lao lý. Vợ tôi phải một mình chèo chống gia đình, cất giữ tài liệu cho tôi, không mất những gì cần thiết nhất, dù sổ sách ghi chép của tôi đã cháy xém lửa chiến trường lại bị thiêu tiếp vì hoả hoạn…

Vợ và các con tôi không giữ gìn bảo quản được những trang nhật ký văn học và ghi chép đó thì đã không có “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, “Lời tựa một tình yêu”, “Thời tôi sống” và những tác phẩm tôi còn ôm ấp…”.

Không chỉ là những trang nhật ký ghi chép tại trận, với “Thời tôi sống”, lần đầu tiên nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh công bố những bức thư tình ông viết ngay ranh giới giữa sự sống và cái chết cháy xém lửa đạn, được lưu giữ suốt 50 năm qua. Với ông, những bức thư tình thời chiến đó cũng là một mảnh ghép không thể thiếu của một thời bom đạn ông đã can dự, đã đi qua cuộc đời ông...

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh chia sẻ:

“Từ thời sinh viên tôi đã có thói quen viết nhật ký và ghi chép hàng ngày. Những bức thư tôi quan tâm, trong đó có thư viết cho người yêu tôi đều chép lại trước khi gửi đi, coi đấy là tài sản tâm hồn cho cuộc đời viết văn sau này. Trước ngày kết hôn, vợ tôi đã đọc tất cả nhật ký thư từ lưu giữ của tôi, và rất may sau khi “cân nhắc mọi nhẽ” đã cho tôi giữ lại. Vì thế nó mới còn tới hôm nay. Còn vì sao đăng, và vì sao những bức thư đó là một phần không thể thiếu của “Thời tôi sống”, chắc đọc xong hai tác phẩm “Dẫu giọt sương rơi” và “Một thoáng buồn rầu”, bạn đọc sẽ phần nào cảm thông với tác giả.

Những bức thư được viết ngay ranh giới giữa sự sống và cái chết ngày ấy, đã vượt lên tình cảm yêu đương đơn thuần, chạm tới những suy nghĩ về chiến tranh - hoà bình – khát vọng sống và sự hy sinh của mỗi một con người trong cảnh đất nước buộc phải cầm súng. Về bức thư tình từ 50 năm trước còn lưu giữ, trong “Dẫu giọt sương rơi” tôi có viết: “Gần 50 năm qua, tôi vẫn giữ, chưa một ai đọc nó. Giờ công bố cũng chẳng phải dành cho riêng ai, và cũng chẳng để làm gì, có chăng chỉ là để góp thêm một bức thư tình vào một thời bom đạn đã xa..”.


Có nhiều con đường xây dựng nên một tác phẩm văn học có ý nghĩa về đề tài chiến tranh. Có người viết bằng sự hồi tưởng, có những người chưa từng trải qua cuộc chiến thì viết bằng sự hư cấu, bằng trí tưởng tượng, bằng gián tiếp nghe kể lại. Nhưng nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh xây dựng nên tác phẩm của mình bằng chính những trang nhật ký văn học và ghi chép về những chặng đường mình đã đi qua, đã nếm trải trong cuộc chiến tranh như một kỷ niệm không thể quên.

Ông chia sẻ: “Nếu không có thói quen ghi chép, viết nhật ký hàng ngày, thì làm sao tôi viết nổi các tác phẩm trong “Thời tôi sống”, nhất là hai tập nhật ký trong vòng vây: “Danh dự người lính” và “Thần chết thần khổ ải”. Nếu không ghi chép tại trận thì làm sao 50 năm sau tôi có thể nhớ lại và sống với tâm trạng và cảm xúc mạnh mẽ ngày ấy để viết”.

Ông quan niệm rằng, làm sao có được sự rung động sâu xa và niềm tin cậy bạn đọc dành cho tác phẩm của mình, đó mới là điều quan trọng mà với tư cách là một người viết văn ông phải vươn tới.

Nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ, “Danh dự tiểu đoàn” chính là câu chuyện ám ảnh ông nhất trong “Thời tôi sống”. Ông nói:

“Cuộc chiến đấu 21 ngày đêm trong vòng vây dày đặc của 7.000 quân Mỹ, ngụy và chư hầu của tiểu đoàn 3 anh hùng mà tôi được can dự là câu chuyện ám ảnh tôi nhất. Cuối cùng, gần 200 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh, chỉ có 8 người, trong đó có tôi được lệnh tìm đường ra khỏi vòng vây báo cáo với cấp trên, xin quân số bổ sung để giữ lại phiên hiệu tiểu đoàn 3 anh hùng. 50 năm đã qua, tim tôi vẫn nghẹn ngào mỗi khi nhớ lại những ngày bi tráng ấy. Viết nên được “Danh dự người lính” trong cuốn “Thời tôi sống” ra mắt bạn đọc những ngày này, tôi cảm thấy được an ủi và yên lòng phần nào trước linh hồn của gần 200 cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 3 đã anh dũng nằm lại trên mảnh đất Điện Bàn (Quảng Nam) ngày ấy...”.

Trong “Thời tôi sống”, có những câu chuyện chân thực nhưng quá đau thương, mất mát của cuộc đời người lính, thì ở thời điểm chiến tranh ác liệt không dễ gì viết và đăng được. Thế nhưng đó lại là những mảnh ghép không thể thiếu của gương mặt quá khứ.

Nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ: “Trong chiến tranh, điều quan trọng nhất là động viên mọi người ra trận, dốc toàn lực cho chiến thắng. Những câu chuyện chân thực nhưng dữ dội và quá đau thương, bi tráng như “Danh dự người lính” lúc đó có viết ra cũng không báo nào đăng, không nhà xuất bản nào in. Nhưng chiến tranh kết thúc đã hơn 40 năm, giờ là lúc chúng ta có thể nhìn và viết về chiến tranh một cách đầy đủ, chân thực với cái nhìn nhân văn, đa chiều và điềm tĩnh nhất”.

Là người đi qua chiến tranh, có những lúc sống trong vòng vây dày đặc của kẻ thù, cái chết luôn cận kề, nhưng nhà báo, nhà văn, nhà văn Trần Mai Hạnh luôn có suy nghĩ rằng: “Kẻ thù buộc ta phải cầm súng. “Cho dù là cuộc chiến tranh nào đi chăng nữa thì đó cũng không phải là hòa bình”. Suốt đêm ngày cận kề với cái chết tôi càng thấy giá trị của hòa bình, và càng khao khát chiến thắng. Tuổi trẻ, bất kể hoàn cảnh nào cũng không được quyền nghĩ đến cái chết, mà phải vượt lên bom đạn sắt thép của kẻ thù mà nghĩ tới chiến thắng, nghĩ tới sự sống. Tôi sẵn sàng đương đầu với thử thách khắc nghiệt, sẵn sàng đón nhận tất cả sự trớ trêu của số phận với trái tim người lính và niềm tin trước ngưỡng cửa chiến thắng cuối cùng”.

Bạn đọc cám ơn ông, với trái tim người lính và cũng là trái tim của một nhà báo, nhà văn chiến sĩ – nghệ sĩ đã viết nên một “Thời tôi sống” chân tình, rung động và ám ảnh đến thế./.

Theo VOV.vn

Cuốn “Thời tôi sống” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, vừa ra mắt bạn đọc. Cuốn sách dày hơn 300 trang gồm 16 tác phẩm văn học rung động, ám ảnh và tin cậy giúp bạn đọc như được quay ngược thời gian, đắm chìm với những thước phim chân thực, dữ dội, sống động nhất về một thời đạn bom hào hùng nhưng thấm đẫm nước mắt và sự hy sinh hằn sâu trong ký ức của dân tộc.

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, và là người ký Quyết định ra đời của VOV.VN, một trong những tờ báo điện tử ra đời sớm nhất. 3/2/2019 tới đây vừa tròn 20 tuổi. Cuộc gặp gỡ thân tình với ông giúp phóng viên VOV.VN có dịp tìm hiểu thêm những điều lý thú, đáng quan tâm đã giúp ông xây dựng nên cuốn “Thời tôi sống”...

Cuốn “Thời tôi sống” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, vừa ra mắt bạn đọc. Cuốn sách dày hơn 300 trang gồm 16 tác phẩm văn học rung động, ám ảnh và tin cậy giúp bạn đọc như được quay ngược thời gian, đắm chìm với những thước phim chân thực, dữ dội, sống động nhất về một thời đạn bom hào hùng nhưng thấm đẫm nước mắt và sự hy sinh hằn sâu trong ký ức của dân tộc.

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, và là người ký Quyết định ra đời của VOV.VN, một trong những tờ báo điện tử ra đời sớm nhất. 3/2/2019 tới đây vừa tròn 20 tuổi. Cuộc gặp gỡ thân tình với ông giúp phóng viên VOV.VN có dịp tìm hiểu thêm những điều lý thú, đáng quan tâm đã giúp ông xây dựng nên cuốn “Thời tôi sống”...

NỔI BẬT TRANG CHỦ