• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gấu hay trẻ sơ sinh: “cân đo” trước thượng đỉnh Nga-Mỹ

Thế giới 05/07/2018 07:59

(Tổ Quốc) - Ai sẽ là người chiếm ưu thế trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Mỹ và người đồng cấp đến từ Nga?

Những người phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng cảnh báo về hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Helsinki (Phần Lan), giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Họ so sánh ông Trump với một “em bé sơ sinh” và dự đoán một chiến thắng dễ dàng cho người đứng đầu nước Nga. Trong khi đó, các nhà lập pháp Nga lại bày tỏ kỳ vọng về một sự cải thiện, cuối cùng cũng có thể xảy ra trong quan hệ song phương Nga – Mỹ.

Chưa đầy hai tuần trước ngày diễn ra sự kiện được mong chờ (16/7), truyền thông và giới phân tích quốc tế đang trong một cuộc tranh cãi lớn.

Một số nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ kết quả của hội nghị thượng đỉnh, đồng thời e ngại rằng, ông Putin có thể sẽ “chiếm lợi thế” trước người đồng cấp đến từ nước Mỹ.

“Nếu ông ấy [Tổng thống Trump] ngồi đối diện Tổng thống Vladimir Putin – một nhà đàm phán sở hữu kỹ năng điều khiển tình huống cực kỳ cao, có khả năng mọi chuyện sẽ đi trật đường ray”, nhà phân tích an ninh quốc gia của CNN Samantha Vinograd nhận định về kế hoạch nói chuyện “một đối một” của ông chủ Nhà Trắng với ông Putin.

Còn tạp chí New York cho rằng, “ông Putin có tất cả mọi con bài” trong cuộc gặp mặt tại Helsinki sắp tới. Tạp chí này cũng dự đoán, Tổng thống Mỹ sẽ gặp khó khăn trước nhà lãnh đạo Nga. Trước đó, ông Trump đã điện thoại chúc mừng ông Putin tái đắc cử Tổng thống Nga, bất chấp lời can ngăn của “tất cả mọi người”. Bên lề hội nghị G20 năm 2017, hai ông Trump và Putin cũng từng dành tới một tiếng đồng hồ bên nhau.

Chia sẻ với người dẫn chương trình Anderson Cooper của kênh CNN, cựu Trung tá quân đội Mỹ Ralph Peters thậm chí còn đi xa hơn, khi so sánh Tổng thống Putin với “một chú gấu Nga” và Tổng thống Trump với “một em bé sơ sinh” bằng cách trích dẫn một bài thơ của nhà thơ A. E. Housman.

“Nếu [Cố vấn An ninh Quốc gia] John Bolton có thể làm điều gì đó cho nước Mỹ… đó chính là ngăn cản một cuộc gặp mặt một đối một Trump – Putin phía sau cánh cửa kín”, ông Peters nhấn mạnh.  

 “Gấu Nga to lớn và hoang dã. Nó đã ăn thịt một em bé sơ sinh. Em bé sơ sinh không biết về điều đó. Nó đã bị con gấu ăn thịt” – Trung tá Ralph Peters sử dụng bài thơ “Sự ngây thơ sơ sinh” của A.E. Housman, để “ví von” mối quan hệ Putin – Trump.

Còn cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul viết trên Twitter rằng, ông Trump đã “ở cùng bên” với ông chủ Điện Kremlin, và Tổng thống Mỹ “tiếp tục cho thấy tín hiệu của sự nhượng bộ mà ông có thể đưa ra cho Putin”.

Nhà kinh tế học người Thuỵ Điển, đồng thời là một học giả cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương Anders Aslund đánh giá, ông Trump không phải là người duy nhất bị ảnh hưởng của Tổng thống Putin. “Sau những thập kỷ cứng rắn với Nga, Bolton đã tan chảy khi gặp Tổng thống Nga. Không ấn tượng lắm,” ông Aslund cập nhật trên Twitter.

 Tờ báo Anh Sunday Times cũng bày tỏ sự lo lắng khi nhận định, Tổng thống Trump có thể “phá huỷ NATO bằng cách đạt được ‘một thoả thuận hoà bình’ với Tổng thống Putin”. Theo đó, người đứng đầu nước Mỹ “có thể sẽ bị thuyết phục để thu hẹp những cam kết quân sự của Mỹ tại châu Âu”; từ đó đẩy các quốc gia thành viên EU tiến sâu hơn nữa về phía “mối đe doạ quân sự” đến từ nước Nga.

  “Ông Trump tiết tục cho thấy tín hiệu của sự nhượng bộ mà ông có thể đưa ra cho Putin. Sự thoả hiệp (hầu hết luôn là một ý kiến tồi tệ) thường xảy ra trong trường hợp đáp trả lại sự đe dọa, nhưng ông Putin (theo như tôi biết) sẽ không tấn công châu Âu. Vì vậy, chiến lược ở đây là gì? Tôi không hiểu được.”

Trong khi đó, tờ New Yorker thể hiện một lập trường có phần trung hoà hơn khi phân tích, Moscow chỉ đang tìm cách cải thiện mối quan hệ song phương với Mỹ, hiện đang rơi vào tình trạng căng thẳng nhất trong thời gian gần đây: “Trong nhiều tháng, Nga không có một kế hoạch cụ thể để đối phó với Mỹ, ngoài việc hy vọng mọi thứ sẽ không trở nên tệ hơn – liên quan tới các lệnh trừng phạt mới hoặc một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp tại Syria – và chỉ đợi chờ một cuộc gặp thượng đỉnh để hoàn thiện nó”.

New Yorker cũng chỉ ra, hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore vừa qua là một tín hiệu cho người Nga và làm dấy lên hy vọng rằng, ông Trump là một nhà đàm phán theo trường phái thực dụng.

Cùng lúc, các nhà phân tích và lập pháp tại Nga lại tỏ ra khá thận trọng khi đưa ra những đánh giá lạc quan về kết quả và tác động của thượng đỉnh Trump – Putin.

Phát biểu trước các phóng viên tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromolotov cho biết, cuộc chiến chống khủng bố gần như chắc chắn sẽ là một trong những trọng tâm trên bàn thảo luận Helsinki. Về phần mình, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov hy vọng, hai Tổng thống có thể bắt đầu nói về Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START mới), và Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (Hiệp ước INF); cũng như việc thiết lập một nhóm an ninh mạng chung.

“Tôi chắc chắn rằng, việc giải quyết tất cả các khó khăn trong hợp tác chung giữa hai nước, là điều không thể xảy ra. Những rõ ràng, sẽ có những tiến triển trong quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu”, Đại sứ Antonov nó với hãng tin RT hôm 3/7.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ