• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giá dầu tiếp tục giảm sang 2019 do dư thừa sản lượng

Kinh tế 30/11/2018 15:21

(Tổ Quốc) - Từ đỉnh điểm đầu tháng 10, giá dầu đã giảm 30%; nguyên nhân sụt giảm giá dầu lần này sẽ không thể biết được tương lai gần.

Giá dầu thế giới sụt 2,5% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi thống kê cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng tuần thứ 10 liên tiếp lên mức cao nhất trong hơn 1 năm. Số liệu này làm gia tăng những mối lo về tình trạng dư thừa nguồn cung dầu trên toàn cầu.

Việc tăng sản lượng và những lo ngại về giảm tốc kinh tế toàn cầu, giá dầu lao dốc mạnh mức thấp hiếm thấy xuống khoảng 50 USD/thùng. Giá dầu thô đang ở mức thấp nhất trong hơn một năm qua sau khi giảm gần 10% trong tuần trước (mặc dù ngày 26/11 giá dầu đã nhích lên chút ít). Từ đỉnh điểm đầu tháng 10, giá dầu đã giảm 30%. Dầu thô WTI giảm xuống còn 50,10 USD so với hơn 76 USD vào đầu mùa thu. Dầu Brent thậm chí giảm xuống dưới 60 USD so với hơn 86 USD đầu tháng 10. Sự lo sợ cung vượt cầu vẫn chiếm ưu thế. Ngày 26/11, Bloomberg và Reuters cho biết sản lượng dầu của Ả-rập Xê-út đạt mức cao kỷ lục trong tháng 11 với sản lượng hơn 11 triệu thùng/ngày, tăng hơn 1 triệu thùng so với đầu năm.

Giá dầu tiếp tục giảm sang 2019 do dư thừa sản lượng - Ảnh 1.

Sản lượng dầu của Ảrập Xêút đạt mức cao kỷ lục trong tháng 11 .

Đợt giảm từ tháng 10 đến nay của giá dầu tương đương với cú sụt diễn ra trong năm 2008, và thậm chí còn sâu hơn cả đợt giảm 2014-2015. Trong hai đợt giảm đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đều giảm sản lượng để vực dậy giá dầu.

Donald Trump gây áp lực lên tổ chức OPEC

Nga, UAE, Kuwait, tất cả các cường quốc sản xuất dầu mỏ đã tăng sản lượng kể từ mùa hè. Vào thời điểm đó, các nước này phản ứng trước những căng thẳng đã đẩy giá dầu tăng đến mức không thể dự đoán được từ bốn năm qua, nhất là trong bối cảnh lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran được triển khai. Đồng thời, Tổng thống Trump gây áp lực lên OPEC để giảm giá, bảo toàn sức mua của người tiêu dùng Mỹ. Nhà Trắng đã cho phép những nước sử dụng xăng dầu lớn như Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Iran, điều này làm giảm áp lực nguồn cung.

Mỹ lập kỷ lục sản xuất dầu đá phiến

Mỹ đang trên đà trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, trên cả Nga, nhờ vào sự bùng nổ dầu đá phiến. Alexandre Andlauer, nhà phân tích của Văn phòng Kpler cho biết: "Những hạn chế liên quan đến việc thiếu hụt đường ống để chuyển dầu thô từ Texas đến Vịnh Mexico đã trở nên ít trầm trọng hơn dự kiến. Việc xây dựng một số đường ống dẫn dầu vượt trước tiến độ". Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, với kết quả của nguồn cung cấp dồi dào hiện nay, sản lượng dầu của thế giới đang trong tình trạng sản xuất dư thừa.

Giá dầu tiếp tục giảm sang 2019 do dư thừa sản lượng - Ảnh 2.

Mỹ tiếp tục dẫn đầu sản xuất dầu nhiều nhất thế giới.

Nếu không có giải pháp, thặng dư sẽ đạt 2 triệu thùng vào đầu năm 2019. Ngày 6/12, tổ chức OPEC và Nga sẽ họp tại thủ đô Viên, Áo để cố gắng hạn chế việc sụt giảm của giá dầu. Ả-rập Xê-út đã thông báo sẽ giảm nguồn cung nửa triệu thùng và sẵn sàng đi xa hơn. Ông Alexandre Andlauer tự hỏi: "Liệu Ả-rập Xê-út có bỏ qua áp lực của Tổng thống Trump, tiếp tục yêu cầu giảm giá dầu hay không? Không có gì là chắc chắn cả".

Thị trường chờ xem kết quả cuộc gặp cuả OPEC và Nga

Thái độ của Nga cũng không rõ ràng. Liệu các nhà sản xuất dầu mỏ của Nga sẽ sẵn sàng giảm sản lượng trong khi họ đã chịu đựng được việc giá dầu giảm nhờ đồng Rúp mất giá? Theo Alexandre Andlauer: "Không chắc chắn rằng cuộc họp ngày 6/12 của tổ chức OPEC và Nga sẽ dẫn đến một quyết định rõ ràng và đồng thuận để giảm sản lượng dầu". Tất cả những yếu tố này không phải là mới. Vì vậy, giải thích như thế nào sau khi lao dốc đầu tuần trước, ngày 23/11, giá dầu thô WTI và Brent tiếp tục giảm hơn 6%? Các nhà phân tích của báo Commerzbank (Nga) nhận định: "Các nguyên nhân gây ra lần sụt giảm giá dầu lần này sẽ không thể biết được trong tương lai gần".

Các giải thích được đưa ra có tính chất kỹ thuật. Điều quan trọng nhất trong số đó là việc thanh khoản thấp kéo dài trong dịp Lễ Tạ ơn tại Mỹ. Một trong những ngân hàng Đức cho biết: "Một số nhà đầu cơ có thể được hưởng lợi khi đặt cược vào việc sụt giảm giá dầu". Từ cuối tháng 9, các hợp đồng ngắn hạn, tức là những hợp đồng đặt cược vào việc giá dầu Brent giảm đã tăng hơn ba lần từ 27.270 lên 96.042 hợp đồng, trong khi các hợp đồng đặt cược giá dầu tăng gần như giảm hai lần, xuống chỉ còn 279.611 hợp đồng.

Thị trường hiện đang chờ xem liệu OPEC và đối tác, gồm Nga, có đạt thỏa thuận giảm sản lượng trong cuộc họp ngày 6/12 tại Vienna, Áo. Giới thạo tin nói với Reuters rằng nhóm nước này có thể cắt giảm sản lượng từ 1-1,4 triệu thùng/ngày hoặc hơn. /.


Lưu Việt (Theo Les Echos)

NỔI BẬT TRANG CHỦ