• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gia đình người hiến tạng: "Ở đâu đó trên cõi đời này con tôi vẫn tồn tại"

Sức khỏe 19/10/2018 09:39

(Tổ Quốc) - Khi nói về gia đình của những người hiến tạng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người Nguyễn Hoàng Phúc đã ví như đó là một câu chuyện cổ tích thời hiện đại.

Ở đâu đó trên cõi đời này con tôi vẫn tồn tại

Khi nhắc lại sự ra đi của con trai mình (Thiếu tá Lê Hải Ninh - PV), ông Lê Xuân Cự đã bày tỏ: "Con tôi là một quân nhân đã cống hiến cho đất nước. Tuy nhiên, sự cống hiến đó vẫn chưa trọn vẹn khi nó ra đi còn quá trẻ. Nhưng, cho đến bây giờ thì sự ra đi của con tôi lại mang lại sự hồi sinh cho những người khác, gia đình chúng tôi tự hào về điều đó."

Gia đình người hiến tạng: Ở đâu đó trên cõi đời này con tôi vẫn tồn tại  - Ảnh 1.

Ông Lê Xuân Cự - Bố của Thiếu tá Lê Hải Ninh (người vừa qua đời hồi tháng 2/2018)

Kể về quyết định của gia đình khi đồng ý hiến mô tạng của Thiếu tá Lê Hải Ninh, ông Cự chia sẻ: "Lúc con tôi mới mất đi, gia đình vẫn chưa hết đau thương, mất mát nhưng khi được nhiều người nói về ý nghĩa của việc hiến mô tạng, chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Bởi, ở một số vùng quê người ta vẫn nặng nề về suy nghĩ chết không toàn thây lắm, vượt qua được chuyện này là một quyết định rất lớn."

Mặc dù không hề biết ai là người đã nhận tạng của con trai mình nhưng người bố này vẫn vui vì một điều, ở đâu đó trên quãng đời này, con trai ông vẫn còn hiển diện và tồn tại. "Đến giờ bản thân tôi vẫn chưa biết được ai là người nhận tạng, nhưng đó không phải là điều quan trọng bởi khi đã quyết định như vậy chúng tôi không hề băn khoăn nữa." - ông Cự nói.

Gia đình người hiến tạng: Ở đâu đó trên cõi đời này con tôi vẫn tồn tại  - Ảnh 2.

bà Đinh Thị Thông

Ngậm ngùi kể lại câu chuyện gia đình đã "đấu tranh" tư tưởng như thế nào khi quyết định hiến tạng sau sự ra đi của con trai mình là Nguyễn Ngọc Khiêm (Thái Bình), bà Đinh Thị Thông bày tỏ: "Chúng tôi tin rằng, con mình sẽ vui vì quyết định đó của gia đình. Giờ chỉ mong người nhận tạng được sống khỏe mạnh, trở lại với công việc để ít ra gia đình cũng cảm nhận được cơ thể của con tôi vẫn tồn tại đâu đó ở đất nước này."

Để sự ra đi của một người trở thành sự hồi sinh cho nhiều người khác  

Theo GS.TS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam, năm 2017 có số lượng ghép tạng nhiều nhất với 673 ca. Trong 10 năm qua, đã có 82 người chết hiến tạng, trung bình mỗi năm có 10 người. Nếu tính theo tỷ lệ dân số thì một triệu người dân mới có 0,11 người hiến tạng khi chết. Trong khi đó, tại Úc là 20,7 lần "gấp Việt Nam 200 lần) và ở Mỹ là 31,6 lần (gấp gần 300 lần).

Theo GS Khánh, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đóng một bộ phận quan trọng trong mắt xích ghép tạng. Trong các mốc phát triển ghép tạng thế giới, điều phối là một trong các mốc tạo bước ngoặt cho sự phát triển của ghép tạng, được đánh giá như sự ra đời của tiêu chuẩn chết não, các thuốc ức chế miễn dịch. Một người hiến tạng chết có thể cứu được bao nhiêu người là phụ thuộc vào Trung tâm điều phối.

Gia đình người hiến tạng: Ở đâu đó trên cõi đời này con tôi vẫn tồn tại  - Ảnh 3.

GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người phát biểu tại Chương trình "Chung tay vì sự sống 2018".

Với ý nghĩa cao cả của việc hiến tặng mô tạng, chiều 18/10, tại TP.Ninh Bình, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Chương trình "Chung tay vì sự sống 2018". Mục đích của chương trình này nhằm kêu gọi toàn thể nhân dân cùng góp phần làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn bằng cách đăng ký hiến tặng mô/tạng.

Trong lễ phát động "Chung tay vì sự sống 2018" lần này tại Ninh Bình, GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã chuyển tải thông điệp:  "Cho đi là còn mãi, chính chúng ta hãy tham gia hiến tặng mô, tạng sau khi chết hoặc chết não. Một ngày nào đó nếu không may chết não, qua đời, ước mong khi trở về cát bụi, chúng ta vẫn có thể tiếp tục thắp sáng, viết tiếp cuộc đời của nhiều người khác."  

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ