• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gia Lai: Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa

Văn hoá 22/10/2019 14:39

(Tổ Quốc) - Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa, sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Gia Lai đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

8

Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Báo Gia Lai

UBND tỉnh Gia Lai vừa đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020" nhằm tổng kết, đánh giá kết quả và đề ra các mục tiêu để hoàn thành chiến lược trong thời gian tới. Theo báo cáo, qua 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa: Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch được tăng cường, các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tuyên truyền văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức rộng khắp, nâng cao về chất lượng và quy mô, qua đó phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị" từ tỉnh đến cơ sở được duy trì. Tỷ lệ gia đình văn hóa; thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa tăng dần theo từng năm. Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận 264.693/347.372 gia đình văn hóa, đạt 76,19%, tăng 17,33% so với năm 2009.

Nổi bật nhất là công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Toàn tỉnh hiện có 13 di tích lịch sử cấp quốc gia, 9 di tích cấp tỉnh. Năm 2018, lần thứ 2 tỉnh đã tổ chức thành công Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, góp phần bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng". Về di sản văn hóa phi vật thể có Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui và sử thi Bahnar đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hiện toàn tỉnh có 23 nghệ nhân ở các loại hình văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Phong trào văn hóa được các địa phương chú trọng với nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, hiệu quả. Nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng; các lễ hội xuân như Hội Cầu huê (thị xã An Khê), Lễ cầu mưa (huyện Phú Thiện), Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah); liên hoan cồng chiêng và hát dân ca thanh-thiếu niên học sinh hè; liên hoan cồng chiêng, hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ, tạc tượng, dệt vải cấp huyện... được duy trì tổ chức hàng năm.

Vấn đề xã hội hóa hoạt động văn hóa trong 10 năm qua cũng đã nhận được sự quan tâm của chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh, từng bước thu hút các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa như: rạp chiếu phim, khu vui chơi thiếu nhi, sân bóng đá, khu thể thao… đã giúp đa dạng lựa chọn cho người dân, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao ngày càng cao của xã hội.

Xác định văn hóa cơ sở là hạt nhân trong phát triển văn hóa tỉnh nhà, chiến lược phát triển văn hóa 10 năm tiếp theo (đến năm 2030) của tỉnh tập trung vào các chương trình, hoạt động ở địa phương. Theo đó, hàng năm xây dựng chương trình nghệ thuật, biểu diễn phục vụ các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị, văn hóa-xã hội tại cơ sở và phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số các địa phương. Nghiên cứu sưu tầm, cải tiến, chế tác nhạc cụ cổ truyền của các dân tộc, các làn điệu dân ca, các bài hát phục vụ cho sáng tác và biểu diễn.

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk cũng đề ra nhiệm vụ gìn giữ, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống nhằm nâng cao lòng tự hào về truyền thống quê hương. Cùng với đó, thông qua các sự kiện và hoạt động văn hóa lớn được tổ chức tại tỉnh để thể hiện tiềm năng và năng lực xây dựng, phát triển đời sống tinh thần của địa phương; Nâng cấp lễ hội và Khu Di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi (huyện Phú Thiện), Làng kháng chiến Stơr (huyện Kbang) như một sự kiện lớn về văn hóa, du lịch của tỉnh, tiến tới xây dựng nơi đây thành một địa chỉ văn hóa du lịch của vùng. Luân phiên đăng cai và tổ chức tốt Ngày hội Văn hóa-Thể thao-Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì; hướng tới tổ chức Festival Cồng chiêng của tỉnh Gia Lai định kỳ 2 năm/lần nhằm quảng bá, xúc tiến đầu tư, xây dựng hình ảnh tỉnh nhà…


Lan Anh (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ