• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gia tăng lo ngại, LHQ họp khẩn về khủng hoảng Rohingya, Myanmar

Thế giới 12/09/2017 21:51

(Tổ Quốc) - Hội đồng Bảo an LHQ sắp tổ chức một cuộc họp khẩn để thảo luận về bạo lực đang lan rộng tại miền tây Myanmar về khủng hoảng người Rohingya.

Bang Rakhine, Myanmar đã rơi vào khủng hoảng sau khi các chiến binh Rohingya tấn công các trụ sở của cảnh sát vào cuối tháng 8 – dấy lên căng thẳng quân sự và buộc 1/3 người thiểu số Hồi giáo Rohingya tại đây phải chạy trốn sang Bangladesh.

Sức ép từ quốc tế đã gia tăng đối với chính phủ Myanmar từ ngày 11/9, khi quan chức cấp cao về nhân quyền của LHQ Zeid Ra'ad Al Hussein nói rằng hành động bạo lực ở đây dường như là một "cuộc thanh lọc sắc tộc".

Vấn đề về người thiểu số Rohingya tại Myanmar đang khiến LHQ lo ngại. (Nguồn: AFP)

Theo các nhà ngoại giao, Thụy Điển và Anh ngày 11/9 cũng đã đề xuất một cuộc họp HĐBA LHQ về "tình hình ngày càng xấu đi" tại bang Rakhine, nơi sinh sống của người Hồi giáo Rohingya tại Myanmar - quốc gia có phần đồng dân số theo đạo Phật.

Vài giờ sau cảnh báo trên, Hội đồng Bảo an tuyên bố sẽ họp vào ngày 13/9 để thảo luận về cuộc khủng hoảng này – vốn đã dấy lên nhiều căng thẳng trên toàn cầu với nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi – người từng được giải Nobel Hòa Bình.

Vào cuối ngày 11/9, Bộ Ngoại giao Myanmar cho biết nước này "hoan nghênh các tuyên bố của Liên hợp quốc và một số quốc gia lên án các vụ tấn công khủng bố", tuy nhiên, không đề cập đến cáo buộc của LHQ về thanh lọc sắc tộc.

Thông báo này được đưa ra sau khi Nhà Trắng đã phá vỡ sự im lặng của họ về các cuộc đụng độ, nói rằng họ "quan ngại sâu sắc" về các cuộc tấn công giữa cả hai bên, bao gồm các cuộc phục kích của quân đội tại Rakhine.

Trách nhiệm về ai?

Phái viên đặc biệt của LHQ về vấn đề nhân quyền ở Myanmar cho biết bạo lực gần đây nhất có thể đã khiến hơn 1.000 người chết, phần lớn là người Rohingya.

Còn Myanmar cho biết số người chết là khoảng 430 người, phần lớn là "những kẻ khủng bố cực đoan" trong khi hơn 30.000 người thiểu số tại Rakhine và Hindu đã phải di dời tại miền bắc Rakhine, nơi các chương trình cứu trợ đã bị cắt giảm nghiêm trọng do bạo lực.

Theo số liệu của LHQ, hơn 300.000 người Rohingya đã di tản đến Bangladesh – điều khiến nước này lâm vào tình trạng khủng hoảng nhân đạo, khi các nhân viên cứu trợ gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp lương thực và nơi ẩn náu cho họ.

Dhaka đang cung cấp cho họ chỗ ở tạm thời. Tuy nhiên, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, người đã đến thăm một trại tị nạn của người Rohingya trong ngày 12/9, nhấn mạnh rằng Myanmar cần "giải quyết" vấn đề.

Xung đột tiếp tục gia tăng ở bên biên giới Myanmar trong tuần này bất chấp tuyên bố của các chiến binh từ chủ nhật về một lệnh ngừng bắn đơn phương. Chưa có phản ứng trực tiếp từ quân đội Myanmar, mặc dù phát ngôn viên của chính phủ nước này Zaw Htay đã tweet: "Chúng tôi không có chính sách thương lượng với những kẻ khủng bố. "

(Theo AFP)

NỔI BẬT TRANG CHỦ