• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gia tăng ngờ vực và chia rẽ về Iran, rạn nứt Anh-Mỹ liệu có khả năng đảo ngược?

Thế giới 29/07/2019 10:12

(Tổ Quốc) - Hai đồng minh thân cận Anh và Mỹ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung liên quan tới Iran; liệu Thủ tướng Boris Johnson có khiến mọi việc thay đổi?

Mới đây, nước Anh đã tỏ ỷ "lảng tránh" lời kêu gọi của Mỹ về một nỗ lực đa quốc gia nhằm bảo vệ các tàu quốc tế tại Vịnh Ba Tư, bất chấp việc nước này đã có tàu chở dầu bị bắt giữ trong khu vực.

Thay vào đó, London lựa chọn tăng cường hiện diện quân sự tại đây – một động thái vô hình chung làm gia tăng quan ngại cho những người ủng hộ phát triển quan hệ Anh-Mỹ.

anhmy

Anh, Mỹ đang chia rẽ về vấn đề Iran (ảnh: getty)

"Đó là một dấu hiệu tệ hại cho thấy Mỹ và đồng minh thân cận nhất không thể hợp tác cùng nhau trong một vấn đề cơ bản như vậy", Ilan Goldenberg, một cựu nhân viên ngoại giao Mỹ hiện đang làm việc cho Trung tâm An ninh Mỹ mới nói.

Tương tự, Mỹ cũng không quá "hồ hởi" hỗ trợ Anh. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hồi giữa tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay, Anh phải có trách nhiệm tự "trông nom các tàu của mình".

"Điều này nói lên tình trạng mối quan hệ Anh-Mỹ ngay lúc này", ông Goldenberg chỉ ra. Theo ông, đang có một mối lo ngại giữa các đồng minh về việc bắt tay với Mỹ nhằm đối phó với Iran, đó là "bị kéo vào cuộc xung đột quân sự chỉ bởi vì Mỹ".

"Họ lo rằng, nếu họ làm thứ gì đó như tự do di chuyển hàng hải, tự cho là bảo vệ tàu Anh, nếu sai lầm xảy đến, sẽ có một cuộc xung đột và giờ đây họ đang bị Mỹ lôi kéo vào nó", Goldenberg phân tích.


Chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump khiến các đồng minh do dự khi ủng hộ những nỗ lực của Mỹ tại Iran, bởi vì họ không chắc Washington sẽ trợ giúp mình nếu một cuộc xung đột lớn hơn bùng nổ. Ngoại trưởng Pompeo từng nhấn mạnh, mặc dù quân đội Mỹ có vai trò giám sát hoạt động tại Eo biển Hormuz, "thế giới cũng có một vai trò lớn tại đây, nhằm giữ cho các tuyến đường biển mở rộng". Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Trump tìm cách thuyết phục đồng minh và đối tác tham gia một liên minh giữ trật tự các lãnh hải tại Vùng Vịnh, có tên gọi là Chiến dịch Canh gác.

Theo Washington, Chiến dịch Canh gác sẽ hộ tống các tàu chở dầu đi qua Vịnh Ba Tư, Eo biển Hormuz và Vịnh Oman, với quân đội Mỹ hỗ trợ cho các tàu của đối tác thuộc liên minh thực hiện nhiệm vụ tuần tra.

Tuy nhiên, có vẻ như các nước không "mặn mà" với đề xuất của Mỹ.

Đầu tuần trước, cựu Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt tuyên bố, London "sẽ không là một phần trong chính sách gây sức ép tối đa của Mỹ lên Iran bởi vì chúng tôi cam kết duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran".

London sẽ không là một phần trong chính sách gây sức ép tối đa của Mỹ lên Iran bởi vì chúng tôi cam kết duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran.

Cựu Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt

Hôm thứ tư (24/7), ông Hunt đã từ chối tham gia vào nội các mới thành lập của tân Thủ tướng Anh Boris Johnson.

London đang tìm kiếm sự giúp đỡ của cả Paris và Berlin cho một sứ mệnh do Anh dẫn đầu để bảo vệ việc đi lại trên biển. Tờ Financial Times đưa tin, trong khi các nước tỏ ý ủng hộ Anh về mặt chính trị, cho tới giờ họ vẫn chưa thực sự cam kết cung cấp các lực lượng hải quân cần thiết do lo ngại về leo thang căng thẳng.

Bộ trưởng Quốc phòng mới của Mỹ Mark Esper hôm 24/7 dường như thừa nhận, trước mắt Mỹ có thể sẽ phải thực hiện Chiến dịch Canh gác một mình.

"Chúng tôi sẽ hộ tống tàu của mình ở mức độ tương xứng với nguy cơ", ông Esper chia sẻ với các phóng viên.

Những do dự khi tham gia vào chiến dịch tuần tra của Mỹ cho thấy một khoảng cách đang ngày càng mở rộng giữa Washington và các đồng minh xung quanh vấn đề Iran.

"Ở thời kỳ trước, bất ổn tại Vùng Vịnh sẽ khiến các nước xếp hàng phía sau Mỹ", Jon Alterman, một chuyên gia an ninh toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định.

Họ [các nước đồng minh và đối tác Mỹ] phần nào sợ bị cuốn vào hành động của Mỹ chống lại Iran và phần khác họ sợ sẽ kích động đòn trả đũa từ Iran vì đã hợp tác với Mỹ nhưng sau đó lại không nhận được giúp đỡ từ Mỹ.

Jon Altermann

Nhưng thái độ không chắc chắn về các dự định của Mỹ, cũng như nghi ngờ rằng Washington sẽ không hỗ trợ các đồng minh từng bị tấn công, đang làm dấy lên một phản ứng vô cùng khác biệt.

"Họ [các nước đồng minh và đối tác Mỹ] phần nào sợ bị cuốn vào hành động của Mỹ chống lại Iran và phần khác họ sợ sẽ kích động đòn trả đũa từ Iran vì đã hợp tác với Mỹ nhưng sau đó lại không nhận được giúp đỡ từ Mỹ. Đó là tình huống hoàn toàn thua", Altermann phân tích.

Kỳ vọng vào chính phủ mới của Anh

Trong khi đó, ông Adam Kinzinger, một thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ bày tỏ hy vọng chính phủ mới của nước Anh sẽ cân nhắc lại quyết định về Chiến dịch Canh gác. "Tôi nghĩ có thể với tân Thủ tướng, họ [Anh] sẽ suy nghĩ lại, bởi vì chúng ta càng bảo vệ được nhau nhiều hơn, tình huống sẽ càng tốt hơn".

"Rõ ràng có sự khác biệt giữa Mỹ và châu Âu về việc có tiếp tục thỏa thuận hạt nhân Iran hay không. Tôi không cho rằng có bất kỳ khác biệt nào giữa Mỹ và châu Âu về hành động của Iran tại Vịnh Ba Tư can thiệp vào chuyên chở dầu mỏ", Mac Thornberry một thành viên của Ủy ban Quân vụ Hạ viện cho biết trong một cuộc họp báo. "Tôi hy vọng và tin tưởng Thủ tướng mới [của Anh] sẽ thể hiện thái độ đó".

Phương Đỗ

NỔI BẬT TRANG CHỦ