• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giải mã ác mộng: Chỉ báo bệnh tật trong tương lai?

Khám phá 08/10/2022 19:00

(Tổ Quốc) - Một nghiên cứu mới nhất cho thấy ác mộng thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ về già.

Ác mộng hàng đêm có hại?

Chúng ta dành 1/3 cuộc đời để ngủ. Và 1/4 thời gian ngủ của chúng ta dành cho những giấc mơ. Vì vậy, với người thọ khoảng 73 tuổi, họ đã mất 6 năm cuộc đời chỉ để mơ.

Tuy nhiên, dù hiện diện trong cuộc sống mỗi ngày như vậy, con người vẫn biết rất ít lý do tại sao chúng ta lại mơ, cách bộ não tạo ra những giấc mơ và quan trọng là ý nghĩa của những giấc mơ đối với sức khỏe - đặc biệt là sức khỏe của bộ não.

Nghiên cứu mới nhất của Abidemi Otaiku, Thành viên Viện hàn lâm NIHR chuyên về thần kinh học tại Đại học Birmingham, được công bố trên tạp chí eClinicalMedicine của The Lancet, cho thấy những giấc mơ có thể tiết lộ một lượng thông tin đáng ngạc nhiên về sức khỏe não bộ của chúng ta.

Cụ thể hơn, nghiên cứu cho thấy việc bạn thường xuyên có những giấc mơ xấu và ác mộng (những giấc mơ xấu khiến bạn tỉnh giấc) ở độ tuổi trung niên trở lên có thể làm tăng nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ.

Otaiku đã phân tích dữ liệu từ ba nghiên cứu lớn của Mỹ về sức khỏe và sự lão hóa, với sự tham gia của 600 người trong độ tuổi từ 35 đến 64, và 2.600 người từ 79 tuổi trở lên.

Tất cả những người tham gia đều không bị sa sút trí tuệ khi bắt đầu nghiên cứu và được theo dõi trung bình 9 năm đối với nhóm trung niên và 5 năm đối với những người lớn tuổi.

Khi bắt đầu nghiên cứu, những người tham gia đã hoàn thành một loạt các bảng câu hỏi, trong đó có một bảng hỏi về tần suất họ trải qua những giấc mơ xấu và ác mộng.

Otaiku phát hiện ra rằng những trung niên gặp ác mộng hàng tuần có nguy cơ bị suy giảm nhận thức (tiền thân của chứng sa sút trí tuệ) cao gấp 4 lần trong thập kỷ tiếp theo, trong khi những người tham gia lớn tuổi có nguy cơ bị chẩn đoán sa sút trí tuệ cao gấp hai lần.

Điều thú vị là mối liên hệ giữa những cơn ác mộng và chứng mất trí nhớ trong tương lai đối với nam giới mạnh hơn nhiều so với phụ nữ.

Ví dụ, những người đàn ông lớn tuổi gặp ác mộng hàng tuần có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao gấp 5 lần so với những người đàn ông lớn tuổi không có giấc mơ tồi tệ. Tuy nhiên, ở phụ nữ, mức tăng nguy cơ là 41%.

Giải mã ác mộng: Chỉ báo bệnh tật trong tương lai? - Ảnh 1.

Phương pháp giải quyết

Nhìn chung, những kết quả này cho thấy ác mộng thường xuyên có thể là một trong những dấu hiệu sớm nhất của chứng sa sút trí tuệ, có thể báo trước sự phát triển của các vấn đề về trí nhớ và tư duy trong vài năm hoặc thậm chí vài thập kỷ - đặc biệt là ở nam giới.

Ngoài ra, cũng có thể việc thường xuyên có những giấc mơ xấu và ác mộng thậm chí là nguyên nhân của chứng sa sút trí tuệ.

Tin tốt là những cơn ác mộng tái diễn có thể điều trị được. Và phương pháp điều trị y tế đầu tiên cho những cơn ác mộng đã được chứng minh là làm giảm sự tích tụ của các protein bất thường có liên quan đến bệnh Alzheimer.

Cũng có những báo cáo trường hợp cho thấy sự cải thiện về trí nhớ và kỹ năng tư duy sau khi điều trị ác mộng.

Những phát hiện này cho thấy rằng điều trị ác mộng có thể giúp làm chậm sự suy giảm nhận thức và ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ phát triển ở một số người. Đây sẽ là một con đường quan trọng để khám phá các nghiên cứu mới trong tương lai.

Các bước tiếp theo cho nghiên cứu sẽ bao gồm điều tra xem liệu những cơn ác mộng ở người trẻ tuổi có liên quan đến việc tăng nguy cơ sa sút trí tuệ hay không. Điều này sẽ giúp xác định liệu những cơn ác mộng có gây ra chứng mất trí nhớ hay chúng chỉ đơn giản là một dấu hiệu ban đầu ở một số người.

Nghiên cứu của chuyên gia Otaiku cũng điều tra xem các đặc điểm khác của giấc mơ, chẳng hạn như tần suất chúng ta nhớ giấc mơ của mình và độ sống động của chúng, cũng có thể giúp xác định xem mọi người có khả năng phát triển chứng sa sút trí tuệ như thế nào trong tương lai.

Nghiên cứu này không chỉ giúp làm sáng tỏ mối quan hệ giữa chứng mất trí nhớ và giấc mơ, cung cấp cơ hội mới để chẩn đoán sớm hơn - và có thể là can thiệp sớm hơn - mà còn có thể làm sáng tỏ bản chất và chức năng của hiện tượng bí ẩn mà chúng ta gọi là mơ.

Mạnh Kiên

NỔI BẬT TRANG CHỦ