• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giải phóng mặt bằng tại đặc khu: ĐBQH đề nghị bảo đảm điều kiện tốt nhất cho dân

Kinh tế 24/05/2018 08:51

(Tổ Quốc) - Bàn về dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, nhiều đại biểu còn băn khoăn về kiểm soát quyền lực, thuế, giải phóng mặt bằng... khi dự án Luật này được áp dụng.

Bên hành lang Quốc hội, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) chia sẻ với báo giới: Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là Luật rất cần thiết trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Đây là điểm đột phá, nhân tố quan trọng giúp kinh tế Việt Nam phát triển mạnh trong thời gian tới.

Nhiều đại biểu còn băn khoăn về kiểm soát quyền lực, thuế, giải phóng mặt bằng... tại các đặc khu. (Nguồn: Internet)

Thực tế, đã có nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả, thành công mô hình các đặc khu kinh tế. Trong khi đó, 3 đặc khu kinh tế dự kiến của nước ta là những nơi có điều kiện, ưu thế phát triển về kinh tế và thu hút đầu tư... Tuy nhiên, với Luật mới khi đưa vào áp dụng cho mô hình phát triển mới thì sẽ không tránh khỏi nhưng bất cập; trong đó, khó khăn nhất chính là việc giải phóng mặt bằng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.

Theo Luật Đất đai 2013, thì việc giải phóng mặt bằng giao cho doanh nghiệp, nhưng thực tế khi doanh nghiệp triển khai thì gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, có thể một vài hộ dân không chấp nhận giá đền bù mà doanh nghiệp đưa ra, sẽ dẫn đến kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy, khâu giải phóng mặt bằng là khó khăn nhất. Bên cạnh đó, đây là mô hình mới nên các nhà quản lý và UBND mới thành lập sẽ không đủ kinh nghiệm, vừa làm vừa học cho nên có thể găp nhiều khó khăn. Ngoài ra, khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào đây, họ có rất nhiều kinh nghiệm về đấu thầu, tổ chức hoạt động. Trong khi đó, người của các đặc khu lại chưa có nhiều kinh nghiệm, sẽ có sơ xuất, sai sót.

Một điểm nữa, do là mô hình mới nên thực hiện theo định hướng là thu hút đầu tư và vốn đầu tư của các doanh nghiệp, trong khi đó vốn đầu tư của quốc gia là rất ít, bởi nền kinh tế của nước ta còn nhiều hạn chế, chưa có đầu tư về đối ứng vì thế cơ sở hạ tầng phát triển chậm. Đây là yếu tố làm cản trở thu hút đầu tư.

Theo ĐB Phương, Luật cũng cần phải xem xét lại những mục gì, điều gì cần thiết thì giao cho Chủ tịch UBND đặc khu, còn những gì không cần thiết có thể giao cho cấp dưới, hoặc cho Sở, ngành liên quan. Bên cạnh đó, hạn chế đi một số điểm để tạo thời gian cho Chủ tịch UBND tỉnh có thời gian làm những việc lớn, còn những việc nhỏ giao cho bộ phận giúp việc. Còn nếu việc gì cũng giao cho Chủ tịch UBND tỉnh thì làm gì còn thời gian làm việc khác ngoài ký tá. Liên quan đến việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu các đặc khu, thì Luật lần này đã cơ bản ghi rõ.

“Quan trọng nhất là có tổ chức Hội đồng nhân dân, tổ chức này có chức năng giám sát, quyết định về các vấn đề như: ngân sách, giải phóng mặt bằng, chọn doanh nghiệp đầu tư... Nếu làm đúng, làm nghiêm thì có thể kiểm soát được quyền lực của người đứng đầu đặc khu. Ngoài ra, còn có sự kiểm soát của Bộ Tài chính, Bộ KH ĐT... thậm chí có nhiều lĩnh vực cũng quy định chịu sự quản lý của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, phạm vi quản lý quyền lực trong Luật đã ghi đủ rồi. Vấn đề là trong quá trình tổ chức thực hiện có bị lách luật hay không? Kiểm soát có chặt chẽ hay không? Nhằm tránh xảy ra sai sót.”, ĐB Phương nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Bình Thuận) chia sẻ thêm, lần chỉnh sửa một số điều cho phù hợp Qua nghiên cứu các tài liệu có liên quan đến dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. ĐB thấy tại khoản 5, điều 32 Dự thảo luật đã qui định 3 trường hợp Chủ tịch UBND đặc khu quyết định việc thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là: dự án quan trọng Quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương, dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định; dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu chức năng, dự án đầu tư có sử dụng đất trong khu chức năng để thực hiện qui hoạch đặc khu và dự án được Hội đồng nhân dân đặc khu chấp thuận việc thu hồi đất.

“Theo tôi, việc qui định như thế theo qui định của Luật đất đai hiện hành chỉ thực hiện đối với các dự án của nhà đầu tư chiến lược với số vốn trên 6.000 tỉ đồng, các dự án còn lại phải thỏa thuận để giải phóng mặt bằng. Thực tế, việc giải phóng mặt bằng theo thỏa thuận giữa các tổ chức và cá nhân là rất khó khăn, có trường hợp không thể thỏa thuận được để thực hiện dự án theo qui hoạch. Để đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch, phù hợp với các qui định của Luật đất đai; đảm bảo tính chủ động, thuận lợi trong công tác quản lý đất đai và việc thu hồi đất, tôi cho rằng, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng nên điều chỉnh lại như sau: Căn cứ qui hoạch sử dụng đất đặc khu được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt và nhu cầu sử dụng đất của dự án đầu tư, Chủ tịch UBND đặc khu thực hiện thu hồi đất, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng để giao đất, cho thuê thuê đất đối với từng dự án. Bên cạnh đó, hiện tại, các dự án Casino tại các đặc khu bị ràng buộc bởi điều kiện về qui mô vốn đầu tư tối thiểu là 45.000 tỷ đồng và không qui định thời gian giải ngân vốn thực hiện dự án…”, ĐB Phúc nhấn mạnh với báo giới.

Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, việc đặt ra là chúng ta giải quyết những vấn đề này như thế nào trong thực tiễn. Do đó, việc cần giải quyết là chúng ta chờ sửa đổi Luật Đất đai; đồng thời, cần có những cơ chế chính sách thuận lợi hơn. Vậy, khi ban hành Luật hành chính, kinh tế đặc biệt sẽ giao quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh được quyền thu hồi đất và sẽ giao đất trắng cho nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư sẽ phải thực hiện 2 phương án. Một là ứng tiền đền bù, hai là từ tiền đền bù đất đó, nhà đầu tư sẽ được trừ vào tiền thuê đất. Đây là một phương án tôi cho rằng để bảo đảm sự năng động và tiến độ triển khai cac dự án một cách đồng bộ hơn ở các đặc khu kinh tế.

“Tôi hy vọng, Luật này khi được triển khai sẽ tốt hơn vì nhà đầu tư bao giờ cũng mong muốn được giao đất sạch. Chi phí đó có thể là có độ vênh, trượt giá nhưng một mặt ngân sách nhà nước có được một khoản thu bền vững, ổn định hơn nhưng mặt khác là nó sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư, hấp dẫn các nhà đầu tư. Tôi muốn nhấn mạnh một điều là làm gì, chính sách gì những cũng phải đảm bảo điều kiện tốt nhất cho người dân bị thu hồi đất”, ĐB Tạo nhấn mạnh./.

Hà Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ