• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giải thể, sáp nhập thì không tránh được những tác động

Thời sự 21/08/2018 10:43

(Tổ Quốc) - “Giải thể, sáp nhập thì không tránh được những tác động. Có điều khi xây dựng phương án giải thể, sáp nhập thì cần phải trao đổi kỹ càng, có phương án chuẩn bị tốt nhất cho dự kiến bố trí sắp xếp. Với các cá nhân, đương nhiên không tránh được tâm tư”, ông Đầu Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hoá chia sẻ.

Cả nước hiện có đến 588/713 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 82,4%) và 9.434/11.162 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 84,5%) chưa đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên.

Cán bộ thôn 1 và lãnh đạo xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương trao đổi về công tác xây dựng nông thôn mới. (Nguồn: Nhân dân)

Nhằm thu hẹp bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả, Bộ Nội vụ vừa qua đã tổ chức hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đến năm 2021. Thực hiện sáp nhập sẽ tinh giản hàng nghìn cán bộ, công chức xã và hàng chục nghìn người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Thanh hoá là một trong những tỉnh đi đầu thực hiện nhiệm vụ này. Hiện nay các huyện, thị xã, TP của tỉnh Thanh Hóa đang xây dựng phương án sáp nhập văn phòng HĐND và UBND cấp xã, phường, thị trấn với văn phòng đảng ủy cùng cấp; sáp nhập văn phòng HĐND, UBND cấp huyện với văn phòng huyện ủy; sáp nhập Ủy ban MTTQ cấp huyện với ban dân vận huyện ủy; sáp nhập phòng nội vụ huyện với ban tổ chức huyện ủy.

Ông Đầu Thanh Tùng cho biết, căn cứ theo Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của  Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” thì tỉnh Thanh Hoá đã ban hành một số kế hoạch để thực hiện và đã triển khai được một số việc cụ thể.

Trong đó, việc giải thể, sáp nhập đối với các sở, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, các phòng cấp huyện thì hiện nay tỉnh đang chờ Nghị định chính thức của Chính phủ thay thế Nghị định 24/2014/NĐ-CP và Nghị định 37/2014/NĐ-CP về quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện để có cơ sở triển khai, bởi chỉ khi Chính phủ có quy định khung và định hướng về các tiêu chí để duy trì các sở, các phòng ở cấp huyện thì lúc đó tỉnh mới thực hiện được.

Với cấp huyện, ông Đầu Thanh Tùng cho hay, hiện tỉnh Thanh Hoá đang có hướng nghiên cứu và sẽ báo cáo với thường vụ Tỉnh ủy để báo cáo Ủy ban tỉnh xem xét duy trì phòng Y tế và phòng Dân tộc.

“Tỉnh đang có hướng sáp nhập phòng Y tế và phòng Dân tộc cấp huyện vào văn phòng Hội đồng nhân dân - Ủy ban Nhân dân cấp huyện. Trước đây 2 phòng này là tách biệt, tuy nhiên, theo tính chất công việc thì Tỉnh sẽ nghiên cứu theo hướng sáp nhập 2 đơn vị này với nhau”, ông Đầu Thanh Tùng chia sẻ thông tin.

Về cấp xã, tỉnh Thanh Hoá cũng đang chuẩn bị và đợi Chính phủ ban hành Nghị định về về án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì sẽ triển khai. Hiện Thanh Hoá cũng đang nằm trong nhóm các tỉnh có số lượng đơn vị hành chính cấp xã không đủ 50% cả 2 tiêu chí quy mô dân số và diện tích tự nhiên (gồm 66 xã cần được sắp xếp lại). Hiện tỉnh đã giảm 9.400 cán bộ bán chuyên trách (thôn, xã), tiết kiệm ngân sách hơn 100 tỷ đồng/năm. Ngay từ năm 2017, tỉnh đã xây dựng đề án về tổ chức sáp nhập các thôn không đủ tiêu chí quy mô số hộ. Đến cuối năm 2017 – đầu năm 2018 tỉnh đã giảm được 1.578 thôn tổ dân phố, tương đương 26% (sáp nhập từ 14 thôn thành sáu thôn ở xã Quảng Ðịnh (huyện Quảng Xương); sáp nhập 15 thôn thành bảy thôn ở xã Thiệu Giao (huyện Thiệu Hóa); sáp nhập chín thôn thành bốn thôn ở xã Yên Thọ, 10 thôn thành năm thôn ở xã Yên Ninh, và ba thôn thành một thôn ở xã Ðịnh Bình (đều của huyện Yên Ðịnh)…

Dù vậy, ông Đầu Thanh Tùng cũng cho biết, việc sáp nhập, giải thể nhằm tinh gọn bộ máy hành chính không tránh khỏi những khó khăn.

“Khó khăn chung đối với việc sáp nhập, giải thể các cơ quan, đơn vị là đương nhiên và tác động là đương nhiên rồi dù trong quá trình thực hiện bố trí đội ngũ công chức, viên chức theo khả năng, trình độ, kinh nghiệm công tác đã có lộ trình nhất định. Tinh thần là phải bố trí sắp xếp sao cho phù hợp nhất từ lãnh đạo cho tới công chức, viên chức và nhân viên. Với các trường hợp do trình độ, lĩnh vực đào tạo không phù hợp thì lúc đó phải cùng với họ bàn bạc, thống nhất phương án, ví như chuyển đổi vị trí công tác hoặc thực hiện chế độ chính sách theo quy định”, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hoá chia sẻ.

Để minh chứng, ông Đầu Thanh Tùng cho biết, vừa qua tỉnh Thanh Hoá đã giải thể trường Cao đẳng Thể dục Thể thao. Một bộ phận chuyển sang Đại học Văn hoá. Hiệu trưởng trường Cao đẳng Thể dục Thể thao được luân chuyển sang làm Hiệu phó trường Đại học Văn hoá. Còn 2 Hiệu phó trường Cao đẳng Thể dục Thể thao thì luân chuyển sang làm phó Giám đốc Trung tâm thuộc Sở Văn hoá của Tỉnh.

“Khi triển khai chính thức, do có quá trình chuẩn bị nên về mặt tư tưởng thì các đồng chí cũng nhận nhiệm vụ rất vui vẻ, dù xuống chức vụ thấp hơn. Về mặt cá nhân rõ ràng là người ta không muốn. Tuy nhiên, vì cái chung, vì lợi ích chung của tỉnh, để đảm bảo cho hoạt động tốt hơn, đạt hiệu quả tốt hơn thì họ cũng ủng hộ thôi, cũng vui vẻ nhận công việc mới. Có điều khi xây dựng phương án giải thể, sáp nhập thì phải có trao đổi kỹ càng, có phương án chuẩn bị tốt nhất cho dự kiến bố trí sắp xếp. Đương nhiên tâm tư thì không thể tránh được. Trong các cuộc gặp mặt, một số cá nhân cũng có trao đổi, có trình bày nguyện vọng, đề xuất. Tuy nhiên, khi có phương án công khai, bàn bạc thấu đáo , phân tích thì người ta sau khi nhìn nhận cái chung, cái riêng thì thấy rằng không có phương án nào tối ưu hơn nên người ta sẽ đồng thuận thôi”, ông Đầu Thanh Tùng cho hay.

Tỉnh Bắc Ninh giải thể và sáp nhập 30 đơn vị của các đơn vị sự nghiệp. (Ảnh: Vi Phong)

Những khó khăn trong công tác tinh gọn bộ máy nhà nước cũng được ông Nguyễn Tử Quỳnh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ.

Ông cho biết, liên quan đến vấn đề con người là rất khó, vì việc này đụng chạm đến tâm tư tình cảm, nguyện vọng và cả danh dự của các cá nhân.

“Có khi họ đang giữ chức vụ, quyền hạn như vậy nhưng sau khi sắp xếp lại không phát triển được. Hiện nay chúng ta đang có nhiều đầu mối khi sáp nhập thì bản thân nội bộ ngành, cơ quan cũng cảm nhận mất đi đầu mối, từ đó tạo ra tâm lý chưa muốn làm. Trách nhiệm của cấp ủy đảng, trách nhiệm của những người đứng đầu là phải là những người gương mẫu thực hiện. Trong quá trình thực hiện sẽ xem xét tâm tư nguyện vọng để bố trí như thế nào cho hợp lý nhất”, ông Nguyễn Tử Quỳnh nhận định.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết, tỉnh đã tiến hành giải thể Sở Ngoại vụ và thành lập phòng ngoại vụ trực thuộc UBND tỉnh. Việc này cũng giảm bớt đi 1 đầu mối trực thuộc Ủy ban.

Song song với đó Bắc Ninh cũng giải thể và sáp nhập 30 đơn vị của các đơn vị sự nghiệp, trong đó có Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh. Đơn vị này được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 trung tâm thuộc hệ thống y tế dự phòng có chức năng nhiệm vụ tương đồng gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động môi trường và Giám định y khoa. Khi sáp nhập đơn vị này có 179 người, 54 cán bộ lãnh đạo. Tuy nhiên, sau khi sắp xếp lại bộ máy, phần lớn ban giám đốc của 5 trung tâm cũ được điều chuyển đi các đơn vị khác, có trường hợp từ phó Giám đốc xuống làm trưởng khoa, có trường hợp từ trưởng phòng xuống làm nhân viên…

Đến nay địa phương này đã giảm 29 cơ quan đơn vị, sau khi sáp nhập, giảm đc 38 lãnh đạo quản lý, trong đó có 30 cấp trưởng phòng, 8 phó phòng. Cùng với đó là đã tinh giản 179 biên chế./.

Hà Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ