• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Gián điệp chim” gửi lời cảnh cáo tới Thủ tướng Ấn Độ

Thế giới 04/10/2016 10:32

(Tổ Quốc) - Cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ một con chim mang lời cảnh cáo tới Thủ tướng Narendra Modi tại khu vực biên giới căng thẳng với Pakistan.  

Các quan chức cho biết thông tin trên ngày 3/10. Lực lượng an ninh biên giới Ấn Độ (BSF) tìm thấy con chim ở Pathankot, bang miền bắc Punjab, nơi các tay súng Pakistan đã phát động một cuộc tấn công đẫm máu vào một căn cứ không quân trong tháng 1.

Lực lực an ninh Ấn Độ bắt giữ "gián điệp chim" và bức thư cảnh cáo. (Nguồn: ANI News)

"Chúng tôi đã bắt được nó tối hôm qua", thanh tra cảnh sát Pathankot Rakesh Kumar ngày 3/10 nói với AFP qua điện thoại.

"BSF đã tìm thấy lá thư bằng tiếng Urdu có nội dung 'ông Modi, chúng ta đã không cùng một dân tộc từ năm 1971. Bây giờ mỗi một đứa trẻ đều đã sẵn sàng chiến đấu chống lại Ấn Độ' ", ông Kumar nói.

Lá thư dường như có chữ ký của nhóm phiến quân Pakistan Lashkar-e-Taiba (LeT). "Chúng tôi đang nghiêm túc điều tra vụ việc", ông Kumar cho biết.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ đang gia tăng sau một vụ tấn công vào căn cứ quân sự tại Kashmir hai tuần trước, khi New Delhi đổ lỗi cho nhóm phiến quân trên.

Tuần trước, lực lượng quân sự của Ấn Độ đã phản công nhóm phiến quân này dọc biên giới tranh cãi với Pakistan, động thái dấy lên cơn thịnh nộ từ Islamabad.

Hai quả bóng bay cũng đã được tìm thấy gần đây tại Punjab với những thông điệp tương tự gửi đến ông Modi bằng tiếng Urdu.

Đây không phải là lần đầu tiên, các “gián điệp chim” được sử dụng trong mối quan hệ căng thẳng giữa hai người láng giềng hạt nhân Ấn Độ và Pakistan. 

Năm 2015, Ấn Độ từng bắt được một con chim bồ câu với nghi ngờ gián điệp của Pakistan và cũng đã kiểm tra con chim này để tìm kiếm máy ảnh gián điệp, máy thu hình hoặc các con chip. Năm 2013, lực lượng an ninh Ấn Độ cũng tìm thấy một con chim ưng chết trang bị một máy ảnh nhỏ và trước đó, vào năm 2010, một con bồ câu khác cũng đã bị bắt giữ vì lo ngại về các hoạt động gián điệp tình báo.

(Theo AFP)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ