• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gian nan công tác cai nghiện ma túy ở Thừa Thiên – Huế

Thời sự 02/10/2017 09:36

(Tổ Quốc) - So với nhiều địa phương khác, Thừa Thiên – Huế không phải là điểm nóng về ma túy, tuy nhiên những năm trở lại đây số lượng người nghiện ma túy tại tỉnh này đang có chiều hướng gia tăng.

Đối tượng nghiện ma túy có chiều hướng gia tăng

Tệ nạn ma túy ở nước ta nói chung và ở tỉnh Thừa Thiên – Huế nói riêng đã và đang trở thành một trong những vấn đề nhức nhối nhất được mọi cấp ngành và người dân quan tâm. So với những địa phương khác, Thừa Thiên – Huế không phải là điểm nóng về ma túy, tuy nhiên những năm trở lại đây số lượng người nghiện ma túy tại tỉnh này đang có chiều hướng gia tăng.

Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, số người nghiện có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay là 562 người, tăng 92 người nghiện  (tăng 19,57%) so với cuối năm 2016. Nếu như khoảng 10 năm về trước, Thừa Thiên – Huế từng được xem là địa phương “sạch” về ma túy thì đến nay số lượng người nghiện ma túy đã tăng lên rất nhiều. Năm sau lại tăng hơn năm trước, đây là điều rất đáng phải lo ngại.

 Thừa Thiên – Huế từng được xem là địa phương “sạch” về ma túy, tuy nhiên số người nghiện đang có chiều hướng gia tăng. Ảnh: Thế Trung

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên, tuy nhiên trước tình hình phức tạp chung về vấn nạn ma túy của khu vực và giữa các địa phương trong cả nước, việc Thừa Thiên - Huế cũng bị ảnh hưởng ít nhiều là điều khá dễ hiểu. Nhất là khi Huế được xem là trung tâm du lịch, thành phố Festival của Việt Nam. Là nơi du lịch ngày càng phát triển, lượng khách lui tới ngày một đông nên tình hình ma túy tại đây thêm phần diễn biến phức tạp.

Một nguyên nhân nữa được cho là khiến số người nghiện tại Thừa Thiên – Huế có chiều hướng gia tăng là do nhiều đối tượng ở các tỉnh thành khác đến cư trú, làm việc hoặc người dân ở Huế đi làm ăn ở tỉnh khác bị nghiện ma túy sau đó trở về quê sinh sống và cai nghiện. Khi cai nghiện không thành công lại rủ rê lôi kéo thêm nhiều người làm gia tăng thêm đối tượng nghiện ngập.

Theo báo cáo của Chi cục Phòng chống TNXH Thừa Thiên – Huế, trong số 562 đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý thì thường tập trung vào độ tuổi từ 18 đến trên 30 tuổi. Trên 80% số này không có nghề nghiệp ổn định và loại ma túy thường được dùng nhiều nhất là heroin với 365 đối tượng.

Các đối tượng mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy thường rất manh động vậy nên phần lớn vụ án hình sự hiện nay đều có liên quan đến những đối tượng này. Việc số lượng đối tượng nghiện ma túy ngày càng tăng thì cùng với đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.

 Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên – Huế hiện cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác cai nghiện. Ảnh Thế Trung

Cùng với thực trạng nói trên, tình hình công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Điều này biểu hiện rõ ở con số tỷ lệ tái nghiện vẫn còn rất cao.

Gian nan công tác cai nghiện

Theo Chi cục Phòng chống TNXH Thừa Thiên – Huế, hiện tại ở địa phương công tác cai nghiện được thực hiện dưới ba hình thức: thông qua Trung tâm Bảo trợ xã hội; cai nghiện tại cộng đồng và tại gia đình; điều trị bằng Methadone. Thời gian qua dù việc cai nghiện có đạt được một số kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Có mặt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên – Huế, theo ghi nhận của phóng viên công tác cai nghiện tại đây vẫn còn quá nhiều điều bất cập. Theo lãnh đạo trung tâm, diện tích đất trung tâm hiện quá nhỏ hẹp, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, vị trí, địa điểm không phù hợp, từ đó làm cho học viên không yên tâm cai nghiện, đối tượng cai nghiện bắt buộc luôn tìm cách bỏ trốn, chống đối, không chấp hành, tuân thủ nội quy, quy chế cũng như quy trình về cai nghiện, điều trị. Trong khi đối tượng cai nghiện tự nguyện hầu hết đều bỏ cai giữa chừng.

Trung tâm cũng chưa có khu vực lao động sản xuất, lao động trị liệu, học văn hóa, học nghề, vui chơi thể dục, thể thao… cho học viên theo quy định. Đội ngũ y sỹ và lực lượng bảo vệ làm công tác cai nghiện vẫn còn hạn chế về số lượng và trình độ chuyên môn.

Bên cạnh đó, theo Quyết định của UBND tỉnh, trung tâm được giao thêm nhiệm vụ quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa được đầu tư, xây dựng mở rộng để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Ông Ngô Duy Bình – GĐ Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên – Huế cho biết, trung tâm hiện không có bác sỹ để đảm bảo việc điều trị cắt cơn nghiện và xây dựng phác độ điều trị nghiện cho người nghiện. Do còn nhiều hạn chế nên hiện số người đến cai nghiện tại trung tâm ngày càng ít.

“Từ  đầu năm 2017 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận 8 người nghiện vào cai nghiện tự nguyện. Tính đến nay chưa có người nghiện nào bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP và Nghị định 136/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Số người cai nghiện hiện đang có mặt tại trung tâm cũng chỉ có 3 người”, ông Bình thông tin.

 Số ít học viên đang cai nghiện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên – Huế. Ảnh Thế Trung

Tình hình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng tại Thừa Thiên – Huế cũng không mấy khả quan hơn. Ông Hồ Quang Minh – Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH Thừa Thiên – Huế cho hay, thời gian qua đơn vị không ngừng phối hợp tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức đến từng địa phương. Tuy nhiên công tác cai nghiện tại gia đình và tại cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn khi kinh phí cho hoạt động này tại các xã, phường, thị trấn chưa được bố trí. Ở địa phương chưa được trang cấp đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ, dụng cụ, thuốc men chữa trị... theo quy định nên việc cai nghiện vẫn chưa được triển khai thực hiện tốt.

“Vì bận mưu sinh nên nhiều gia đình không thể giám sát hỗ trợ người cai nghiện trong quá trình cai nghiện và quản lý sau cai. Gia đình người nghiện đóng vai trò then chốt nhưng đa số không có kiến thức về ma túy và cai nghiện. Không được hướng dẫn các kỹ năng giúp đỡ, động viên con em mình cai nghiện và dự phòng tái cai nghiện nên ngoài tình yêu thương họ hầu như chẳng có biện pháp gì giúp con em đoạn tuyệt với ma túy. Sắp tới chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, tuyên truyền về từng địa phương”, ông Minh cho hay.

Ông Minh cũng cho biết thêm, thời gian qua Chi cục Phòng chống TNXH cũng đẩy mạnh công tác phối hợp với cơ sở điều trị Methadone tỉnh trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Đến nay, cơ sở đã điều trị cho 265 lượt người nghiện.

Tuy kết quả đáng khả quan nhưng thời gian tới các đơn vị vẫn phải chú ý nhiều đến việc phối hợp trao đổi thông tin để quản lý học viên giữa cơ sở điều trị methadone và địa phương. Tránh tình trạng người nghiện đối phó lẫn trốn hoặc sử dụng 3 trong 1 (vừa điều trị bằng Methadone, vừa lén lút sử dụng cả ma túy tổng hợp vừa cả thuốc phiện) làm giảm đi chất lượng của hoạt động điều trị Methadone.

Thế Trung

Thế Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ