• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giáo dục nếu không xiết từ đầu thì khó có được người thầy "long lanh"

Giáo dục 25/03/2019 14:49

(Tổ Quốc) - Trong xã hội hiện đại, cách nhìn nhận, suy nghĩ về con người, quan niệm về những chuẩn mực đạo đức đã thay đổi, thế nhưng vị thế của người thầy trong xã hội, chuẩn mực đạo đức của nhà giáo dường như phải là bất biến.

Nghề giáo luôn là một nghề cao quý trong xã hội. Người thầy luôn gắn liền với những chuẩn mực về đạo đức, là người truyền thụ kiến thức, thay đổi nhận thức, hành động cũng phải xuất phát từ người thầy.

Cho dù thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ việc khiến dư luận xã hội bất bình, làm ảnh hưởng tới hình ảnh người thầy nhưng đó chỉ là những vụ việc cá biệt, chúng ta không nên vì những vụ việc như vậy mà "vơ đũa cả nắm" cho rằng đạo đức nhà giáo đang xuống cấp trầm trọng, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội từng khẳng định trên báo điện tử Tổ Quốc khi được hỏi về vấn đề liên quan tới đạo đức nhà giáo.

"Chúng ta không nên vì những vụ việc như vậy mà “vơ đũa cả nắm” cho rằng đạo đức nhà giáo đang xuống cấp trầm trọng

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm

Chỉ có điều, qua những sự việc như thế này, chúng ta không khỏi băn khoăn rằng mình có nên nhìn nhận và suy nghĩ theo hướng tích cực như mong muốn những gì tốt đẹp hơn trong xã hội, để con em mình được thực sự học tập trong một môi trường giáo dục toàn diện về văn-thể-mỹ, đào tạo thành những con người có đầy đủ phẩm chất và nhân cách.

Gần đây, trong chương trình Ký ức vui vẻ của đài truyền hình VTV phát hôm thứ Bảy (22/3), NSND Tự Long tham gia chương trình cũng chia sẻ một ký ức đáng chú ý về thời đi học của anh là trong thời anh mới đi học cũng từng bị thầy giáo xử lý "nóng" bằng cách phạt đánh vào tay vì để mực giây bẩn, rồi bị thầy phạt đánh vào mông. "Đó là những việc bình thường" thời đó, tại sao giờ mọi người lại lên án những hành vi như vậy gay gắt đến thế? Phải chăng quan niệm và suy nghĩ về những hành vi, chuẩn mực đạo đức người thầy đã thay đổi, hay chúng ta đã quá khắt khe với các nhà giáo thời nay?

Giáo dục nếu không xiết từ đầu thì khó có được người thầy long lanh - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: TTXVN

Cũng những cách xử sự như vậy giữa thầy với trò thôi mà cuối năm 2018, đầu năm 2019 đã tạo 'sóng' trong ngành giáo dục và đã được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, xử lý sai phạm như vụ việc thầy giáo uống rượu rồi vỗ mông, sờ đùi 14 nữ sinh lớp 5 tại Bắc Giang, hay thầy giáo phạt đánh vào mông học sinh ở An Giang… 

Cũng cần phải nói rằng quan niệm của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, hiện nay đã có những thay đổi và phải chăng những thay đổi này cũng gây ảnh hưởng mạnh tới ngành giáo dục. Chẳng hạn các bạn học sinh đang thần tượng Khá 'Bảnh', một thanh niên từng có quá khứ bất hảo với hàng loạt sai phạm mà chỉ cách đây vài ba ngày, người này đã phải chịu nộp phạt 5,5 triệu đồng và tước bằng lái xe hai tháng vì hành vi dừng xe chụp ảnh tại đường cấm dừng đỗ, gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông, khiến nhiều người phải thốt lên: Không hiểu ngành giáo dục nghĩ gì về hiện tượng này?

Giáo dục nếu không xiết từ đầu thì khó có được người thầy long lanh - Ảnh 3.

Buồn về những vụ việc tiêu cực, xảy ra liên tục trong ngành giáo dục Việt Nam hiện nay là câu trả lời khi được hỏi về cảm giác trước những gì đang xảy ra trong ngành giáo dục của nhà văn Uông Triều. Là người luôn quan sát và có những bình luận trước các vụ việc xảy ra trong xã hội thu hút hàng trăm lời nhận xét trên mạng xã hội facebook, nhà văn này không ngần ngại chia sẻ những ấn tượng về giáo dục không mấy tốt đẹp hiện nay.

Để phần nào làm rõ thêm căn nguyên những ấn tượng không mấy tốt đẹp đối với ngành giáo dục, phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với nhà văn Uông Triều và nhận được những câu trả lời khá thẳng thắn.

- Dường như những sự việc xảy ra trong ngành giáo dục đều thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người và luôn là chủ đề nóng của các diễn đàn, tại sao lại như vậy thưa nhà văn?

+ Trong xã hội, giáo dục là một lĩnh vực rất cao quý, các gia đình cũng đổ nhiều tiền của, công sức, kỳ vọng đối với con em mình nên khi có sự việc (dù là rất nhỏ) xảy ra là mọi người đã cảm thấy bức xúc, nặng nề. Đây có lẽ là một "bất công" với giáo dục bởi những ngành khác như kinh tế, nông nghiệp… cũng có rất nhiều vấn đề.

Công bằng mà nói, nếu xét trong những phạm vi cụ thể của ngành này như đội ngũ giáo viên, vấn đề tiền lương giáo viên hiện nay quá thấp, áp lực dạy học, số tiết lên lớp… rồi chúng ta có một câu cửa miệng "trăm sự nhờ thầy cô" khi gửi gắm con em mình cho giáo viên, áp lực sĩ số khi quy định lớp học tiêu chuẩn chỉ khoảng 30 học sinh mà trong năm học này báo chí đưa tin có những lớp học sĩ số lên đến 60, 70 học sinh/lớp. Cộng hưởng tất cả những yếu tố đó lại sẽ thấy rõ. Hệ quả của giáo dục hiện nay không chỉ riêng ngành giáo dục mà còn của nhiều yếu tố khác tác động vào nên nhìn đâu chúng ta cũng thấy những cái không vừa mắt, từ sửa bài thi, sửa điểm thi, thầy cô giáo không có những hành vi đúng chuẩn mực của nhà giáo.

- Thế hồi anh bắt đầu đi học, không nói đâu xa nhìn lại nền giáo dục Việt Nam thời những năm 1980-90, nhà văn thấy môi trường giáo dục khi đó thế nào?

+ Rõ ràng thời gian đó giáo dục chịu ít áp lực hơn giờ, chẳng hạn khi đó mọi người không quá áp lực về điểm số, thầy cô cũng không phải chịu nhiều sức ép về kinh tế nên học sinh khi đó ít chịu sức ép, đặc biệt là vùng sâu vùng xa không có chuyện chạy điểm, cùng lắm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đến thăm thầy cô để tỏ lòng biết ơn người thầy đã dạy mình nên người cũng chỉ có bó hoa hoặc bộ ấm chén. Mọi người đến với nhau bằng tình cảm chân thành nên không có áp lực, thầy cô giáo đối với học trò cũng rất hòa nhã. Quan hệ thầy trò thời đó cũng khá bình đẳng, thầy cô cũng nghiêm khắc hơn giờ. Thêm vào đó, các thầy cô cũng không phải chịu nhiều sức ép của truyền thông như hiện nay, ít bị ảnh hưởng bởi tiêu cực trong xã hội nên học trò trước cũng rất ngoan.

Nhìn chung tôi thấy môi trường giáo dục bình yên và trong sáng hơn hiện giờ.

- Vâng, rõ ràng là có sự khác biệt đáng kể trong lĩnh vực giáo dục thời trước với hiện tại, quan hệ thầy-trò thì tôi nghĩ thời nào cũng vậy, ai cũng trải qua từng đấy cấp học với các chương trình học, vậy theo anh thì vì đâu có sự khác biệt này?

+ Theo tôi có lẽ chúng ta đang chỉ nhìn vào chặng cuối cùng của cả một quá trình mà thiếu đi sự suy xét thấu đáo về nguồn cơn của quá trình đó. Chúng ta không nhìn từ giai đoạn mầm non, tiểu học, trung học, rồi cao đẳng, đại học… của những con người đó, rồi quá trình xin việc thế nào, có phải mất tiền để chạy việc hay không… mà chỉ thấy việc thầy cô giáo sửa điểm thi để lấy tiền, việc học sinh miền núi phải chạy điểm để vào các trường học có điểm đầu vào cao trong khi các em đó có điều kiện học hành kém hơn các em ở những khu vực thành thị… Nói thế không phải để bao biện nhưng theo tôi, giáo dục cũng như các ngành khác, chúng ta cần phải nhìn nhận trên cả một quá trình, nếu không xiết đạo đức từ khởi đầu các cấp học, rồi trong trường sư phạm thì cũng khó đòi hỏi một người thầy phải "long lanh" được.

- Không phải để bao biện nhưng cũng không thể chấp nhận những người thầy giáo cầm roi đánh học sinh, hay những người giáo viên có những hành vi xúc phạm thân thể, nhân phẩm học sinh được?

+ Đúng là những hành vi như thế này trong môi trường giáo dục hiện nay đang bị xã hội lên án. Tuy nhiên thời tôi học cũng từng có những học sinh bị thầy giáo đánh vào tay do nghịch ngợm quá, có lẽ thời trước mọi người nghĩ đó là những hành động thuần về giáo dục, không phải chịu sức ép nào cả từ truyền thông tới phụ huynh học sinh, quan hệ khi đó ở mức vô tư hồn nhiên. Chứ giờ mọi thứ chúng ta đều quy kết, xoi mói và cho rằng mọi hành động đều có động cơ gì đó đằng sau nên sẽ dẫn đến những phản ứng tệ như vậy.

"Nhìn chung môi trường giáo dục thời những năm 1980-90 bình yên và trong sáng...

Nhà văn Uông Triều

- Theo anh thì việc này có liên quan gì tới cách tiếp cận với giáo dục của mọi người trong xã hội hiện nay không?

+ Tôi thấy có liên quan đến cách ứng xử, văn hóa ứng xử của chúng ta, nếu không tính những người đang làm trong ngành giáo dục hoặc đã từng theo học các trường sư phạm, thì phần lớn các bậc cha mẹ đều không được đào tạo hoặc có kiến thức về ngành sư phạm. Thế nhưng những người này lại đang suy xét các vấn đề về ngành giáo dục. Thêm vào đó người Việt lại rất trọng phần tình cảm nên khi xảy ra các vụ việc, tất cả lại trở thành những "nhà giáo" để phán xét về vụ việc, nên dẫn đến tình trạng như hiện nay chúng ta đang thấy.

- Vậy có cách nào để hạn chế được những điểm tối trong bức tranh toàn cảnh về giáo dục hiện nay không, thưa nhà văn?

+ Tôi thấy để những sự việc không mấy tốt đẹp như vừa rồi xảy ra là do chúng ta đã không giải quyết tận gốc rễ vấn đề mà chúng ta đang xử lý theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa". Chẳng hạn vấn đề lương giáo viên vẫn chưa giải quyết thỏa đáng nên thầy giáo vẫn phải tìm cách xoay sở, dạy thêm, làm thêm, hoặc chất lượng giáo dục cũng thế, nếu một thầy dạy 30 học sinh một lớp (theo tiêu chuẩn) thì sẽ khác một thầy phải dạy 40 học sinh, lấy đâu ra thời gian để thầy quan tâm từng em được. Rồi tâm lý của cha mẹ học sinh, nhiều người vẫn thường hỏi con cái những câu cửa miệng như "con đi học được bao nhiêu điểm, con có muốn đủ điểm để đỗ vào trường nọ trường kia không…" mà chẳng bao giờ hỏi con có thích học bài này không, nay con đi học có gì thú vị không… khiến cho con trẻ rất áp lực với việc học hành, thành tích, để đạt được mong ước của cha mẹ.

Thế nên dù chúng ta có trừng phạt như vậy khi chưa xử lý rốt ráo vấn đề từ cấp thấp nhất như đào tạo giáo viên sư phạm, giảm áp lực đối với giáo viên, xóa bệnh thành tích trong giáo dục… thì chừng đó vẫn sẽ có các vụ việc tiêu cực xảy ra.

Để thoát khỏi tình trạng này, tôi nghĩ cần phải có những hành động quyết liệt, những con người thực sự tâm huyết và có tầm đối với giáo dục. Thêm vào đó, tâm lý xã hội đối với giáo dục cũng cần phải có những thay đổi, có những nhìn nhận tích cực hơn, đúng với bản chất vụ việc và bình tĩnh hơn trước những vụ việc. Các phụ huynh học sinh cần phải được trang bị và tự trang bị cho mình những kiến thức sư phạm thì chúng ta mới có thể góp phần cải thiện tình trạng này.

Khánh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ