• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giáo dục nghề nghiệp trước yêu cầu hội nhập quốc tế

Giáo dục 20/09/2019 17:44

(Tổ Quốc) - Sáng 20/9, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo Giáo dục 2019 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”.

Tham dự Hội thảo có ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH; cùng trên 200 đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại biểu Quốc hội; đại diện một số Bộ, ngành; các tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp cái nhìn tổng thể, rõ nét về thực trạng giáo dục nghề nghiệp hiện nay; tập trung phân tích kỹ nguyên nhân của thành công cũng như hạn chế tồn tại của hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đề xuất những giải pháp phù hợp, khả thi và hiệu quả cho việc phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn tới đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Kết quả hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát và quyết định chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Toàn-cảnh-hội-thảo--Khánh-Duy

Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2019

Phát biểu tại Hội thảo, ông Uông Chu Lưu khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn coi phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư giáo dục là đầu tư phát triển. Triển khai Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, năm 2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật giáo dục nghề nghiệp với nhiều đổi mới quan trọng và đột phá như hợp nhất các trình độ đào tạo; đổi mới về tổ chức và quản lý đào tạo, về chính sách cho người học, nhà giáo và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa, tăng cường sự phối hợp, tham gia của doanh nghiệp, người sử dụng lao động vào hoạt động đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động và xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hoá - những xu thế vừa là thời cơ, vừa là thách thức - giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Từ những thành công của các Hội thảo trước, năm nay, việc lựa chọn chủ đề Hội thảo "Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế" là chủ đề vừa có ý nghĩa cụ thể, thiết thực vừa mang tầm vĩ mô, gắn với hoạt động hoạch định chính sách, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thiện thể chế và chính sách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Phan Thanh Bình cho rằng, hiện nay, có 3 mũi đột phá phát triển đất nước, trong đó nguồn nhân lực là yêu cầu lớn. Trong nguồn nhân lực này, khi nước ta đang phát triển thì lao động có tay nghề là cực kỳ quan trọng.

Năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực từ 2015. Năm 2017, văn bản chính thức về quản lý giáo dục nghề nghiệp đã được khẳng định và Chính phủ giao cho Bộ LĐ-TBXH quản lý lĩnh vực này. Từ đó đến nay, chúng ta đã sắp xếp lại hệ thống văn bản, bộ máy... Tuy nhiên, để làm tốt hơn thời gian tới, rõ ràng, giáo dục nghề nghiệp cần được định vị đúng và cần có chiến lược quốc gia về phát triển giáo dục nghề nghiệp...

Hội thảo là dịp để nhìn rõ thực trạng giáo dục nghề nghiệp, từ đó, góp phần hoàn thiện chính sách, hoàn thiện công tác quản lý và nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực. Hy vọng qua hội thảo sẽ tập hợp các chuyên gia và những người trong cùng lĩnh vực, tạo suy nghĩ chung, cùng cộng hưởng, phát triển giáo dục nghề nghiệp...

Hội thảo bao gồm 3 phiên chính: Phiên khai mạc; Phiên những vấn đề chung; Phiên chuyên đề tập trung vào các nội dung bao gồm: Thể chế giáo dục nghề nghiệp; Giáo dục nghề nghiệp và Doanh nghiệp; Bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Sau phiên khai mạc chính thức, Hội thảo có 3 phiên theo 3 chủ đề.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu ra các quan điểm, xu hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; phân tích hệ thống chính sách, pháp luật và yêu cầu đặt ra đối với việc nâng cao chất lượng thể chế giáo dục nghề nghiệp; phân tích, làm rõ những yêu cầu, thách thức đặt ra đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trước bối cảnh biến động nhanh chóng và khó lường của thị trường lao động và việc làm dưới sự tác động của cách mạng khoa học kỹ thuật; đổi mới giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm chất lượng đào tạo nghề trong bối cảnh hội nhập quốc tế...

Theo: Gdnn.gov.vn

NỔI BẬT TRANG CHỦ