Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Xung quanh việc doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất làm siêu dự án Khu du lịch tâm linh ở chùa Hương, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền. Ông cho rằng, không nên xây chùa to, khoe mẽ vì điều đó không phù hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam.

PV: Thưa giáo sư, vừa qua doanh nghiệp Xuân Trường có đề xuất dự án Khu du lịch tâm linh Hương Sơn ở khu vực chùa Hương với phạm vi hơn 1500 ha, tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng. Theo quy định dự án nằm ở khu vực có Di tích quốc gia đặc biệt và nguồn vốn lớn hơn 10.000 tỷ đồng thì dự án là dự án nhóm A, sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Theo quy định thì ở khâu đề xuất dự án, doanh nghiệp có cần phải xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch không, thưa giáo sư ?

Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền: Văn hóa Việt không nên lấy cái to, khoe mẽ làm trọng - Ảnh 1.

GS. Trần Lâm Biền: "Văn hóa Việt không nên lấy cái to, khoe mẽ làm trọng"

GS. Trần Lâm Biền: Hương Sơn (núi thơm) hiện nay mới được công nhận là di sản quốc gia đặc biệt. Mọi việc động đến khu vực này chắc chắn phải được Thủ tướng cho phép và cần có ý kiến đồng ý từ phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng đây khu Hương Sơn là đất của đức Phật, nó phải gần với thiên nhiên bởi đích đến của tư tưởng Phật giáo càng gần với hồn nhiên của vũ trụ thì gần với chân lý. Khi mà tác động của con người quá nhiều thì Hương Sơn sẽ mất thơm thì tư tưởng Phật giáo sẽ bị bào mòn, tính trần tục được đề cao. Khó thể lấy yếu tố du lịch tâm linh nhằm "dày vò" tâm hồn của đạo pháp.

PV:  Theo báo cáo thuyết minh dự án, doanh nghiệp đề xuất xây dựng hàng loạt công trình với quy mô xây dựng lớn như tháp cao 100 m, nhiều chùa mới, các khu nhà hàng, khách sạn, bảo tàng…Giáo sư có quan điểm gì về vấn đề này?

"Khu Hương Sơn là đất của đức Phật, nó phải gần với thiên nhiên bởi đích đến của tư tưởng Phật giáo càng gần với hồn nhiên của vũ trụ thì gần với chân lý".

GS. Trần Lâm Biền

GS Trần Lâm Biền: Trong tu bổ di tích thì có quyền tôn tạo nhưng không thể núp bóng việc tâm linh để làm một cách ẩu tả.

PV: Tại nhiều công trình mang kiến trúc Phật giáo của doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng và đề xuất luôn xuất hiện những hạng mục to lớn gắn với tầm quốc gia, quốc tế. Là một nhà nghiên cứu văn hóa lâu năm, theo giáo sư điều này có đúng với chân lý, tư tưởng nhà Phật và nó có gắn liền với văn hóa truyền thống của người Việt, thưa giáo sư ?

GS Trần Lâm Biền: Nước mình là một nước nhỏ, dân tộc Việt là dân tộc sống thuần hậu, nghệ thuật truyền thống dựa trên nền tảng lấy cái tinh làm trọng, chứ không phải lấy cái to lớn làm trọng. Văn hóa mình chú ý tới duyên dáng, nhịp nhàng đầy chất trữ tình phản ánh đúng tâm hồn của người Việt uyển chuyển, êm đềm chứ không phải tính khoe mẽ. Người Việt không muốn đẩy thần linh lên cao đó là vì sao người Việt không xây dựng kiến trúc vươn theo chiều cao, nay lại xây dựng kiến trúc theo dạng này thì đi ngược lại bản sắc văn hóa dân tộc.

xt thap
xt thap
xt nha hang
xt nha hang

Một số hạng mục xây dựng tại Khu du lịch tâm linh Hương Sơn do doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất


Con người càng khoe mẽ bao nhiêu thì con người càng xa đạo bấy nhiêu không thể lấy vật chất để ca tụng đạo được vì đạo Phật là hệ triết học chú ý tới bản thể, cốt lõi, phi vật chất chứ không phải là vật chất. Phật giáo chú trọng tới cao siêu của tuệ và tâm chứ không phải là vật chất bởi vật chất càng to thì càng xa đạo, đây chính là lý do mà nhà Phật nói "hảo tự ố tăng".

"Văn hóa mình chú ý tới duyên dáng, nhịp nhàng đầy chất trữ tình phản ánh đúng tâm hồn của người Việt uyển chuyển, êm đềm chứ không phải tính khoe mẽ".

GS. Trần Lâm Biền

PV: Theo đề án doanh nghiệp đề xuất, sẽ có hai trạm thu phí ở hai đầu di tích chùa Hương (đầu giáp Hà Nội và Hà Nam) khiến dư luận lo ngại về việc thương mại hóa di tích, đi lễ chùa phải trả tiền như DN Xuân Trường từng thực hiện ở các dự án khác và biến các di sản gắn với tiềm thức của cộng đồng nay trở thành của riêng cá nhân, giáo sư có quan điểm gì về vấn đề này?

GS Trần Lâm Biền: Đấy là kinh doanh, chuyện đó xin nhường lại cho các nhà quản lý trả lời. 

Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền: Văn hóa Việt không nên lấy cái to, khoe mẽ làm trọng - Ảnh 5.

PV: Theo đề án doanh nghiệp đề xuất, doanh nghiệp sẽ nạo vét, khơi thông dòng Suối Yến để chảy về hồ Tam Chúc khiến dư luận lo ngại về việc phá vỡ phong thủy, tâm linh, địa chất. Việc nạo vét có nên không thưa giáo sư ?

GS Trần Lâm Biền: Chắc chắn sẽ động chạm. Bởi Suối Yến nó chảy từ bến Đục đến Hương Sơn tức là từ đời vào đạo, đạo ở đây là thanh cao, trở về với nguyên sơ của vũ trụ, chất lý tuyệt đối của tâm hồn, cao hơn hết nói theo nhà Phật là "lậu tận thông" , khi  nạo  thì con suối ấy trở thành dòng Đục chứ không còn là thanh nữa bởi vì không gắn với tự nhiên. Một khi nạo vét thì phải bảo vệ nó, con suối đây là dòng Cam Lồ chảy từ Hương Sơn đất Phật để làm trong sạch cuộc đời, chảy từ trong ra ngoài  bến Đục. Nếu giờ nạo nó thì lại thành dòng bến Đục chảy từ bên ngoài vào đất Phật làm phá hoại cái tâm hồn Phật giáo vốn gần gũi tâm hồn của tổ tiên ta.

Cái suối kia chỉ là của riêng chùa Hương, không phải là đường giao thông. Đi trên suối Yến người ta cảm giác đi vào con đường tâm linh truyền thống. Nhận thức của những người yêu quý chùa Hương thì người ta thấy rằng mỗi mái chèo là bước đi của con đường trên con đường giác ngộ chứ không phải nó thông từ chỗ này đến chỗ khác.

PV: Trân trọng cảm ơn giáo sư! 

Minh Cường