• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giáo sư Phan Huy Lê: Một đời nặng lòng với lịch sử, văn hóa Hà Nội

25/06/2018 09:38

Tuy không sinh ra tại Thủ đô Hà Nội nhưng cố giáo sư Phan Huy Lê đã sống và gắn bó quá nửa đời người với mảnh đất ngàn năm văn hiến này.

Tuy không sinh ra tại Thủ đô Hà Nội nhưng cố giáo sư Phan Huy Lê đã sống và gắn bó quá nửa đời người với mảnh đất ngàn năm văn hiến này.

Năm 2011, Giáo sư Phan Huy Lê được trao Giải thưởng Lớn - Giải thưởng Bùi Xuân Phái Vì tình yêu Hà Nội. (Ảnh: TTVH)

Trước khi rời cõi tạm (ngày 23/6), bên cạnh những cống hiến chung trong việc tổng kết lịch sử dân tộc, đi tiên phong trong việc đổi mới tư duy, phương pháp nghiên cứu lịch sử, cố giáo sư Phan Huy Lê đã có những đóng góp quan trọng, thể hiện dấu ấn riêng đối với lịch sử, văn hóa Thăng Long-Hà Nội.



Lần đầu và mãi mãi



Nhà sử học Lê Văn Lan kể, sinh thời, trong những phút thư thả sau giờ lên lớp, hội thảo khoa học hay những lúc tranh luận học thuật, cố giáo sư Phan Huy Lê vẫn ôn lại những kỷ niệm ngày đầu đặt chân tới Hà Nội. “Có lẽ, ngày đó, chính giáo sư Phan Huy Lê cũng nghĩ rằng, suốt quãng đời còn lại, ông ấy lại gắn bó và nặng nợ với mảnh đất này đến vậy,” nhà sử học Lê Văn Lan nói.



Năm 1954, sau ngày Giải phóng Thủ đô, sinh viên Phan Huy Lê ra Hà Nội theo học ngành Sử-Địa (Đại học Sư phạm). “Ông ấy kể, thời kỳ đó, từ Thanh Hóa về Hà Nội, cả đoàn sinh viên phải đi bộ khoảng năm, sáu ngày. Ấy vậy mà, khi vừa đặt chân tới Thủ đô, không ai cảm thấy mệt mỏi, tất cả đều thấy trong lòng trào dâng cảm xúc hân hoan, vui sướng và quyết định đi quanh Bờ Hồ một vòng. Đó là lần đầu ông đặt chân tới Thủ đô và từ đây đến mãi mãi về sau, ông gắn bó với nơi này,” nhà sử học Lê Văn Lan chia sẻ.



Từ ngày ấy, cố giáo sư Phan Huy Lê sống và gắn bó với “mảnh đất rồng bay” đến khi trút hơi thở cuối cùng. Ông đã dành cả cuộc đời để lần giở, tìm tòi, nghiên cứu, đối chiếu và tôn vinh những giá trị (cả vật chất lẫn tinh thần) mà cha ông đã sáng tạo nên bằng cả máu và nước mắt…



Trong căn phòng làm việc của ông vẫn luôn treo một tấm bản đồ cổ Hà Nội và ông vẫn luôn đau đáu về truyền thống văn hóa, lịch sử của đất kinh kỳ. Cố giáo sư Phan Huy Lê là chủ biên của nhiều công trình nghiên cứu uy tín về Hà Nội như: “Địa bạ cổ Hà Nội,” “Lịch sử Thăng Long-Hà Nội”…



Sinh thời, cố giáo sư luôn nhấn mạnh vai trò, vị trí của Hà Nội trong tiến trình lịch sử dân tộc. Từ thế kỷ 3 trước Công nguyên, vùng đất Cổ Loa đã là kinh đô của nhà nước Văn Lang-Âu Lạc. Từ năm 1010 tới nay, ngoại trừ giai đoạn nhà Tây Sơn (1788-1802) và nhà Nguyễn (1802-1945), Hà Nội luôn được lựa chọn là “trái tim” của cả nước. Bởi vậy, nơi đây lắng đọng nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc với khối lượng di sản văn hóa đồ sộ.



Năm 2010, cố giáo sư Phan Huy Lê được vinh danh là Công dân ưu tú Thủ đô. Năm 2011, ông được trao Giải thưởng Lớn - Giải thưởng Bùi Xuân Phái Vì tình yêu Hà Nội (Báo Thể thao và Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam).

 

Tìm lại “nền cũ lâu đài”

Nghe tin giáo sư Phan Huy Lê rời xa cõi tạm, phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam) nghẹn giọng: “Dẫu biết không ai tránh được vòng sinh-lão-bệnh-tử nhưng tin giáo sư qua đời vẫn khiến tôi cảm thấy bàng hoàng tâm can Còn nhớ, hồi tháng Tư vừa rồi, ông vẫn còn đủ sức để đi cùng chúng tôi xuống hố khai quật khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long để quan sát, chụp ảnh tư liệu và bàn luận, trao đổi công việc. Ấy vậy mà…”



Trong tâm thức của ông Tống Trung Tín kể, giáo sư Phan Huy Lê là người rất cởi mở, bao dung, điềm đạm, khiêm nhường, ham học hỏi và luôn nhiệt huyết với công việc dù đã ở tuổi bát tuần.



“Giáo sư vẫn luôn căn dặn lớp hậu sinh chúng tôi, khi đề cập tới lịch sử dân tộc, yêu cầu đầu tiên là phải chính xác, tôn trọng tuyệt đối sự thật; bàn về những vấn đề của quá khứ thì phải dựa trên những phương pháp, kết quả nghiên cứu và bằng chứng cụ thể. Dù là một sử gia đầu ngành nhưng ông không hề ngần ngại hỏi lại, trao đổi với những đồng nghiệp, bạn bè và học trò của mình về các khúc mắc, những vấn đề chưa rõ,” phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín chia sẻ.



Với riêng Hà Nội, một trong những vấn đề mà cố giáo sư luôn đau đáu là việc bảo tồn và phát huy giá khu di sản Hoàng Thành Thăng Long.



Theo ông Tống Trung Tín, cố giáo sư Phan Huy Lê đã dành rất nhiều tâm sức cho vấn đề này. Ông luôn là người có những kiến nghị xác đáng để bảo tồn khu di sản này. Cố giáo sư đã nỗ lực hết mình cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế, để hoàn thiện hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới.



Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam kể, công việc xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Hoàng Thành Thăng Long là di sản thế giới bắt đầu từ năm 2006. Hồ sơ được hoàn chỉnh, trình UNESCO theo đúng thời hạn (trước 30/9/2018) và được đánh giá cao. Quá trình làm việc với đoàn chuyên gia thẩm định vào tháng 10/2009 cũng đạt kết quả tốt. “Lúc đó, tưởng chừng phần thắng đã nằm chắc trong tay. Tuy nhiên, một bất ngờ lớn xảy đến,” ông Tống Trung Tín nói.

Một số công trình khoa học tiêu biểu của cố giáo sư Phan Huy Lê. (Ảnh: TTXVN).

ICOMOS (Trung tâm Quốc tế về di tích và di chỉ của UNESCO) gửi đề nghị hoãn công nhận di sản thế giới với Hoàng Thành Thăng Long. Lúc này, giáo sư Phan Huy Lê lại cùng các cộng sự nghiên cứu cẩn trọng báo cáo của ICOMOS để giải trình những kiến nghị trong đó một cách khoa học, thuyết phục nhằm bảo vệ hồ sơ đề cử.



Kết quả, tại kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Braxin (ngày 31/7/2010), Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội được công nhận là Di sản văn hóa thế giới với sự đồng thuận của 21/21 thành viên Ủy ban di sản thế giới.



Bên cạnh đó, cố giáo sư Phan Huy Lê còn có những đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Hội Gióng và Bia tiến sỹ Văn Miếu-Quốc Tử Giám là di sản thế giới.



“Cố giáo sư Phan Huy Lê là một người thầy mẫu mực, tấm gương lớn cho lớp hậu sinh về trong cả công việc và cuộc sống. Di sản mà cố giáo sư để lại là một tài sản vô giá trong việc nghiên cứu, tổng kết lịch sử dân tộc,” phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín bày tỏ.

 Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê sinh ngày 23/2/1934 tại Thạch Châu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Ông là hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ Phan Huy vốn nổi danh về khoa bảng với những tên tuổi lớn như Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú…



    Giáo sư Phan Huy Lê cùng với giáo sư Đinh Xuân Lâm (1925-2017), giáo sư Trần Quốc Vượng (1934-2005) và giáo sư Hà Văn Tấn (sinh năm 1937) được coi là “tứ trụ” của ngành khoa học lịch sử Việt Nam: “Lâm-Lê-Tấn-Vượng.”



    Ông được Nhà nước phong hàm giáo sư đợt đầu tiên (năm 1980); danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (năm 1994); Giải thưởng Nhà nước (năm 2000). Giáo sư Phan Huy Lê cũng là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế văn hóa châu Á Fukuoka (năm 1996).



    Năm 2000, ông đã được trao giải thưởng Nhà nước về khoa học - công nghệ với tác phẩm “Tìm về cội nguồn”. Năm 2016, giáo sư Phan Huy Lê được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học với công trình “Lịch sử và Văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận.”



    Giáo sư Phan Huy Lê từ trần ngày 23/6 tại Hà Nội. Lễ viếng và truy điệu giáo sư Phan Huy Lê sẽ được tổ chức từ 7 giờ 30 đến 10 giờ ngày 27/6/2018 (tức ngày 14/5 năm Mậu Tuất) tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ an táng tổ chức tại Công viên Nghĩa trang Vĩnh Hằng, Hà Nội vào lúc 13 giờ cùng ngày.

Theo Vietnam+

NỔI BẬT TRANG CHỦ