• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giáo viên đã sẵn sàng đổi mới?

Thời sự 18/12/2013 08:34

(Toquoc)- Sau 2015, chương trình-sách giáo khoa (CT-SGK) sẽ được thay mới. Giáo viên liệu đã sẵn sàng?

(Toquoc)-  Sau 2015, CT-SGK sẽ được thay mới. Theo thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thì CT-SGK từ lần đổi mới 2002 ngay từ đầu đã bộc lộ những bất cập hạn chế.  Vì sao CT-SGK 2002 không đạt như ý muốn? Giáo viên liệu đã sẵn sàng để chuẩn bị cho CT-SGK mới?



>>Yếu tố quyết định chất lượng giáo dục vẫn là ông thầy


>>Thách thức từ chính đội ngũ giáo viên



Thất bại vì chỉ sửa “ngọn”

CT-SGK sau 2002  đến nay đã được hơn 10 năm. Tuy nhiên, kết quả vẫn không đạt được như những gì mà ngành giáo dục mong đợi. Mục tiêu giảm tải cho học sinh, hạn chế tình trạng học thêm dạy thêm dường như thất bại hoàn toàn. Điều này một phần xuất phát từ CT-SGK nhưng cũng có phần không nhỏ từ công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên của Bộ GD-ĐT

Cô Nguyễn Minh Tâm, giáo viên Anh Văn, Trường phổ thông cơ sở Ngô Gia Tự (Hà Nội) cho biết, trong đợt đổi mới chương trình sau 2002, một số cán bộ chuyên trách bộ môn trong trường được cử đi học xong về phổ biến lại.

Chương trình giảng dạy được thay đổi, giáo án cũng được thay đổi theo khung chung của giáo viên chuyên trách bộ môn.

Nhưng theo cô Tâm, giáo viên chỉ đi tập huấn 1-2 buổi thì không thể nào đủ được với một khối lượng lớn chương trình được thay đổi.

“Làm như thế không khác gì chỉ sửa trên ngọn mà không sửa gốc”- cô Tâm chia sẻ.



Sau 2015, CT-SGK sẽ được thay mới. Giáo viên liệu đã sẵn sàng để chuẩn bị cho CT-SGK mới?

Lãnh đạo một trường phổ thông ở Hà Nội còn khẳng chương trình cải cách trong sách giáo khoa còn nhiều vấn đề. Vị hiệu trưởng này cho hay: “lượng kiến thức ở SGK truyền tải cho học sinh hơi nặng, đồng thời nặng về lí thuyết , nhẹ thực hành. Thêm nữa, việc hình thành kĩ năng của học sinh ở các cấp dưới còn chưa được chú trọng”.

Cũng theo vị hiệu trưởng này để hình thành kĩ năng cần phân luồng theo từng cấp: ở cấp tiểu học, hình thành nhân cách, đưa học sinh tiếp cận với các môn học; ở cấp  THCS , tiếp tục giáo dục nhân cách đồng thời hướng sở thích của học sinh theo các môn; ở cấp  THPT, mới phân ban và phát triển học sinh theo các môn học.

Đồng quan điểm này, một hiệu trưởng ở Móng Cái cũng cho biết  học sinh hiện nay rất thiếu kỹ năng, lười hơn, thiếu chủ động, hiếm khi bỏ thời gian ôn tập lại, tiếp thu bài, bên cạnh đó các trường luôn cố tạo thành tích.

“Các trường luôn cố gắng đẩy học sinh, kể cả học sinh không đủ điều kiện lên để lấy thành tích. Theo tôi, chỉ có khoảng 70-80% học sinh là đạt đủ điều kiện, còn 20-30% là phải học lại lớp 1. Thế mới có chuyện học sinh lớp 6 còn chưa biết đọc biết viết !”- vị hiệu trưởng này cho biết.

Thực tế, theo các nhà quản lý giáo dục, nói học sinh kém kĩ năng thì cũng không hẳn là vậy, so với học sinh ngày trước thì học sinh hiện tại tiếp thu tốt hơn. Chương trình đổi mới cũng giúp học sinh chủ động hơn trong học tập.

Liệu giáo viên đã sẵn sàng?

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo sau năm 2015 đang được triển khai và đưa vào áp dụng. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt đến trình độ tiên tiến trong khu vực.

Nhưng với những vướng mắc còn sót lại từ cải cách giáo dục lần hai năm 2001-2002, liệu giáo viên đã sẵn sàng cho cuộc đổi mới tiếp theo này chưa?

Đứng trước đề án đổi mới CT-SGK  đang chuẩn bị triển khai, cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên một trường ở Móng Cái cho biết, cô cùng một số giáo viên đã đi tập huấn 1-2 buổi, tham gia vào việc góp ý, sửa đổi. Nhưng hiện tại, nhà trường và giáo viên vẫn chưa có chuẩn bị gì.

Cũng trong tình trạng chung, cô Phạm Thị Minh Hà, giáo viên Văn, trường Trung học cơ sở Thực Nghiệm (Hà Nội) cho biết: “Mặc dù từ đầu năm, lãnh đạo trường đã bắt rà soát lại chương trình sách giáo khoa để giáo viên có thể đóng góp ý kiến rồi xét và đề xuất sửa đổi, nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở đấy”.

Cô Hà cho hay, về phần giáo viên vẫn chưa có chỉ đạo cụ thể nào.

Cùng trong tình trạng lửng lơ, cô Nguyễn Minh Tâm cho biết, giáo viên trường mình vẫn đang sử dụng giáo trình cũ và thụ động dạy, học sinh thì vẫn thụ động tiếp thu.

Cô Tâm cho hay: “Hiện tại thì chưa có chuẩn bị gì. Giáo viên cũng chưa biết gì cả, việc các ông làm cứ làm, giáo viên không được tham gia ý kiến gì”./.

Bích Thủy

NỔI BẬT TRANG CHỦ