• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giấy phép con “hành” doanh nghiệp: “Mấy ông ngồi phòng lạnh thì biết gì thực tế?”

Kinh tế 26/03/2019 07:43

(Tổ Quốc) - Ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, Chủ tịch – Tổng giám đốc Công ty Nguyên Minh (Taxi Nguyên Minh) chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc như vậy khi đề cập đến thực trạng “giấy phép con” hiện nay.

Giấy phép con “hành” doanh nghiệp: “Mấy ông ngồi phòng lạnh thì biết gì thực tế?”  - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: KTĐT)

Ngày 28/3 tới đây, báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 sẽ được công bố. PCI là tập hợp tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam trong năm vừa qua. Có thể nói, dù các tỉnh thành luôn nỗ lực để được "nâng hạng" qua từng năm, nhưng dường như vấn đề còn tồn tại dai dẳng là tình trạng "giấy phép con". Nhiều quan điểm cho rằng, tình trạng này vốn là bài toán khó giải.

Hồi tháng 11/2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo "Công bố Báo cáo thực hiện nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp - góc nhìn của doanh nghiệp".

Kết quả quả khảo sát 10.000 doanh nghiệp dân doanh cho thấy, nhìn chung các doanh nghiệp cho rằng đã có sự cải thiện trong vài năm gần đây, nhưng mức độ cải thiện chưa đáng kể, chưa đồng đều ở giữa các lĩnh vực, các địa phương.

Có tới gần 60% doanh nghiệp phàn nàn về xin giấy phép kinh doanh có điều kiện (giấy phép con), trong đó 42% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi xin các loại giấy phép này.

Chẳng hạn, đối với giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan, chỉ có 49% doanh nghiệp nhận thấy lĩnh vực này có chuyển biến. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp phải thuê khoán dịch vụ, tư vấn thay vì đi làm trực tiếp.

Chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc về vấn đề này, ông Đoàn Lan, Giám đốc Công ty TNHH Đổi Mới chuyên về xuất khẩu thủ công mỹ nghệ cho biết, doanh nghiệp của ông được thành lập từ tháng 5/1991, có trụ sở tại Ninh Bình. Trải qua nhiều năm hoạt động nhưng đến nay vẫn vướng phải những vấn đề về thủ tục hành chính.

"Những năm trước đây khi làm thủ tục xuất nhập khẩu với hải quan, doanh nghiệp của tôi cũng gặp nhiều vướng mắc vì các thủ tục khá rắc rối. Tuy nhiên, khoảng 4-5 năm trở lại đây thủ tục hải quan đã đơn giản hơn rất nhiều, thông thoáng hơn. Dù vậy, đối với thủ tục hành chính tại các sở, ngành của tỉnh thì vẫn còn nhiêu khê, gây khó khăn cho doanh nghiệp", ông Đoàn Lan cho hay.

Ông Nguyễn Hồng Minh - Chủ tịch - Tổng giám đốc Công ty Nguyên Minh (Taxi Nguyên Minh) chia sẻ, tình trạng "giấy phép con" là vấn đề rất "đau đầu". Theo ông, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô dù đang sửa đổi nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc.

"Thủ tục cấp phù hiệu taxi trên từng đầu xe là một ví dụ về tình trạng "giấy phép con" bởi rất rắc rối. Để được cấp phù hiệu chúng tôi phải công chứng và trình rất nhiều loại giấy tờ như: bảo hiểm, thiết bị giám sát, quản lý doanh nghiệp… Có những giấy tờ chúng tôi đã được Bộ Giao thông – Vận tải cấp nhưng đến khi  đi cấp phù hiệu chúng tôi vẫn bị yêu cầu công chứng lại để nộp cho họ. Thiết nghĩ các đơn vị hành chính cần có sự liên thông về những thông tin này, tránh tình trạng cứ mỗi thủ tục lại phải nộp đi nộp lại một loại giấy tờ. Hay việc yêu cầu phải có bãi đỗ xe cũng là một trong những cản trở doanh nghiệp…", ông Nguyễn Hồng Minh nói.

Giấy phép con “hành” doanh nghiệp: “Mấy ông ngồi phòng lạnh thì biết gì thực tế?”  - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp)

Theo ông Minh, với quy định phải có bãi đỗ xe, chúng tôi có thể đi thuê nhưng tôi cho rằng quy định này sẽ gây ra tình trạng đối phó từ doanh nghiệp. Ví như, một bãi đỗ xe trong thành phố có thể làm hợp đồng cho thuê đối với nhiều hãng taxi khác nhau để các hãng taxi có giấy tờ đối phó với cơ quan chức năng.

"Còn nếu chúng tôi có bãi đỗ xe rộng hàng trăm, hàng nghìn m2 trong thành phố thì chúng tôi đã xây văn phòng, căn hộ cho thuê chứ không phải để làm bãi đỗ xe", ông Minh cho hay.

Đại diện này cũng cho biết thêm, những phiền hà này ông đã nhiều lần trình bày tại các buổi góp ý, lấy ý kiến đóng góp từ phía doanh nghiệp nhưng rồi cũng chỉ để đó. "Chúng tôi là doanh nghiệp thì mới thấy nhiều thủ tục phức tạp chứ mấy ông ngồi phòng lạnh thì biết gì đâu?", ông Nguyễn Hồng Minh bức xúc nói.

Với doanh nghiệp start-up cũng vậy, ông Bùi Hải Nam – Giám đốc điều hành Dự án PowerSell của Datamart – Quán quân Start-up Việt 2018 từng cho Báo điện tử Tổ Quốc biết, ông có thời gian làm việc tại Singapore. Tuy nhiên sau đó, ông đã quyết định về Việt Nam khởi nghiệp.

Ông chia sẻ, thời gian đầu khởi nghiệp, vấn đề khó khăn nhất là mất nhiều thời gian vào các thủ tục như thuế và nhiều các thủ tục khác. Đáng nói là để hoàn thiện các thủ tục hành chính này tại Việt Nam phải mất từ 1 tháng – 1,5 tháng trong khi tại Singapore, vấn đề này chỉ mất 2 giờ đồng hồ là xong.

Liên quan đến tình trạng "giấy phép con", chiều 21/2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ. Kết luận Hội nghị, Thủ tướng đã đánh giá cao việc phát hiện, xử lý hiện tượng "gói ghém, ẩn náu" lợi ích cục bộ của một bộ phận cán bộ, đơn vị mình vào trong thủ tục hành chính.

Ông cũng đồng thời nhận định, thủ tục hành chính một số lĩnh vực vẫn rườm rà, còn tình trạng "cắt giấy phép mẹ đẻ giấy phép con". Đi liền với đó là chi phí không chính thức...

Theo Thủ tướng, đâu đó lợi ích cục bộ của ngành, địa phương còn thâm căn, chưa thể giải quyết triệt để vì lợi ích chung của người dân và doanh nghiệp.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ