• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Gió ngược" Thổ - Nga đang chấn động chảo lửa Syria

Thế giới 20/08/2019 11:15

(Tổ Quốc) - Bất chấp cảnh báo từ Nga, Iran và các đồng minh địa phương của họ ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến tới một thỏa thuận với người Mỹ tại đây.

Trong khi đó, Ankara vána tiếp tục hỗ trợ phe nổi dậy khi họ đụng độ với các lực lượng chính phủ Syria ở tỉnh Idlib phía tây bắc nước này.

Leo thang về Ildib

Một thỏa thuận thiết lập vùng phi quân sự đã diễn ra cách đây gần một năm giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm ngăn chặn một cuộc tiến công của quân đội Syria nhắm tới Idlib – thành trì cuối cùng do phe nổi dậy kiểm soát và cũng là nơi có 2 triệu dân thường đang sinh sống. Nhưng bạo lực đã bùng phát trong những tuần gần đây, gia tăng số người chết trong cuộc nội chiến kéo dài 8 năm tại Syria. Khi tình hình xung đột trở nên tồi tệ hơn, một đoàn xe Thổ Nhĩ Kỳ đã bất chấp các cảnh báo của Damacus và vượt qua biên giới tiến vào nước này trước khi bị không kích "khiến ba thường dân mất mạng và 12 thường dân bị thương", theo Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.

turkey-military-syria-idlib-strike

Đoàn xe chở khí tài của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria đã bị tấn công. Nguồn: AFP/Getty.

"Chúng tôi lên án mạnh mẽ cuộc tấn công này – điều trái với các thỏa thuận, sự hợp tác và đối thoại hiện có với Liên bang Nga. Chưa xét đến quyền tự vệ của chúng tôi, chúng tôi hy vọng các biện pháp cần thiết sẽ được thực hiện để ngăn chặn sự cố tái diễn", cơ quan này cho biết trong một tuyên bố và thông tin rằng Moscow đã được thông báo từ trước khi đoàn xe này lăn bánh.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Syria đưa ra tuyên bố rằng đoàn xe "chở đầy đạn dược và vũ khí" của Ankara là nhằm mục đích giúp đỡ những kẻ khủng bố đang thất bại của Mặt trận Nusra, "một chi nhánh của al-Qaeda hiện được gọi là Jabhat Fateh al-Shamtại thành phố Khan Sheikhoun – nơi Damacus đã giành lại được quyền kiểm soát.

Phía Syria cho rằng "chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ là bên chịu trách nhiệm hoàn toàn về hậu quả của sự vi phạm trắng trợn chủ quyền, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Ả Rập Syria". Moscow đã ủng hộ Damacus ngay từ khi cuộc xung đột bắt đầu diễn ra vào năm 2011 và trực tiếp can thiệp quân sự vào năm 2015.

Ván bài siêu cường "nóng bỏng" tại Syria

Vào thời điểm đầu của xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ việc đẩy Tổng thống Syria Bashar al-Assad rời khỏi chính quyền, hỗ trợ phe nổi dậy Hồi giáo Arab Sunni. Iran, một đồng minh thân cận của Assad, bắt đầu huy động các lực lượng khu vực, phần lớn là người Hồi giáo Shiite để hỗ trợ quân đội Syria lúc đó đang bị bao vây.

Chiều hướng xung đột đã thay đổi đáng kể khi Nga tham chiến, buộc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các cuộc đàm phán ba bên với cả Moscow và Tehran trong bối cảnh phe đối lập Syria đánh mất các lãnh thổ kiểm soát được và không còn nhận được nhiều sự hỗ trợ quốc tế từ Hoa Kỳ và các đồng minh khu vực. Cũng trong khoảng thời gian này, Lầu Năm Góc chính thức liên minh với một thế lực khác, chủ yếu là người Kurd và được gọi là Lực lượng Dân chủ Syria. Tổ chức này bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là có quan hệ chặt chẽ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đòi li khai tại nước này.

Khi nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) bị đánh bại - phần lớn nhờ hai chiến dịch tấn công riêng biệt của phe Damacus và liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo, sự cạnh tranh lợi ích địa chính trị của các thế lực quốc tế Syria đã trở thành vấn đề cuộc chiến ở Syria. Ankara thường thấy mình ở nằm giữa tầm nhìn cạnh tranh của Washington và Moscow ở đây, trong khi họ cũng phải cố gắng thúc đẩy lợi ích của chính mình.

Thỏa thuận của ông Erdogan với ông Putin năm ngoái đã tạm thời ngăn chặn một chiến dịch tấn công của Damacus vào Idlib. Tuy nhiên, việc phe nổi dậy tiếp tục có những hoạt động trong các khu vực phi quân sự và các cuộc không kích của Syria và Nga vào tỉnh này đã dần làm xói mòn hy vọng về sự tồn tại hòa bình lâu dài hơn ở đây. Một số nhóm chống chính phủ từ Idlib cũng đã cố tấn công căn cứ không quân Hmaymim do Nga quản lý ở Latakia và ông Putin cho biết hôm thứ Hai rằng ông và chính quyền của ông "ủng hộ các nỗ lực của quân đội Syria trong việc thực hiện các hoạt động tại địa phương nhằm vô hiệu hóa các mối đe dọa khủng bố ".

Ở những nơi khác ở miền bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang phải vật lộn để khẳng định mình trước một cường quốc khác là Hoa Kỳ. Phe nổi dậy từng được CIA hỗ trợ và hiện được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ đôi khi đã đụng độ với Lực lượng Dân chủ Syria do Lầu Năm Góc hậu thuẫn. Nhóm này hồi đầu năm ngoái đã bị trục xuất khỏi khu vực Afrin, Aleppo và hiện cũng phải đối mặt với các cuộc tấn công ở phía đông bắc, nơi quân đội Hoa Kỳ hoạt động.

Ông Trump đã tuyên bố kế hoạch rút khỏi Syria vào tháng 12 năm ngoái, nhưng những lo ngại lâu nay về một cuộc đụng độ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd đã khiến Washington và Ankara phải vật lộn để tìm kiếm một thỏa thuận hòa giải. Đầu tháng này, ngay sau khi các mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ rơi xuống một điểm thấp mới sau khi Ankara mua các hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã tới Thổ Nhĩ Kỳ để gắng xây dựng một kế hoạch thiết lập "vùng an toàn" ở miền bắc Syria.

Quý Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ