• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giới lãnh đạo toàn cầu trước thế "lưỡng nan": Sát cánh Tổng thống Trump hay chờ đợi ứng viên Biden?

Thế giới 23/06/2020 10:51

(Tổ Quốc) - Những cuộc thăm dò ý kiến trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ đang đặt các đồng minh và đối thủ của nước này vào thế "tiến thoái lưỡng nan".

Bloomberg đăng tải, các đồng minh và đối thủ của Mỹ đang đối mặt với một lựa chọn khó khăn trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020: Chờ đợi xem nếu Tổng thống Donald Trump thất bại trước ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden hay hoàn tất các thỏa thuận nhằm tránh phải thương lượng trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan trên được chính tổng thống Mỹ đề cập trong một cập nhật mới đây trên Twitter nhằm chào mừng tù nhân người Mỹ Michael White được Iran thả tự do.

"Đừng đợi đến sau khi bầu cử Mỹ để đưa ra các thỏa thuận lớn", ông Trump viết. "Tôi sẽ thắng thôi. Các anh tốt hơn hết nên hoàn thành một thỏa thuận ngay bây giờ đi".

Thủ tướng Đức Angela Merkel từng trải qua nguy cơ làm "mếch lòng" Nhà Trắng. Không lâu sau khi bà Merkel từ chối lời mời của Tổng thống Trump tới tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại Mỹ trong tháng 6, Washington công bố kế hoạch rút quân ¼ lực lượng đang đóng tại Đức.

Hiện tại, các quốc gia dường như đang trì hoãn các thỏa thuận với chính quyền Trump hoặc từ chối nhượng bộ trong trường hợp lập trường của Mỹ trở nên mềm dẻo hơn dưới thời chính quyền Biden. Ví dụ như Hàn Quốc vẫn từ chối yêu cầu của Washington là trả nhiều tiền hơn cho 28.000 lính Mỹ đang đóng tại bán đảo, trong khi một số nước châu Âu kiên quyết thực thi kế hoạch đánh thuế các công ty công nghệ bất chấp phản đối từ Mỹ.

Giới lãnh đạo toàn cầu trước thế "lưỡng nan": Sát cánh  Tổng thống Trump hay chờ đợi ƯCV Biden? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh: Bloomberg)

"Nút tạm dừng"

"Nhiều quốc gia châu Âu và châu Á sẽ lấy lí do dịch COVID-19 và nhấn nút tạm dừng, đồng thời viện cớ quá khó khăn để tiến hành mọi việc như bình thường", tổng giám đốc John Chipman của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London nhận định. Với dịch bệnh gần như chắc chắn sẽ không chấm dứt trước tháng 10, khoảng thời gian đó trùng khớp với cuộc bầu cử Mỹ.

Phản ứng của chính quyền Trump trước đại dịch và phong trào biểu tình chống phân biệt chủng tộc gần đây có thể cũng khiến các nước lựa chọn chờ đợi.

Trong tháng này, cả Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đều phát đi những thông cáo cam kết bảo vệ Hiến pháp. Động thái này được coi là ngầm biểu hiện thái độ không đồng tình với những ý tưởng của Tổng thống Trump là sử dụng quyền lực kiểm soát liên bang để thực thi các chỉ thị bằng vũ lực.

"Tất cả những sự kiện làm dấy lên một câu hỏi rằng, liệu có đáng giá để đầu tư nhiều hơn vào sự nghiệp tổng thống của Trump hay không", ông Chipman nói.

Theo một số quan chức, Trung Quốc dường như cũng đi theo cách tiếp cận "chờ và xem". Giới lãnh đạo Bắc Kinh được cho là đang tính toán, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ có lợi cho họ - chủ yếu là do những tổn thất mà ông Trump đã gây ra cho quan hệ đồng minh của Mỹ với các nước phương Tây.

Trong cuốn hồi ký mới nhất, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tiết lộ, Tổng thống Trump không giấu giếm ý định tìm kiếm sự thiên vị chính trị. Ông Bolton kể lại, năm ngoái người đứng đầu nước Mỹ đã đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mua nhiều sản phẩm nông nghiệp Mỹ để giúp ông giành được sự ủng hộ của các cử tri tại các bang "chiến địa" trong bầu cử Mỹ 2020.

Nhiều chính phủ phương Tây từng bày tỏ lo ngại xung quanh việc ông Trump nghiêng về giao dịch hơn là liên minh dựa trên các giá trị. Ví dụ, Anh và Canada không hài lòng với kế hoạch của ông Trump mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tới tham dự thượng đỉnh G7. Năm 2014, Nga bị loại khỏi nhóm do sáp nhập Crimea vào lãnh thổ và có hành động can thiệp vào tình hình rối loạn miền đông Ukraine.

Giới lãnh đạo toàn cầu trước thế "lưỡng nan": Sát cánh  Tổng thống Trump hay chờ đợi ƯCV Biden? - Ảnh 2.

Ứng cử viên tổng thống Mỹ Joe Biden (ảnh: getty)

"Bắt tay bị giảm giá trị"

"Dưới thời tổng thống này, cái bắt tay của chúng ta bị mất giá trị và các giá trị của chúng ta bị xé nát", cựu đặc phái viên Mỹ trong liên minh chống IS Brett McGurk tuyên bố. "Nguồn dự trữ quyền lực mềm – sức mạnh phi vật chất mà Nga hoặc Trung Quốc không bao giờ đạt tới – đang bị cạn kiệt trước sự chứng kiến của thế giới".

Các quan chức chính quyền đương nhiệm tỏ ra nhạy cảm với nguy cơ bị đối xử như những "con vịt què" (một từ lóng của Mỹ được dùng để chỉ những người ở cuối nhiệm kỳ và hầu như không có khả năng tiếp tục đảm nhận vị trí đó). Trong những tháng gần đây, họ xoay chuyển phần lớn chiến lược Iran của Mỹ theo hướng, sẽ rất khó khăn cho tất cả các bên tham gia tái hồi sinh thỏa thuận hạt nhân 2015 nếu ứng cử viên Biden trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng.

Trong khi đó, Tổng thống Trump đang tìm cách tăng cường quan hệ với các quốc gia có thái độ nghi ngờ EU như Tổng thống Andrzej Duda của Ba Lan. Cùng lúc, đặc phái viên của Mỹ tại Balkans Richard Grenell – một người trung thành với ông Trump, cũng đang gấp rút tổ chức một cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo của Serbia và Kosovo tại Washington vào ngày 27/6. Đáng chú ý, động thái của Washington lại bỏ qua EU – thành phần quan trọng trong quá trình hòa giải và kêu gọi ổn định trong khu vực. Căng thẳng tại Balkan leo thang sau khi Serbia muốn ngăn cản cộng đồng quốc tế công nhận sự độc lập của Kosovo.

Đương nhiên không phải tất cả các đối tác của Mỹ đều tỏ ra do dự trước ông Trump. Australia đã nhanh chóng chấp thuận lời mời tới tham dự thượng đỉnh G7 từ tổng thống Mỹ. Cả Australia và Nhật Bản đều ủng hộ mạnh mẽ lập trường của ông Trump về kiềm chế Trung Quốc và thái độ với Nga.

Trong mọi trường hợp, Mỹ vẫn là một cường quốc không thể bị lờ đi hoàn toàn. Một nhà ngoại giao châu Âu ở Washington tiết lộ, nhiều quốc gia đã học được bài học khi đánh cược vào Hillary Clinton trong bầu cử 2016. Vào thời điểm đó, các cuộc thăm dò ý kiến trước bầu cử chỉ ra bà Clinton sẽ là người chiến thắng.

Theo nhà ngoại giao trên, các nước có thể đi tới một kết luận có ý nghĩa là, sự dễ thay đổi trong chính sách Mỹ vẫn tồn tại – đồng nghĩa với việc các đồng minh cần phải giảm phụ thuộc vào Washington cho dù người thắng cuộc trong tháng 11 là ai đi nữa. Nếu không làm được vậy, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ lớn bị Mỹ "gạt sang một bên".

Còn học giả cấp cao Mira Rapp-Hooper từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại chỉ ra, mạng lưới liên minh của nước Mỹ - dựa trên các cam kết quốc phòng với 34 nước, vẫn chưa chấm dứt. "Lí do tôi lạc quan là vì cái giá cho chính sách đối ngoại không có Mỹ, sẽ đắt đỏ hơn nhiều cho bất kỳ nước nào trong liên minh" cũng như cho cả bản thân nước Mỹ.

Tuy nhiên, niềm lạc quan của bà Hooper có thể sẽ biến mất nếu ông Trump tái trúng cử. Khi được hỏi liệu Tổng thống Trump (trong nhiệm kỳ 2) có thể thay thế cấu trúc liên minh hậu chiến tranh bằng một mạng lưới quan hệ quốc tế mới, khó dự đoán dựa trên lợi ích hay không, bà tỏ ra khá hoài nghi. "Tôi không nghĩ Mỹ là một quốc gia đáng tin cậy để hình thành một trật tự thế giới mới", bà Hooper nói.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ