Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) Bùi Xuân Thu nhấn mạnh người lao động chính là yếu tố cốt lõi đem lại thành công cho doanh nghiệp. Khi người lao động coi công ty là gia đình thứ 2 và quyết tâm cống hiến, PTI chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.

Giữ lương, tăng phúc lợi cho người lao động giữa đại dịch và niềm tin đặc biệt của Tổng Giám đốc PTI Bùi Xuân Thu

(Tổ Quốc) - Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) Bùi Xuân Thu nhấn mạnh người lao động chính là yếu tố cốt lõi đem lại thành công cho doanh nghiệp. Khi người lao động coi công ty là gia đình thứ 2 và quyết tâm cống hiến, PTI chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.


Hành trình vượt khó của PTI trước bão Covid-19

Giữ lương, tăng phúc lợi cho người lao động giữa đại dịch và niềm tin đặc biệt của Tổng giám đốc PTI Bùi Xuân Thu - Ảnh 1.

- Đại dịch Covid-19 gây tác động tới hầu hết các ngành trong nền kinh tế của Việt Nam. Với ngành bảo hiểm, những tác động đó là gì?

Ông Bùi Xuân Thu, Tổng giám đốc PTI: Đại dịch COVID 19 đã gây ra những tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của thị trường bảo hiểm, đặc biệt là mảng bảo hiểm phi nhân thọ (PNT). Tỷ lệ tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2021 của mảng BH PNT chỉ đạt 1.8% - mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Nhiều doanh nghiệp yêu cầu dừng/hủy hợp đồng bảo hiểm hiện tại và không có chi phí để tái tục hợp đồng bảo hiểm. Bên cạnh đó, trong thời gian giãn cách xã hội, công tác khai thác bảo hiểm bị đình trệ, nhiều hoạt động khai thác bảo hiểm gần như đóng băng.

Tuy nhiên, Đại dịch Covid 19 cũng có những tác động tích cực cho thị trường như: Thay đổi về nhận thức của người dân về bảo hiểm, gia tăng nhu cầu mua bảo hiểm của người dân, đặc biệt là mảng bảo hiểm sức khỏe. Người dân cũng từng bước quen với các hình thức mua hàng trực tuyến, số hóa. 

- Ông nghĩ đâu là khó khăn lớn nhất mà PTI phải vượt qua? Công ty đã vượt qua khó khăn đó bằng cách nào?

Tôi nghĩ đó là giữ vững tinh thần làm việc cho gần 3.000 cán bộ nhân viên trên toàn hệ thống, đảm bảo được khoản thu nhập, đồng thời phải duy trì doanh nghiệp hoạt động thông suốt, hiệu quả.

Để vượt qua được những khó khăn này, PTI đưa ra hai giải pháp trọng yếu: Đầu tiên là PTI gia tăng chính sách phúc lợi cho cán bộ nhân viên ổn định, thậm chí còn tăng hơn để đảm bảo cho họ một cuộc sống ổn định trong giai đoạn khó khăn. Giải pháp thứ 2 là PTI đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động điều hành kinh doanh: từ việc làm việc online tại nhà đến các việc điều chỉnh mô hình bán hàng, bồi thường cho khách hàng đều được online hóa toàn bộ.

PTI cũng chủ động điều chính chính sách kinh doanh, không tập trung vào tăng trưởng mà tập trung vào nâng cao hiệu quả hoạt động và hoàn thiện trải nghiệm của khách hàng. Điều này, không chỉ giúp PTI tiết giảm được chi phí quản lý mà còn tăng hiệu quả vận hành. 

- Việc vượt qua khó khăn, thách thức ấy đang mang về cho PTI thành tựu gì mà ông cho là nổi bật và đáng tự hào nhất trong giai đoạn vừa qua?

Thực ra rất khó để có thể nói thành tựu nào đáng tự hào nhất. Trong giai đoạn khó khăn của năm nay, thành tựu nào cũng là kết quả của sự nỗ lực cho tập thể ban lãnh đạo và các cán bộ nhân viên. Khép lại năm 2021, PTI đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Đó là ổn định hệ thống nhân sự nhiệt huyết cống hiến, cùng quyết tâm vượt qua khó khăn. Đó là hệ thống công nghệ thông tin hiện đại được ứng dụng triệt để trong mọi hoạt động kinh doanh, quản lý chủa PTI. Đó là những tiện ích mới nhằm đem lại những trải nghiệm thông qua ứng dụng  nền tảng số cho khách hàng. 

Người lao động trở thành trung tâm trong hành trình vượt khủng hoảng

Giữ lương, tăng phúc lợi cho người lao động giữa đại dịch và niềm tin đặc biệt của Tổng giám đốc PTI Bùi Xuân Thu - Ảnh 2.

 - Thay vì cắt giảm lương, PTI lại tăng cường chế độ phúc lợi cho người lao động. Có câu chuyện gì đặc biệt phía sau quyết định có vẻ hơi "ngược" này hay không, thưa ông?

Đúng là do tác động của đại dịch, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lương, thưởng của người lao động để tiết giảm chi phí. Tuy nhiên PTI lại đi "ngược" theo xu hướng này khi vẫn đảm bảo giữ nguyên lương thưởng, thậm chí còn tăng chế độ phúc lợi cho người lao động. Lý do là PTI luôn cho rằng "nhân sự" sẽ là yếu tố cốt lõi đem lại thành công cho doanh nghiệp.

Điều này càng đúng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ như PTI. Kể từ khi đại dịch xuất hiện, hệ thống PTI đã thay đổi rất nhiều để thích ứng với tình hình mới. Tất cả các bộ phận đều phải chuyển mình, ứng dụng CNTT để đảm bảo hiệu quả công việc. Trong giai đoạn giãn cách, tôi thấy CBNV PTI còn họp online, giải quyết công việc online nhiều hơn, góp phần giúp công tác chuyển đổi số của PTI diễn biến nhanh hơn. Đây là điều tôi đánh giá rất cao.

- Rõ ràng, với chính sách này, người lao động được hưởng lợi rất nhiều. Vậy với PTI, công ty được lợi gì khi tăng cường phúc lợi cho người lao động giữa đại dịch?

PTI được hưởng lợi nhiều chứ (cười). Như tôi đã trao đổi, PTI luôn coi nhân sự sẽ là xương sống cho mọi thành công của PTI. Vì vậy, khi tăng cường hỗ trợ cho người lao động PTI đã tạo được sự ổn định hệ thống, CBNV an tâm công tác, cống hiến. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp của PTI giống như một gia đình thứ 2 cho các bộ nhân viên.  Khi 3.000 cán bộ nhân viên quyết tâm cống hiến thì chắc chắn giúp PTI gặt hái được nhiều thành công hơn nữa. 

- Ngoài hỗ trợ người lao động của chính mình, PTI thể hiện trách nhiệm với cộng đồng như thế nào?

Là một doanh nghiệp, PTI luôn quan tâm đặc biệt đến trách nhiệm với cộng đồng. Năm 2021, PTI đã đóng góp hơn 6 tỷ đồng cho cộng đồng, trong đó có nhiều hoạt động giúp cộng đồng vượt qua những tác động của Covid. PTI ủng hộ 2,6 tỷ đồng vào Quỹ vắc xin của Chính phủ, ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh gần 3 tỷ đồng, tặng máy tính cho học sinh hơn 1 tỷ…

- Ông đánh giá ra sao về vai trò văn hóa doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh và hậu đại dịch? 

Văn hóa DN luôn đóng vai trò quan trọng trong doanh nghiệp, không chỉ trong thời kỳ dịch bệnh. Nó lại càng quan trọng hơn tại một doanh nghiệp chú trọng vào con người như PTI. 

PTI đã xây dựng được nét văn hóa chia sẻ và nghĩa tình, từ đó, tạo ra sự gắn kết của tập thể gần 3.000 cán bộ nhân viên trên toàn hệ thống. Yếu tố thu nhập không phải là yếu tố hàng đầu để giữ chân nhân viên mà chính là môi trường làm việc và các chính sách phúc lợi của PTI.

Luồng gió mới từ chuyển đổi số 

Giữ lương, tăng phúc lợi cho người lao động giữa đại dịch và niềm tin đặc biệt của Tổng giám đốc PTI Bùi Xuân Thu - Ảnh 3.

- Rất nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng, đại dịch là cơ hội tốt để doanh nghiệp chuyển đổi số? Là một doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm, công nghệ được áp dụng vào các hoạt động của PTI như thế nào? Công nghệ có đóng góp gì với những thành tựu mà công ty đạt được?

Đúng như vậy, đại dịch đã mở ra cơ hội để doanh nghiệp chuyển đổi số. Việc thay đổi trong hành vi tiêu dùng khách hàng chuyển sang hình thức giao dịch online, hạn chế tiếp xúc trực tiếp đã khiến cho các doanh nghiệp phải thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu và tình hình mới. Đặc biệt đối với ngành tài chính-bảo hiểm, yêu cầu về chuyển đổi số càng cấp thiết hơn. Chính vì vậy, bất kỳ doanh nghiệp nào nếu không thể thích ứng và chuyển đổi số kịp thời, rất dễ bị tụt lại phía sau và bị đào thải.  Nói về cơ hội, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát,70 triệu người tại Đông Nam Á đã trở thành người tiêu dùng kỹ thuật số và thực hiện mua sắm trực tuyến nhiều hơn trước đây rất nhiều. Quy mô thị trường bảo hiểm kỹ thuật số cũng được dự kiến đạt mức 7,6 tỷ USD vào năm 2025, với các dịch vụ tài chính kỹ thuật số đang ngày các phát triển mạnh mẽ tại Đông Nam Á. 

Chính từ những tiềm năng to lớn đó, chúng tôi đã áp dụng công nghệ vào mọi hoạt động của PTI: Từ công tác kinh doanh, quản trị tạo sự đơn giản, thuận tiện cho khách hàng đến công tác bồi thường nhanh và minh bạch; Từ việc quản trị điều hành đến việc xây dựng các giải pháp làm việc online cho phù hợp với điều kiện mới. Những ứng dụng công nghệ hiện đại không chỉ giúp PTI gia tăng hiệu quả của công tác quản lý, tạo sự thuận lợi cho cán bộ nhân viên mà quan trọng hơn chúng tôi đã và đang không ngừng nỗ lực để đem những trải nghiệm mới cho khách hàng. 

- Việc chuyển đổi số này được PTI ấp ủ từ trước hay mới chỉ phát sinh và đạt đột phá khi đại dịch bùng phát?

Việc tập trung vào chuyển đổi số được PTI xác định và thực hiện từ cách đây 5-6 năm, sau khi có cổ đông chiến lược nước ngoài là Công ty bảo hiểm DB Hàn Quốc. PTI là 1 trong những doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên đẩy mạnh đầu tư, cải tiến CNTT trong kinh doanh cũng như quản trị hệ thống.

Năm 2018, PTI đã thành lập công ty bảo hiểm số - PTI Digital – một trong những công ty đầu tiên trên thị trường chuyên về phát triển, khai thác các sản phẩm bảo hiểm đặc thù bán lẻ, tài chính vi mô trên các nền tảng công nghệ số hóa. Có thể nói, chuyển đổi số đã nằm trong chiến lược dài hạn của PTI. Việc đại dịch bùng phát cũng là một trong những tác nhân góp phần làm đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số tại PTI để đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong tình hình mới.

- Đối với nhiều doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất với chuyển đổi số là sự sẵn sàng của con người. PTI có gặp khó khăn này hay không và ban lãnh đạo đã làm gì để cả hệ thống khổng lồ "nhìn cùng về một hướng" trong hành trình chuyển đổi số này?

Đúng là để chuyển đổi số thành công thì yếu tố quan trọng là đội ngũ nhân sự phải đáp ứng và theo kịp với những tiến bộ của công nghệ. Điều này đặc biệt đúng với doanh nghiệp có hệ thống mạng lưới bán hàng rộng như PTI. Hiện nay PTI có 55 đơn vị thành viên, 10.800 điểm bán tại bưu điện bưu cục, hơn 10.000 chi nhánh ngân hàng, showroom… Tuy nhiên, do chính sách của PTI trú trọng vào con người nên chúng tôi có những thuận lợi hơn khi triển khai.

Tôi xin nêu ra một ví dụ để bạn dễ hình dung. Trước khi ứng dụng công nghệ mới, chúng tôi sẽ phân tích, đánh giá khả năng ứng dụng và sử dụng của cán bộ nhân viên đến đâu, sau đó mới xây dựng PTI cho phù hợp, tránh tình trạng đưa những ứng dụng không phù hợp với điều kiện áp dụng. Sau đó, chúng tôi sẽ tổ chức đào tạo, truyền thông để CBNV hiểu và sử dụng. Khi CBNV thấy được những giá trị mà CNTT đem lại cho họ, thì chắc chắn sẽ đồng lòng theo các định hướng của ban điều hành. Nhờ vậy mà việc ứng dụng công nghệ mới  của PTI thường "thuận buồm xuôi gió". 

Giữ lương, tăng phúc lợi cho người lao động giữa đại dịch và niềm tin đặc biệt của Tổng giám đốc PTI Bùi Xuân Thu - Ảnh 4.

- Người đi tiên phong luôn phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, ông thấy doanh nghiệp của mình gặt hái những lợi thế gì khi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ trong ngành bảo hiểm?

Chuyển đổi số trong ngành bảo hiểm sẽ không thể đem lại hiệu quả ngay lập tức, mà nó là sự đầu tư dài hơi trong một thời gian dài. Do đó, nó rất cần sự quyết tâm kiên trì của các doanh nghiệp.

Là doanh nghiệp tiên phong trong bảo hiểm trực tuyến, PTI đã tạo dựng được trải nghiệm số tốt hơn cho khách hàng: Từ sản phẩm mới lạ, mô hình bán hàng thuận tiện đến quy trình bồi thường được đơn giản, minh bạch. Bên cạnh đó, hiệu quả quản lý được cải thiện rõ nét. Hành trình chuyển đổi số cũng PTI mở ra cơ hội hợp tác với nhiều đối tác lớn như ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty viễn thông, hãng hàng không… (Vpbank, Techcombank, F88,  VNPT, Viettel, Vietnamairlines, Vietjetair…). Ngoài ra, uy tín và hình ảnh thương hiệu của chúng tôi trên thị trường cũng gia tăng.

Đột phá để nắm bắt cơ hội thời hậu đại dịch

- Có ý kiến cho rằng: Sản phẩm bảo hiểm sắp hết thời "ăn sẵn".  Ông nghĩ sao về ý kiến này? Trong giai đoạn dịch bệnh, có sản phẩm bảo hiểm nào mới được PTI đưa ra để đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng hay không? Hiệu quả của các sản phẩm đó ra sao?

Tôi cho rằng ý kiến trên là hoàn toàn chính xác. Sự chuyển dịch không ngừng của thị trường yêu cầu các doanh nghiệp phải đổi mới để phù hợp với nhu cầu khác của khách hàng. Chắc chắn sẽ không còn hình thức chỉ bán các sản phẩm có sẵn như bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm ô tô, bảo hiểm tai nạn… mà các doanh nghiệp phải đầu tư nghiên cứu, xây dựng những sản phẩm mới theo mong muốn của KH.

Chúng tôi là doanh nghiệp rất năng động trong việc nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm trên thị trường với nhiều sản phẩm từng gây "sốt" trên thị trường bảo hiểm như Bảo hiểm Tình yêu, bảo hiễm Anti-covid, sản phẩm Vững tâm an.. Mới đây nhất, PTI cũng cho ra mắt bảo hiểm trễ hủy chuyến bay. Đây là sản phẩm vừa nhận được giải thưởng sản phẩm bảo hiểm sáng tạo của năm và đang được nhiều hãng hàng không lớn tại Việt Nam lựa chọn sử dụng.

Giữ lương, tăng phúc lợi cho người lao động giữa đại dịch và niềm tin đặc biệt của Tổng giám đốc PTI Bùi Xuân Thu - Ảnh 4.

- Trong tương lai, công ty có dự định đưa ra sản phẩm mới nào không?

Chắc chắn PTI sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra nhiều sản phẩm mới. PTI hiện là một trong ít doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thành lập bộ phận R&D chuyên biệt nhằm nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm phù hợp. Chẳng hạn như chúng tôi mới triển khai sản phẩm Droplet – sản phẩm trời mưa. Sản phẩm này ứng dụng công nghệ trong toàn bộ hành trình của sản phẩm. Từ những khâu đầu tiên như định phí, bán hàng đến các khâu cuối cùng như yêu cầu bồi thường, duyệt bồi thường và chi trả . Những sản phẩm kiểu như này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển các sản phẩm bảo hiểm số vi mô gắn liền với hoạt động thường người của mọi người. 

- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu rằng "cuộc sống không có bảo hiểm như đi cầu thang không có tay vịn". Vậy PTI đang có kế hoạch như thế nào để đưa các sản phẩm bảo hiểm tới gần hơn nữa với cuộc sống người Việt?

Đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói, khi người dân không có bảo hiểm thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tôi mong rằng, sau đợt đại dịch này, nhận thức của người dân về vai trò của bảo hiểm sẽ tăng cao. Có như vậy những sản phẩm bảo hiểm thiết thực mới phát huy đúng tác dụng bảo vệ của nó. Trong thời gian tới, PTI sẽ nghiên cứu và đưa ra những sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu, dễ mua, dễ bồi thường đáp ứng theo nhu cầu của người dân. 

- Phục hồi sau khủng hoảng đang là chủ đề nóng với nhiều doanh nghiệp khi Việt Nam đang tiến tới phủ vắc xin trong năm 2021. Kế hoạch phục hồi của PTI là gì? Đâu sẽ là xương sống của doanh nghiệp trong tiến trình này?

Tôi nghĩ, từ "phục hồi" ở đây chưa hoàn toàn đúng với PTI. Chúng tôi vẫn đang vận hành khá tốt trong đại dịch nhờ vào kế hoạch cụ thể, linh hoạt ứng phó trước tác động của đại dịch. Ngoài việc bị giảm tăng trưởng doanh thu trong tình hình chung của thị trường, các hoạt động khác tại PTI đều ổn định. Chúng tôi đang đi theo đúng chiến lược đã đặt ra là tăng trưởng bền vững, hiệu quả.

Xương sống của PTI tôi cho là việc nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin. Đây cũng là lĩnh vực PTI tập trung đẩy mạnh trong thời gian qua để giúp cho khách hàng của PTI có những trải nghiệm thoải mái và thuận tiện nhất. Để có được chất lượng dịch vụ tốt, PTI phải không ngừng cải tiến, áp dụng CNTT và chuyển đổi số cũng như sẵn sàng tiếp thu những ý kiến đóng góp của khách hàng để hoàn thiện dịch vụ. Tôi tin rằng chỉ có chất lượng dịch vụ tốt mới khiến cho khách hàng lựa chọn, tin tưởng và đồng hành lâu dài với PTI được.

- Là người có nhiều năm kinh nghiệm đồng thời kiêm phó chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ thời hậu đại dịch Covid-19?

Chắc chắn tiềm năng còn rất lớn. Năm 2022, kỳ vọng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam tăng trưởng tốt hơn nhiều quốc gia trong khu vực. Nền tảng kinh tế của Việt Nam vẫn được duy trì tốt bao gồm tỷ trọng lớn dân số trẻ, tầng lớp trung lưu mở rộng và tăng trưởng kinh tế. Thêm vào đó, mức độ tham gia bảo hiểm ở Việt Nam còn thấp. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm phi nhân thọ tính bằng doanh thu phí bảo hiểm gốc trên GDP vẫn còn dưới 1%, cho thấy cơ hội lớn về tăng trưởng.

Chúng tôi dự báo thị trường bảo hiểm phi nhân thọ năm 2022 tăng trưởng ở mức 10%. Cùng với đó là xu hướng phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô, tương tác trên nền tảng số. Doanh nghiệp bảo hiểm nào xây dựng được những sản phẩm thiết thực, dễ hiểu, tương tác thuận tiện thì sẽ thành công.

-Xin cảm ơn ông!

Hà Giang - Ảnh: Nam Nguyễn