• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giữa bão trừng phạt, Nga vẫn đặt cược sát ván vào TT Trump?

Thế giới 16/08/2018 16:14

(Tổ Quốc) - Điện Kremlin vẫn chưa công bố các biện pháp trả đũa bởi vì họ vẫn còn niềm tin vào những gì ông Trump đã hứa?

Bloomberg nhận định, ngay cả sau khi Mỹ công bố áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên Nga khiến đồng rúp lao dốc không phanh, dường như Điện Kremlin vẫn không coi đây là lỗi của Tổng thống Donald Trump.

Các nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Nga tiết lộ, các quan chức hàng đầu nước này vẫn đang hy vọng Tổng thống Mỹ có thể thực hiện những lời hứa của mình trong việc cải thiện quan hệ song phương – hoặc ít nhất là làm “nguội bớt” sức ép không ngừng tăng cao trong Quốc hội Mỹ đòi có thêm trừng phạt.

“Điệu Kremlin hiểu được thứ logic của ông Trump và phản ứng của thị trường cũng như công chúng đang bị làm quá bởi vì không có điều kinh khủng nào đã xảy ra”, Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng các vấn đề đối ngoại Nga – một nhóm nghiên cứu do chính phủ tài trợ, cho biết. “Mọi người đều hiểu rằng ông Trump phải đáp trả động thái của Quốc hội và việc ông ấy ngăn cản mọi việc là điều quan trọng”.

Hiện tại, Nga vẫn chưa đưa các ra biện pháp trả đũa cho lệnh trừng phạt mới, hạn chế việc trả lời những phát ngôn kích động, đồng thời chờ đợi diễn biến cuối cùng từ Thượng viện Mỹ liên quan tới kế hoạch có thêm các biện pháp cấm vận từ mùa thu. Với những tiếp xúc cá nhân giữa các nhà lãnh đạo vẫn đang nồng ấm và dự kiến sẽ còn được mở rộng, Điện Kremlin tỏ ra tự tin rằng, về bản chất ông Trump muốn hàn gắn quan hệ Nga – Mỹ nếu ông được trao cơ hội thực hiện điều đó tại Washington.

Tổng thống Vladimir Putin tại cuộc họp báo sau thượng đỉnh Helsinki ngày 16/7 (ảnh: AFP)

Tuy nhiên, một mặt đặt niềm tin vào người đứng đầu Nhà Trắng, mặt khác, chính phủ Nga cũng bận rộn chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất. Giới chức Nga tin tưởng, mặc dù quy mô nền kinh tế và thái độ của ông Trump gần như chắc chắn sẽ giúp nước này thoát khỏi những lệnh trừng phạt nghiệt ngã như Iran đã phải gánh chịu; thế nhưng sự cô lập tài chính và kinh tế năm ngoái có thể sẽ trở nên sâu sắc hơn.

Điện Kremlin hiện đang phải cố gắng để theo kịp những cơn gió thay đổi nhanh chóng từ chính giới Washington trong khi ngày càng có nhiều lời phàn nàn rằng, nước Mỹ đang trở nên không thể đoán trước.

Mới đây thôi, Moscow còn đang phấn khích trước bầu không khí nồng ấm của hội nghị thượng đỉnh hôm 16/7 tại Helsinkin. Tuy nhiên, theo sau màn xử lý khủng hoảng hậu Helsinki có phần “vụng về” của ông Trump lại là một đòn giáng bất ngờ từ Mỹ.

Ngày 8/8, Bộ Ngoại giao Mỹ lại thông báo, họ sẽ áp dụng trừng phạt bổ sung lên Nga sau những cáo buộc Moscow liên quan tới vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái tại Salibusry (Anh) hồi tháng Ba. Trong khi vòng trừng phạt đầu tiên – bắt đầu vào ngay tuần sau, được coi là khá “dễ thở”, thì vòng tiếp theo sau 90 ngày nữa, tỏ ra sẽ “nghiệt ngã” hơn, bao gồm những hạn chế lên quan hệ thương mại và ngoại giao.

Bề ngoài, Điện Kremlin chỉ trích quyết định trên là sự chệch hướng khỏi những tích cực đã rất khó để đạt được tại hội nghị Helsinki; tuy nhiên, các biện pháp trả đũa vẫn chưa được tuyên bố.

“Chúng tôi đánh giá động thái này với sự thấu hiểu về tình huống chính trị khó khăn tại Mỹ”, Alexander Dynkin, giám đốc một viện nghiên cứu kinh tế và chính sách đối ngoại tại Nga, cho biết. “Nhưng tất nhiên, sự thấu hiểu đó không phải là không có giới hạn”.

Ông Kortunov từ Hội đồng các vấn đề đối ngoại phân tích, Điện Kremlin đang hy vọng các lệnh trừng phạt của Bộ Ngoại giao Nga sẽ góp phần khiến các Thượng Nghị sỹ Mỹ “nhẹ tay” hơn trong các lệnh trừng phạt mới (nếu có); từ đó mở ra khả năng cho một mối quan hệ nồng ấm hơn giữa hai nước sau kỳ bầu cử giữa kỳ vào tháng Mười một sắp tới.

“Chúng tôi không vội chỉ trích chính quyền [Mỹ] và chúng tôi không cho rằng ông Trump đã làm hỏng việc”, Kortunov nói. Cơ hội gần nhất trước mắt chính là cuộc gặp trong tuần tới giữa các cố vấn quốc gia của hai nước tại Geneva (Thụy Sỹ).

“Kỷ nguyên mới”

Moscow không đánh cược tất cả. GIữa những lo ngại ngày càng gia tăng về trừng phạt, Nga đã nhanh chóng “bán tháo” trái phiếu chính phủ Mỹ. Và ngay cả khi giá dầu trong năm nay đã tăng, chính phủ Nga vẫn tập trung vào giảm thâm hụt và sự phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài.

“Chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi thứ”, Antoly Aksakov, chủ tịch Ủy bản tài chính thị trường Hạ viện Nga cho biết. “Chính quyền đang rất thận trọng chuẩn bị cho bất kỳ điều gì có thể xảy ra”.

Theo Bloomberg, tỷ lệ ủng hộ cho Tổng thống Putin đã giảm sau một loạt các biện pháp thắt chặt, bao gồm cả việc tăng độ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, Điện Kremlin không do dự với mục tiêu quyết “chỉnh đốn” nền kinh tế cho tới tận khi đạt mức cân bằng ngân sách, kể cả nếu giá dầu hạ xuống 50 USD/thùng. Hy vọng cho các khoản đầu tư tư nhân ngày càng giảm sút, và được thay thế bởi các dự án chính phủ quy mô lớn.

Ông Aksakov chỉ ra, ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính Nga đang tỏ ra “bảo thủ” hơn mức cần thiết. Một số nhà kinh tế nhận định, mục tiêu tái khởi động lại nền kinh tế của Điện Krelin có vẻ như ngày càng thiếu tính hiện thực hơn.

“Chúng tôi đang ở trong một kỷ nguyên mới. Các lệnh trừng phạt còn sẽ tồn tại trong thời gian dài”, Pavel Medvedev, một nhân viên của Hiệp hội các ngân hàng Nga cảnh báo.  

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ