• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giữa điểm sôi căng thẳng Mỹ-Trung, quyền lực mềm của Bắc Kinh "hồi sinh" tranh cãi dai dẳng

Thế giới 15/05/2019 10:24

(Tổ Quốc) - Trung Quốc muốn tôn vinh các nền văn minh châu Á ngay sau những leo thang căng thẳng trong quan hệ với Mỹ

Trang South China Morning Post đưa tin, Chủ tịch Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ trấn an châu Á rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc không đe dọa tới trật tự thế giới hiện tại với bài phát biểu mở đầu Hội nghị đối thoại các nền văn minh châu Á, diễn ra tại Bắc Kinh vào thứ Tư (15/5). Sự kiện kéo dài một ngày này cùng với một loạt các hoạt động hội thảo và lễ hội văn hóa bên lề, là một phần trong những nỗ lực triển khai quyền lực mềm của quốc gia đông dân nhất thế giới.

"Hội nghị… tập trung vào chủ đề trao đổi và học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn minh châu Á và một cộng đồng cùng chia sẻ một tương lai", trang web chính thức của Hội nghị đối thoại các nền văn minh châu Á giới thiệu.

Giữa điểm sôi căng thẳng Mỹ-Trung, quyền lực mềm của Bắc Kinh hồi sinh tranh cãi dai dẳng - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ trấn an châu Á rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc không đe dọa tới trật tự thế giới hiện tại (ảnh: SCMP)

Theo SCMP, Bắc Kinh đang muốn trở thành quốc gia dẫn đầu làn sóng thay đổi ảnh hưởng sâu rộng của phương Tây lên chính trường và mọi mặt của đời sống quốc tế.

Trước đó, hồi đầu tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, hội nghị là một nền tảng để thúc đẩy giao lưu giữa các nền văn hóa, cùng lúc phô bày "những nét quyến rũ của các nền văn minh châu Á".

"Các quốc gia nên tôn vinh những nguyên tắc công bằng, học hỏi lẫn nhau, đối thoại và bao trùm giữa các nền văn minh và từ chối những chỉ đạo và niềm tin sai lầm về một 'cuộc đụng độ giữa các nền văn minh' hoặc sự thống trị của một nền văn minh đối với những nền văn minh còn lại", ông Cảnh Sảng nói. "Đối thoại giữa các nền văn minh là một sự đảm bảo không thể thiếu cho cùng tồn tại hòa bình giữa các nước".

Những ngày gần đây, truyền thông Trung Quốc đã liên tục đưa tin về hội nghị, trong đó nhấn mạnh tới sự tham dự của các khách mời quan trọng, như Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos và ngôi sao điện ảnh Ấn Độ Aamir Khan.

Giữa điểm sôi căng thẳng Mỹ-Trung, quyền lực mềm của Bắc Kinh hồi sinh tranh cãi dai dẳng - Ảnh 2.

Ngôi sao điện ảnh Ấn Độ Aamir Khan (thứ tư từ phải sang) chụp hình cùng Tổng thống Singapore Halimah Yacob (thứ năm từ phải sang) khi cả hai đi cùng chuyến bay của Singapore Airlines tới Bắc Kinh tham dự hội nghị (ảnh: Facebook)

Hội nghị diễn ra chỉ vài tuần sau Diễn đàn Một vành đai, một con đường – cũng tổ chức tại Bắc Kinh, cũng như vài ngày sau động thái leo thang đột biến trong cuộc chiến tranh thương mại đã kéo dài 10 tháng giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ.

Cuối tháng trước, người đứng đầu bộ phận chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ Kiron Skinner phát biểu tại một diễn đàn tại Washington rằng: "Thật đáng ngạc nhiên vì lần đầu tiên, chúng ta có một đối thủ cường quốc mà không phải là người da trắng".

Skinner chia sẻ, lập trường của bà chồng chéo với ý tưởng "sự đụng độ giữa các nền văn minh" của nhà khoa học chính trị người Mỹ nổi tiếng Samuel Huntington, trong đó, ông chỉ ra, những khác biệt cơ bản giữa các nền văn minh sẽ là nguồn cơ chủ yếu cho xung đột.

Các nhận định của bà Skinner vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Bắc Kinh gọi đó "đơn giản là một cách lố bịch và hoàn toàn không thể chấp nhận được" khi nhìn vào mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trong một động thái quảng bá cho Hội nghị đối thoại các nền văn minh châu Á vào tuần trước, ông Xu Lin, một quan chức trong Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng chỉ trích chính trị gia người Mỹ. Ông nhấn mạnh, những ai truyền bá các tư tưởng như vậy sẽ "đánh mất sự ủng hộ của công chúng và hứng chịu thất bại".

Mặc dù vậy, theo Wang Wen, người đứng đầu Học viện nghiên cứu tài chính Trùng Khánh thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, "không cần phải có một đối thoại văn minh cụ thể giữa Trung Quốc và Mỹ, bởi vì giữa hai nước, đã liên tục tồn tại các cơ chế đối thoại và thương lượng song phương".

"Sự khác biệt giữa Trung Quốc và Mỹ là làm sao để giải quyết các xung đột về lợi ích trong sự phát triển của hai nước và làm sao để tôn trọng lẫn nhau. Tôi không nghĩ đó là một cuộc đụng độ giữa các nền văn minh, thay vào đó, nó giống như sự xung đột giữa các lợi ích và chia sẻ quyền lực – là kết quả của sự trỗi dậy của một cường quốc lớn mới", ông Wang phân tích.

Sự khác biệt giữa Trung Quốc và Mỹ là làm sao để giải quyết các xung đột về lợi ích trong sự phát triển của hai nước và làm sao để tôn trọng lẫn nhau. Tôi không nghĩ đó là một cuộc đụng độ giữa các nền văn minh, thay vào đó, nó giống như sự xung đột giữa các lợi ích và chia sẻ quyền lực – là kết quả của sự trỗi dậy của một cường quốc lớn mới.

Wang Wen

Trong khi đó, giáo sư về quan hệ quốc tế của Đại học Nhân dân Trung Quốc Wang Yiwei cho biết, Bắc Kinh đã bắt đầu lên kế hoạch cho Hội nghị đối thoại các nền văn minh châu Á từ năm ngoái, nhưng đây vẫn là một cơ hội để quốc gia châu Á đóng góp vào những tranh cãi về văn minh hiện tại.

"Sự trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương Mỹ đã gây tổn thương cho thế giới, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ. Vì vậy, Washington lựa chọn coi những xung đột với Trung Quốc là sự đụng độ giữa các nền văn minh; từ đó hy vọng sẽ kéo các đồng minh phương Tây về phía mình hơn", ông nhận xét. "Chiến lược của Trung Quốc là luôn luôn để anh tự đấu tranh theo cách của anh và tôi đấu tranh theo cách của tôi. Trung Quốc tổ chức sự kiện này với mong muốn tìm ra giá trị chung cho sự hợp tác thân thiết hơn giữa các nước châu Á".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ