• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giữa lời thề trả đũa từ Trung Quốc, ai là người "không thể vui hơn" trước mức thuế 25% của Mỹ?

Thế giới 11/05/2019 06:32

(Tổ Quốc) - Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang khi mức thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực.

Gần như ngay lập tức sau quyết định của Mỹ hôm thứ Sáu (10/5) áp mức thuế 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh đã "thề" sẽ có những "biện pháp đáp trả cần thiết".

"Trung Quốc rất lấy làm tiếc rằng Mỹ đã quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ", Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra thông cáo chỉ vài phút sau khi mức thuế của Mỹ có hiệu lực. "Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng các biện pháp đáp trả cần thiết".

Tuy nhiên, thông cáo trên không đề cập cụ thể các bước đi của Trung Quốc mà chỉ cho biết thêm: "Chúng tôi hy vọng có thể giải quyết được các vấn đề hiện tại thông qua hợp tác và đàm phán với các nỗ lực từ cả hai phía".

Giữa lời thề trả đũa từ Trung Quốc, ai là người không thể vui hơn trước mức thuế 25% của Mỹ? - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc rời địa điểm đàm phán (ảnh: reuters)

Các động thái trên đã đánh dấu sự leo thang nghiêm trọng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đồng thời mở ra những ảnh hưởng kinh tế đáng kể cho các nhà xuất khẩu và nhập khẩu của cả hai nước.

Hồi đầu tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố quyết định tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nhằm đáp trả lại những cáo buộc rằng, Trung Quốc bất ngờ thay đổi thái độ đối với một số cam kết đã được đưa ra trong 10 vòng đàm phán thương mại song phương trước đó.

Các nhà nhập khẩu Mỹ giờ đây đối mặt với chi phí mua cao hơn, tương tự, các nhà sản xuất Mỹ tại Trung Quốc phải đương đầu với thách thức khi đưa hàng hóa quay trở lại thị trường quê nhà. Cùng lúc, các nhà xuất khẩu Trung Quốc phải trả thêm 15% thuế khi bán hàng hóa cho phía Mỹ.

Trung Quốc rất lấy làm tiếc rằng Mỹ đã quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ. Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng các biện pháp đáp trả cần thiết.

Bộ Thương mại Trung Quốc

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã có mặt tại Washington từ hôm thứ Năm (9/5) để tham dự vòng đàm phán thứ 11. Các cuộc họp bắt đầu vào lúc 5h chiều (giờ địa phương) nhưng ông Lưu rời đi lúc 6h25. Điều này chứng tỏ cuộc họp ngắn hơn nhiều so với các vòng trước đó.

"Từ góc nhìn của một nhà sản xuất, điều khó khăn nhất là sự không chắc chắn", Paul Walsh, CEO của Newtimes Development, một doanh nghiệp tư vấn đóng tại Hong Kong nói. "Với các vùng xám, rất khó để lên kế hoạch. Anh lên các kế hoạch và sau đó chỉ một câu tweet cũng thay đổi mọi thứ. Có một sự mệt mỏi không hề nhẹ...".

Theo ông, mức thuế 25% giống như một yếu tố "thay đổi trò chơi" và có thể nó sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Faroul Merzougui hiện là người đứng đầu bộ phận hành chính tại nhà máy sản xuất phụ kiện iPhone Native Union, với các sản phẩm làm tại Trung Quốc và xuất khẩu sang thị trường phương Tây. Ông đánh giá, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải gánh chịu giá cả cao – do tác động của gia tăng thuế; tuy nhiên, khu vực kinh doanh cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thiệt hại.

"Đối với hầu hết công ty, cho dù làm trong ngành nào, chi phí gia tăng thêm 25% là rất khó khăn. Một số sẽ không thể tồn tại, một số sẽ tăng giá… Đây là ảnh hưởng trực tiếp và mang tính thách thức rất cao", ông nói, đồng thời chỉ ra, nhiều công ty đã tiến hành tìm hiểu các hạ tầng cơ sở sản xuất khác ở Đông Nam Á.

Amit Gupta, một nhà tư vấn công nghiệp may mặc của công ty Impactiva Quality Optimisation tại Quảng Đông cũng cho rằng, sẽ có sự chuyển dịch khỏi Trung Quốc; tuy nhiên, theo ông, đó chỉ là nhất thời và không phải toàn bộ.

"Điều này giống như một con lắc vậy, nó không thực sự như những gì mà mọi người đang nghĩ. Có thể 30% ngành công nghiệp may mặc sẽ rời khỏi Trung Quốc, nhưng không phải là 70%. Nếu anh chuyển tới Campuchia, anh vẫn cần phải nhập khẩu nguyên vật liệu thô từ Trung Quốc, vì vậy kết cục anh lại trả mức chi phí tương tự, ví dụ vì những chuyến giao hàng muộn…, và quá trình sản xuất của anh tốn nhiều thời gian hơn", Gupta phát biểu trong một diễn đàn về chuỗi cung cấp vừa diễn ra tại Hong Kong trong tuần này.

Tuy nhiên, không phải mọi doanh nghiệp đều thất vọng trước mức thuế gia tăng.

"Mức thuế 25% áp dụng lên tỏi nhập khẩu từ Trung Quốc giờ đây đã có tác dụng, và ngành công nghiệp tỏi nội địa Mỹ không thể vui mừng hơn nữa", Ken Christopher, phó chủ tịch điều hành của Christopher Ranch, một trong những nhà sản xuất tỏi lớn nhất Mỹ, cho biết. "Các mức thuế không tốt cho tình hình kinh tế vĩ mô của Mỹ và cũng không phải là một giải pháp dài hạn. Nhưng chúng tôi biết ơn vì sự thay đổi ngay lập tức cho một vấn đề lớn – việc Trung Quốc liên tiếp nhập vào Mỹ loại tỏi rẻ tiền và được bán phá giá một cách bất hợp pháp".

Thanh gươm của ông Trump đang treo phía trên thị trường toàn cầu với mức thuế gia tăng. Nó khiến cả hai đoàn đàm phán hầu như không còn thời gian để đi tới điều gì đó có thể thỏa mãn cả hai bên

Jeffrey Halley

Trong khi đó, các nhà kinh tế đang chờ đợi những phản ứng của thị trường. "Thanh gươm của ông Trump đang treo phía trên thị trường toàn cầu với mức thuế gia tăng. Nó khiến cả hai đoàn đàm phán hầu như không còn thời gian để đi tới điều gì đó có thể thỏa mãn cả hai bên", Jeffrey Halley, một nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty chứng khoán Oanada chỉ ra. "Bản thân các thị trường đã tự đi vào chế độ đợi chờ cẩn trọng, nhưng hòa bình là rất mỏng manh, và sẽ không mất nhiều thời gian để các nhà đầu tư đang kinh sợ, đồng loạt tìm đường rút lui".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ