• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

GS Nguyễn Văn Tuấn giải tỏa hiểu lầm sau những thông tin 'có vẻ khoa học' về Covid-19

Tin tổng hợp 02/03/2020 09:11

(Tổ Quốc) - Liên quan đến dịch Covid-19, có vài thông tin có vẻ khoa học lưu truyền trên báo chí và truyền thông xã hội gần đây mà tôi nghĩ không đúng.

Những thông tin đó là thời gian ủ bệnh, khả năng lây lan qua không khí, lây lan từ người khoẻ mạnh, và 'thuyết âm mưu' rằng SARS-Cov-2 là do nhân tạo từ một labo ở Vũ Hán. 

Bài viết này cung cấp thông tin giải toả những hiểu lầm đó.

Thời gian ủ bệnh bao lâu?

Nhiều chuyên gia và báo chí cho rằng thời gian ủ bệnh là 14 ngày, nhưng con số này cần phải xem lại. Theo WHO, thời gian ủ bệnh là 5-6 ngày (nhưng có thể dao động từ 0-14 ngày). Còn một nghiên cứu bên Trung Quốc thì cho thấy thời gian trung bình (thật ra là trung vị) ủ bệnh của SARS-Cov-2 virus là 4 ngày, dao động từ 3 đến 5 ngày.

Lại có thông tin rằng thời gian ủ bệnh của virus gây ra SARS (SARS-Cov) là 10 ngày, nhưng thông tin này cũng không đúng. Theo CDC, thời gian ủ bệnh của SAR-Cov là từ 2 đến 7 ngày, nhưng vài ca có thể là 10 ngày, và vài trường hợp hiếm là 14 ngày.

Độ lây lan của SARS-Cov_2 cao gấp chục lần so với độ lây lan của SARS-Cov?

Tôi e rằng thông tin này không đúng. Hệ số lây lan (R0) của SARS-Cov-2 được ước tính là từ 2-3. Trước đây, hệ số R0 cho SARS-Cov là 2-5. Không có chuyện độ lây lan trong COVID-19 cao hơn 10 lần so với SARS.

GS Nguyễn Văn Tuấn giải tỏa hiểu lầm sau những thông tin có vẻ khoa học về Covid-19 - Ảnh 1.

GS Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia)

Virus gây bệnh lây lan qua không khí?

Có người nói rằng SARS-Cov-2 lây lan qua không khí. Tuy nhiên, tôi chưa thấy nghiên cứu nào nói như vậy. Nếu các bạn biết, xin chỉ giúp nghiên cứu nào cho ra kết quả đó?

SARS-Cov-2 lây lan từ người không có triệu chứng?

Thông tin này làm nhiều người lo ngại, vì nếu quả thật virus Covid-19 có thể lây lan từ người trong có triệu chứng thì rất khó cho việc tầm soát. Nhưng bằng chứng của thông tin này đã bị bác bỏ trên Tập san NEJM. Câu chuyện có liên quan đến đạo đức khoa học và suy luận.

Chuyên đề: Chuyên Gia Nói về Covid-19, độc quyền và tin cậy chỉ có trên mạng xã hội Lotus.vn, giúp bạn có kiến thức chuẩn mực, thái độ bình tĩnh để phòng chống dịch Covid-19.

Tải apps Lotus để có lá chắn vững chắc, mạnh mẽ chống lại Covid-19, bấm vào đây.

Trong một 'Letter to the Editor' trên NEJM ngày 30/1/2020, tác giả báo cáo có người không có triệu chứng nhưng vẫn có thể lây lan cho người khác. Cụ thể hơn, lá thư cho biết một phụ nữ từ Thượng Hải ghé thăm một công ti gần Munich (Đức) vào ngày 20-21/1, nơi bà có cuộc họp với 4 người mà sau này bị nhiễm. Người phụ nữ đó khỏe mạnh khi ở Munich, nhưng khi về Thượng Hải thì mắc bệnh.

Nhưng nhóm tác giả người Đức của lá thư trên NEJM không hề liên lạc với người phụ nữ trước khi công bố lá thư trên NEJM! Họ chỉ dựa vào nguồn tin của 4 người Đức kia. Sau này, khi giới chức y tế Đức liên lạc người phụ nữ ở Thượng Hải (qua phone) thì mới biết là bà đã có triệu chứng (mệt mỏi, đau cơ, và dùng paracetamol, thuốc hạ sốt) khi còn ở Đức. Nhóm tác giả sau đó cũng có vẻ ân hận về lá thư.

Do đó, khả năng lây lan SARS-Cov-2 từ người không có triệu chứng là không đúng, không có chứng cớ.

GS Nguyễn Văn Tuấn giải tỏa hiểu lầm sau những thông tin có vẻ khoa học về Covid-19 - Ảnh 3.

Hai bác sĩ của bệnh viện ở tỉnh An Huy, Trung Quốc múa Hồ Thiên nga trong khi vẫn mặc nguyên bộ đồ phòng hộ trên người để mừng 6 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được xuất viện.

GS Nguyễn Văn Tuấn giải tỏa hiểu lầm sau những thông tin có vẻ khoa học về Covid-19 - Ảnh 4.

Hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở BV Chợ Rẫy được xuất viện trong niềm vui khôn tả. Ảnh Huy Hậu.

Thuyết âm mưu

Có thuyết âm mưu cho rằng virus gây dịch Covid-19 được tạo ra trong một phòng thí nghiệm. 'Cơ sở khoa học' cho thuyết này là '4 đoạn chất liệu di truyền' của HIV (virus gây bệnh AIDS) có thể đã được sử dụng để tạo ra SARS-Cov-2 (virus gây dịch COVID-19). Nhưng 'thuyết' này không đúng. Bài báo (của một nhóm nghiên cứu bên Ấn Độ) làm cơ sở cho thuyết đó đã bị rút xuống.

Ngày 14/2/2020, một nhóm nghiên cứu công bố kết quả một phân tích di truyền cho thấy HIV-1 chẳng dính dáng gì đến virus Covid-19. Họ xác định (một lần nữa) là 96% chất liệu di truyền của SARS-Cov-2 tương đồng với con coronavirus trong dơi.

Cụ thể hơn, 3 trong 4 đoạn di truyền đó được tìm thấy trong coronavirus ở loài dơi, và sự thật này cho thấy đây là một mối liên hệ tiến hóa (ai học về genetic linkage đều biết tôi nói gì ở đây).

Hơn nữa, 4 đoạn di truyền đó cũng được tìm thấy trong côn trùng, vi trùng, và các virus khác thuộc dòng corona. Như vậy chứng cớ cho thấy SARS-Cov-2 tiến hóa từ coronavirus trong dơi, chứ không phải được nhân tạo trong một labo.

Nhiều chuyên gia khác trên thế giới cũng đã xác định là virus Covid-19 không phải do nhân tạo. Ấy vậy mà vẫn có những người trong ngành y tin vào thuyết này!

Nhìn tình hình chung, có lẽ chúng ta sẽ đối đầu với một pandemic - đại dịch, dù WHO không/chưa muốn dùng chữ đó. Các chuyên gia dịch tễ học có kinh nghiệm về bệnh truyền nhiễm trên thế giới đều đồng ý là chúng ta rồi sẽ sống chung với con virus mới, và kết cục của sự bộc phát dịch lần này là một cúm mùa mới mà họ gọi là 'Fifth Endemic Coronavirus' (tức dịch cúm thứ 5 virus corona).

Các chuyên gia này dự báo rằng rồi đây chúng ta sẽ làm quen với thuật ngữ mới: 'cold and flu and COVID-19 season.'

Con virus mới SARS-Cov-2, đứng trên khía cạnh dịch tễ học, rất thú vị. Thú vị ở chỗ nó rất đặc thù và đầy mâu thuẫn.

Nó độc hại ở nhóm người này, nhưng không quá độc hại ở nhóm người kia. Nó gây bệnh, nhưng có khi không cho chúng ta tín hiệu để đoán trước (như 14 người Mỹ trên du thuyền ở Nhật được xét nghiệm dương tính nhưng họ khỏe mạnh). Do đó, nó sẽ là một đối tượng của nhiều nghiên cứu khoa học trong tương lai.

Tôi tin tưởng vào khoa học. Và thông tin khoa học chính xác sẽ 'giải phóng' chúng ta khỏi sự nô lệ của sự hoang mang và hoảng loạn, và giúp chúng ta nhìn vấn đề với hi vọng hơn là bi quan.

[1] https://www.who.int/…/situ…/20200219-sitrep-30-covid-19.pdf…

[2] https://www.bmj.com/content/368/bmj.m606

[3] https://www.cdc.gov/sars/about/faq.html

[4] https://academic.oup.com/…/…/doi/10.1093/jtm/taaa021/5735319

[5] https://www.mdpi.com/2077-0383/9/2/388/pdf

[6] https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMc2001468

[7] https://www.sciencemag.org/…/paper-non-symptomatic-patient-…

[8] https://www.tandfonline.com/…/full/10…/22221751.2020.1727299

[9] https://www.thelancet.com/…/PIIS0140-6736(20)30418…/fulltext

[10] https://www.theatlantic.com/…/archive/2020/02/covid…/607000/

[11] https://www.theatlantic.com/…/archive/2020/02/covid…/607000/


Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là Giáo sư xuất sắc và Giám đốc labo nghiên cứu cơ xương thuộc Đại học Tôn Đức Thắng, Giáo sư thỉnh giảng của Đại học Y Hà Nội, và Giáo sư danh dự của Đại học Dược Hà Nội.

Ở Úc, ông là Senior Principal Fellow (chức danh cao nhất trong hệ thống khoa học Úc) và trưởng labo di truyền loãng xương của Viện nghiên cứu y khoa Garvan, Giáo sư Trường Y, Đại học New South Wales (UNSW Sydney) và Giáo sư Y khoa Tiên lượng (Predictive Medicine) thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS). Ông đã công bố hơn 300 công trình nghiên cứu trên các tập san nổi tiếng trên thế giới, kể cả Nature, Science, JAMA, BMJ, Lancet, và New England Journal of Medicine.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là một trong những nhà nghiên cứu y khoa được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới. Ông được trao nhiều giải thưởng ở nước ngoài và trong nước về những thành tích khoa học và giáo dục. Năm 2018, ông được bầu làm Fellow của American Society for Bone and Mineral Research (Hiệp hội nghiên cứu xương Hoa Kỳ).

GS Nguyễn Văn Tuấn giải tỏa hiểu lầm sau những thông tin có vẻ khoa học về Covid-19 - Ảnh 8.

GS Nguyễn Văn Tuấn (từ Úc)

NỔI BẬT TRANG CHỦ