• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Guam "sạch bóng" máy bay ném bom Mỹ: Vì đâu nên nỗi?

Thế giới 25/04/2020 14:03

(Tổ Quốc) - Nhiều mâu thuẫn xung quanh việc Lầu Năm góc đưa các máy bom ném bom hạng nặng rời khỏi Guam trở về các căn cứ trong nội địa Mỹ.

Khi 5 chiếc B-52 rời căn cứ không quân Andersen tại hòn đảo Thái Bình Dương vào ngày 17/4, nó đánh dấu sự chấm dứt sứ mệnh Sự hiện diện liên tục của máy bay ném bom (CBP) – từng được Lầu Năm góc ca tụng là chiến lược quan trọng để ngăn chặn các đối thủ tiềm năng cũng như trấn an các đồng minh của Mỹ tại châu Á và Tây Thái Bình Dương.

Theo CBP, các máy bay ném bom B-52, B-1 và máy bay ném bom tàng hình B-2 được triển khai tới căn cứ không quân Andersen luân phiên 6 tháng một - giúp đặt lực lượng không lực chiến lược  của Mỹ cách các điểm nóng của Thái Bình Dương như Triều Tiên và Biển Đông – chỉ vài giờ bay.

Giờ đây, Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ cho rằng, các máy bay ném bom sẽ hiệu quả hơn nếu xuất phát từ các căn cứ quê nhà trong nội địa Mỹ và khi cần, chúng vẫn có thể được triển khai tới Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nếu từ nội địa Mỹ, các máy bay sẽ phản ứng nhanh hơn trước các diễn biến tại Vịnh Ba tư.

"Mỹ đang quá độ sang một cách tiếp cận cho phép các máy bay ném bom chiến lược tác chiến thẳng tới khu vực Ấn Độ Dương từ nhiều điểm hải ngoại khi cần thiết và với tính linh hoạt lớn hơn, trong khi những máy bay này đỗ thường trực tại Mỹ", thiếu tá Kate Atanasoff, phát ngôn viên của Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ cho hay. Động thái này cũng được đánh giá là phù hợp với Chiến lược Quốc phòng năm 2018 của Mỹ, trong đó kêu gọi các lực lượng quân đội nước này "hoạt động một cách khó dự đoán" hơn.

Guam "sạch bóng" máy bay ném bom Mỹ: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1.

Máy bay B-52, B-1 và B-2 của Không lực Mỹ xuất phát từ căn cứ không quân Andersen ngày 17/8/2016 (ảnh: Không lực Mỹ)

Ý nghĩa tích cực

Nhìn từ lập trường chính trị, giới phân tích chỉ ra nhiều ý nghĩa mang tính tích cực.

"Tính chất không thay đổi và dễ dự đoán của việc triển khai tại Guam làm nảy sinh những nguy cơ dễ tổn thương trong tác chiến nghiêm trọng", ông Timothy Heath, nhà nghiên cứu phòng thủ của tổ chức tư vấn chính sách ROND Corp. nhận định. "Do biết rõ sự hiện diện của các máy bay ném bom, một chiến lược gia của quân đội Trung Quốc có thể dễ dàng tìm thấy những cách khác nhau để phá hủy chúng".

Trong thực thế, mẫu tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 của Trung Quốc từng được một số chuyên gia gọi là "kẻ diệt Guam" sau khi nó ra mắt vào năm 2015 và gây chú ý bởi khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ từ đại lục Trung Quốc.

Năm 2017, Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa đạn đạo tầm trung mang tên Hwasong-12, được cho là nằm trong kế hoạch nhằm "kiềm chế Guam".

"Rời khỏi Guam giúp làm giảm khả năng trở thành mục tiêu của các tên lửa đạn đạo từ Trung Quốc và Triều Tiên", ông Carl Schuster, cựu giám đốc tại Trung tâm Tình báo liên quân thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ chỉ ra.

Ngoài ra nó cũng sẽ gia tăng tính đảm bảo cho các đồng minh của Mỹ. "Tokyo và Seoul, cũng như các đồng minh, đối tác khác tại châu Á gần như chắc chắn sẽ cảm thấy an tâm trước chứng cứ rằng, Mỹ đang thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ phòng thủ, đồng thời cải thiện năng lực ngăn chặn và sẵn sàng của các lực lượng chiến đấu chủ chốt thông qua nhiều hành động bao gồm cả chấm dứt CBP", ông Heath phân tích.

Guam "sạch bóng" máy bay ném bom Mỹ: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 2.

Một máy bay ném bom B-1 từ căn cứ Andersen chuẩn bị tham gia sứ mệnh với Nhật Bản và Hàn Quốc tại Biển Nhật Bản vào năm 2017 (ảnh: Không lực Mỹ)

Còn theo ông Schuster, các vũ khí chủ chốt - cụ thể là các máy bay ném bom, sẽ được chuyển khỏi tầm tấn công đầu tiên của đối thủ. Tuy nhiên, do được trang bị các tên lửa tấn công tầm xa và hỗ trợ bởi các máy bay nạp nhiên liệu, các pháo đài ném bom có thể quay trở lại hành động tại Thái Bình Dương chỉ trong chưa đầy một ngày từ các căn cứ nội địa như Bắc Dakota hay Louisiana.

Để minh chứng luận điểm trên, hôm thứ tư (22/4), Không lực Mỹ đã cử một máy bay ném bom B-1 từ căn cứ Nam Dakota tới Nhật Bản trong hành trình kéo dài 30 tiếng. Tại đây, nó đã tham gia diễn tập cùng với các phi cơ chiến đấu F-15 và F-2 của Nhật bản cũng như các phi cơ F-16 của Mỹ.

"Chiến dịch này thể hiện cam kết không thay đổi của Mỹ với an ninh và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương thông qua triển khai các lực lượng chiến lược từ khắp nơi trên thế giới", Tướng CQ Brown Jr., Chỉ huy Không lực Thái Bình Dương Mỹ tuyên bố.

Ông Schuster nhận xét, ngay cả khi các máy bay ném bom xuất phát từ nội địa Mỹ, quân đội Mỹ vẫn duy trì được hỏa lực trong khu vực – bao gồm các phi cơ F-35, F-16 và F-15 tại Nhật Bản, cùng với các tàu chiến và tàu ngầm có trang bị tên lửa hành trình Tomahawk – trong trường hợp phải đối phó với giai đoạn mở đầu của một cuộc xung đột.

Trong khi đó, các đồng minh và đối tác của Mỹ cũng sở hữu quân đội với năng lực chiến đấu cao. "Động thái còn là một tín hiệu chứng tỏ sự tự tin vào năng lực bản thân của họ", ông Schuster nói.

Guam "sạch bóng" máy bay ném bom Mỹ: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 3.

Máy bay ném bom B-1 của Mỹ và phi cơ chiến đấu Hàn Quốc tập trận chung trên bán đảo Tiên vào tháng 12/2017 (ảnh: Không lực Mỹ)

Những nghi ngại

Dĩ nhiên, cùng lúc cũng có không ít hoài nghi rằng, không phải ai cũng nhìn nhận việc để các máy bay ném bom rời Guam theo đúng cách Washington mong muốn.

Kế hoạch mới của Mỹ diễn ra vào thời điểm chính quyền Tổng thống Donald Trump yêu cầu các đồng minh chi trả cho chi phí binh lính Mỹ đóng quân tại nước họ.

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore năm 2017, ông Trump từng đặt câu hỏi về chi phí cho các máy bay ném bom tại Guam khi chúng được sử dụng để tập trận tại Hàn Quốc.

"Tập trận rất tốn kém, chúng tôi trả phần lớn chi phí, chúng tôi cử các máy bay ném bom đến từ Guam", ông Trump nói. "Tốn nhiều thời gian để những máy bay khổng lồ này bay tới Hàn Quốc để tập luyện, thả bom khắp nơi rồi quay trở về Guam. Tôi rất hiểu về máy bay, nó rất đắt đỏ đấy".


Những phát biểu như trên đã làm nảy sinh nghi ngờ về cam kết của Washington với Thái Bình Dương. Và sự ra đi của các máy bay ném bom tại Guam càng khiến nỗi lo ngại này thêm sâu sắc.

"Việc chấm dứt CBP gửi đi một thông điệp chiến lược rõ ràng tới các đồng minh của Mỹ tại Thái Bình Dương. Từng bước một, Mỹ đang rời đi", ông Peter Layton, một cựu quân nhân không lực Mỹ và hiện là nhà phân tích tại Viện Griffith châu Á nói. "Đó không phải là trấn an mà là lời nhắc nhở rằng, thời thế đã thay đổi".

Ông Layton cũng lưu ý, các máy bay ném bom Mỹ rời Guam vào đúng lúc Trung Quốc đang gia tăng hiện diện quân sự gần Đài Loan và cả Biển Đông. Theo ông, kết thúc công khai của CBP có bị hiểu là một dấu hiệu về sự trỗi dậy của Trung Quốc và rút lui của Mỹ trong khu vực.

Hồi tháng 2, chính Không lực Mỹ từng ca ngợi sự hiện diện của các máy bay B-52 tại Guam cùng với các phi cơ chiến đấu Mỹ và Nhật Bản đang tham gia huấn luyện thể hiện "sự kiên định theo chính sách tự do di chuyển hàng hải vốn rất nổi tiếng và lâu đời của Mỹ".

Các máy bay ném bom tại Guam được sử dụng trong các sứ mệnh liên quan tới Biển Đông hoặc trong các chuyến bay qua bán đảo Triều Tiên, nhằm chứng tỏ sự hiện diện của Mỹ trong thời kỳ căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên tăng cao.

Các chuyến bay trên và xung quanh Hàn Quốc thường vấp phải phản ứng mạnh từ Bình Nhưỡng. Năm 2017, sau khi các máy bay ném bom B-1 từ Guam xuất hiện trên không phận Hàn Quốc, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA từng gọi ví Mỹ giống như "găng-tơ", sử dụng đe dọa hạt nhân để "nhấn chìm" Triều Tiên bằng mọi giá.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ