• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội mới cải tạo được 1% chung cư cũ

Thời sự 16/12/2015 06:23

(Toquoc)- Từ khi Hà Nội có nghị quyết về cải tạo chung cư cũ (năm 2005), tới nay mới cải tạo được 14 chung cư (tương ứng với 1%)

(Toquoc)- Từ khi Hà Nội có nghị quyết về cải tạo chung cư cũ (năm 2005), tới nay mới cải tạo được 14 chung cư, tương ứng với 1% số lượng chung cư cũ trên toàn TP.

Cơi nới mọi chỗ có thể

Theo Sở  Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn hiện có hơn 1.500 chung cư cũ có quy mô từ 2-5 tầng và được xây dựng chủ yếu từ năm 1960 đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Riêng các quận nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng có 935 nhà chung cư cũ, còn lại rải rác ở các quận còn lại và Đông Anh, Gia Lâm.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các hộ gia đình được phân phối nhà sau 40 năm đến 50 sử dụng đã phát triển  thành nhiều thế hệ, sự yếu kém về quản lý nên hầu hết các chung cư đều có việc cơi nới, xây dựng lấn chiếm đất trồng, sân chung, hay đeo ba lô, chuồng cọp.

Qua điều tra sơ bộ, các khu chung cư, mật độ xây dựng hầu hết tăng gấp đôi so với thiết kế ban đầu, dân cư tăng khoảng 1,5 lần. Đồng thời cũng có sự chuyển dịch cư dân, những hộ dân ban đầu được phân quỹ nhà có điều kiện đã chuyển đi nơi khác phù hợp, tầng 1 đa số các hộ sử dụng làm nơi kinh doanh.



Hầu hết các chung cư đều có việc cơi nới, xây dựng lấn chiếm đất trồng, sân chung, hay đeo ba lô, chuồng cọp

Theo ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển Nhà, Sở Xây dựng Hà Nội, một tình trạng chung là các chung cư cũ đều cơi nới với các mức độ khác nhau, cơi nới cả ở phía trước, sau, đặc biệt, có nơi còn cơi nới thành nơi ở cả trên mái như C1,2 Ngọc Khánh, khu Tân Mai, Mai Động, Kim Giang… Hoặc đã được các chủ nhà tháo dỡ xây lại: E1,2,3 Ngọc Khánh. Việc này làm ảnh hưởng lớn tới thoát nạn khi xảy ra sự cố hỏa hoạn và làm tăng tải trọng công trình.

Việc cải tạo sửa chữa tùy tiện cũng dẫn đến thấm dột khu vệ sinh, ảnh hưởng đến khả năng chịu lực kết cấu, úng ngập…

Rất nhiều chung cư trong tình trạng nghiêng lún nghiêm trọng, xuống cấp nguy hiểm như A2 Ngọc Khánh, E6-7 Quỳnh Mai, B1 Giảng Võ…

Được biết, năm 2015 Sở Xây dựng Hà Nội kiểm định 42 chung cư lún, lệch mức độ lớn, có tuổi đời hơn 60 năm. Dự tính, năm 2016 sẽ tiếp tục kiểm định 62 công trình và năm 2017 là 75 công trình.

Ì ạch cải tạo

Đáng nói, từ khi Hà Nội có nghị quyết về cải tạo chung cư cũ năm 2005, tới nay mới cải tạo được 14 chung cư, tương ứng với 1% số lượng chung cư trên toàn TP.

Theo ông Dũng, việc cải tạo chung cư cũ đang rất ì ạch, nguyên nhân chủ yếu là do chủ sở hữu chung cư là người dân, nên nguyên tắc khi cải tạo chung cư là phải tự cân đối tài chính, người dân và chủ đầu tư dự án phải thỏa thuận, vì nhà nước không đủ nguồn lực để sửa chữa.

Ngoài ra, nếu nhà nước bỏ tiền sửa sẽ mất công bằng xã hội, gây bức xúc với những người dân có nhà riêng khác; người dân không đồng thuận về phương án tạm cư hoặc phần diện tích đền bù.

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Dũng cho hay, Hà Nội đã báo cáo và được Chính phủ đồng thuận xem xét chiều cao đối với từng dự án cải tạo, xây dựng các công trình chung cư cũ trong nội đô. Hà Nội cũng sẽ quy hoạch lại các khu chung cư cũ, không làm kiểu xóa nhà này xây nhà khác gây áp lực dân số, tắc đường, thiếu trường… như hiện nay.

“Ví dụ như khu Giảng Võ, Kim Liên sẽ quy hoạch thành các khu riêng, dồn lại thành một vài tòa cao tầng, gia tăng quỹ đất, cải tạo hạ tầng, gỡ bài toán hạn chế dân số trong khu vực nội đô”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, cơ chế hiện nay cho phép cưỡng chế nếu người dân và chủ đầu tư không thỏa thuận được trong thời gian hạn định, sẽ giúp đẩy tiến độ cải tạo nhà chung cư.

Sở Xây dựng cũng sẽ trình TP thành lập Ban chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Sở Quy hoạch kiến trúc cũng đẩy nhanh tiến độ trình quy hoạch phân khu khu vực nội đô làm cơ sở xác định thông số quy hoạch kiến trúc khu vực cải tạo, xây dựng lại khu chung cư cũ để thông báo công khai cho người dân và nhà đầu tư…

Vụ 8b, Lê Trực: phá dỡ được 50m2 sàn

Liên quan tới công trình tại 8b Lê Trực, chiều 15/12, ông Lưu Quang Huy, Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, hiện tại chủ đầu tư là Công ty cổ phần May Lê Trực đang thực hiện tháo dỡ phần tum, diện tích phá dỡ đến thời điểm này mới chỉ được 50m2 sàn.

"Chủ đầu tư tháo dỡ phần diện tích vi phạm chậm, không đúng theo yêu cầu của TP và Hà Nội cũng đã yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ phá dỡ hơn nữa. Nếu không cam kết đạt được theo tiến độ, Hà Nội sẽ thực hiện cưỡng chế phần diện tích sai phạm theo đúng giấy phép xây dựng đã cấp trước đây" - ông Huy cho biết.

Hà Nội cũng sẽ làm việc với thiết kế và thi công để chốt tiến độ cụ thể do phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khu dân cư bên cạnh.

 

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ