• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội: Những công trình biểu tượng đi xuyên hai thế kỷ

Du lịch 15/10/2018 07:39

(Tổ quốc) - Những công trình kiến trúc tiêu biểu được coi là biểu tượng của Pháp có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi ở thủ đô Hà Nội.

Phủ toàn quyền Đông Dương do kiến trúc sư Charles Lichtenfelder thiết kế và được xây dựng trong những năm 1901-1906 với quy mô hoành tráng, uy nghiêm và quyền lực. Đây là một trong những dinh thự lớn nhất được Pháp xây ở Đông Dương, tòa nhà có phong cách hoàn toàn Châu Âu. Năm 1945, tòa nhà được đổi tên thành Phủ Chủ Tịch. Trong 15 năm, từ năm 1945 đến năm 1969, tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp trên 1000 đoàn đại biểu trong nước và ngoài nước.


Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc phục vụ biểu diễn nghệ thuật tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, vị trí đầu phố Tràng Tiền, không xa hồ Hoàn Kiếm và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Công trình được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng mang tầm vóc nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Tác phẩm của 2 kiến trúc sư Harlay và Broyer mang nhiều màu sắc, đường nét kiến trúc của các nhà hát ở miền Nam nước Pháp.


Nhà thờ Lớn Hà Nội (tên chính thức: Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse) là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Hà Nội, nơi có ngai tòa của tổng Giám mục. Đây cũng là một nhà thờ cổ tại thành phố này, thường xuyên diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của các giáo dân thuộc tổng giáo phận Hà Nội. Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu, rất thịnh hành trong thế kỷ 12 và thời Phục Hưng ở châu Âu, làm theo mẫu của Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bổi. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc. Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá.


Bảo tàng Louis Finot (Bảo tàng lịch sử ngày nay) thuộc trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (École Française d'Extrème - Orient), do các kiến trúc sư C.Batteur và E.Hébrard thiết kế năm 1925 có thể được coi là một đại diện lớn của phong cách Kiến trúc Đông Dương, một phong cách nỗ lực kết hợp các giá trị của nền kiến trúc Pháp với các giá trị kiến trúc bản địa. Mặc dù hình khối theo kiểu bát giác mang nhiều nét của kiến trúc Trung Hoa cổ, nhưng nhìn toàn bộ khối mái này lại gợi cho chúng ta hình ảnh của tháp chuông chùa Keo, Thái Bình do cách xử lý khéo léo của các kiến trúc sư - tác giả theo kiểu hệ mái ba lớp với các con sơn liên tục chồng lên nhau. Bảo tàng là một công trình văn hóa lớn lúc bấy giờ nên khối sảnh bát giác mang nhiều tính hình thức của chủ nghĩa Biểu hiện là điều dễ hiểu và tạo được ấn tượng tốt.


Đầu thế kỷ XIX, người Pháp đã tính đến việc xây dựng các tòa nhà đồ sộ làm trụ sở cho Ngân hàng Đông Dương tại Việt Nam. Trụ sở Chi nhánh Ngân hàng Đông Dương tại Hà Nội - nay là Trụ sở NHNN Việt Nam


Tòa nhà trụ sở Bộ Ngoại giao, hay còn gọi là tòa nhà trăm mái, nằm trên trục phố Chu Văn An cắt hai đường Điện Biên Phủ và Tôn Thất Đàm, ở giữa nối thẳng với quảng trường Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây được xem là một trong những tòa nhà có kiến trúc đẹp nhất ở Hà Nội. Trước kia, tòa nhà là Sở tài chính Đông Dương và được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao làm Trụ sở của Bộ Ngoại giao từ ngày 3/10/1945. Công trình được kiến trúc sư Ernest Hebrard thiết kế năm 1924, khởi công xây dựng năm 1925 và hoàn thành năm 1928, theo Đồ án Quy hoạch chi tiết khu trung tâm hành chính, chính trị Đông Dương. Trải qua gần trăm năm lịch sử, tòa nhà được đánh giá có kiến trúc đẹp, nổi bật tiêu biểu cho phong cách kiến trúc phương Đông, góp phần tạo nên vẻ đẹp kiến trúc đô thị và sự hấp dẫn của Thủ đô.


Bắc Bộ Phủ là nơi đặt trụ sở chính quyền Bắc Kỳ. Sau khi Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945 tòa nhà được đổi tên lại là Phủ khâm sai Bắc Kỳ. Kết thúc Chiến trang Đông Dương 1954, Bắc Bộ phủ được tu sửa lại và trở thành Nhà khách Chính phủ.


Sở Bưu điện Hà Nội nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng là một trong những công trình được xây dựng từ khá sớm kể từ khi Hà Nội bắt đầu được quy hoạch và mở rộng với việc lấy khu vực Hồ Gươm làm trung tâm để phát triển. Tòa nhà đầu tiên do kiến trúc sư Henri Vildieu thiết kế và xây dựng vào các năm 1893 – 1899 theo phong cách kiến trúc tân cổ điển. Mặt chính của tòa nhà trông ra phố Đinh Tiên Hoàng, mặt bên trông ra phố Lê Thạch ngày nay. Từ năm 1910 trở đi, tòa nhà đã được tu sửa và mở rộng nhiều lần do có những dấu hiệu thiếu đảm bảo an toàn. Năm 1943, Sở Bưu điện Hà Nội xây dựng thêm một tòa nhà mới mang phong cách kiến trúc hiện đại nằm ở góc phố Đinh Tiên Hoàng và Đinh Lễ.


Năm 1889 chợ Đồng Xuân được người Pháp quy hoạch xây dựng trên vùng đất bãi bồi của sông Tô Lịch, gồm 5 dãy nhà, mặt trước là các vòm cuốn theo kiến trúc Pháp. Lịch sử của chợ gắn liền với sự hình thành và phát triển thương mại của đất Thăng Long, là nơi tập trung giao thương lớn nhất Bắc Kỳ thời xưa. Nơi đây còn chứng kiến nhiều biến cố, thăng trầm của Thăng Long- Hà Nội, chứa đựng không ít tinh hoa văn hiến trên mảnh đất kinh kỳ nghìn năm. Nổi bật nhất trong 60 ngày đêm Hà Nội rực lửa năm 1946, chợ Đồng Xuân ghi đậm dấu ấn quân và dân khu phố Đồng Xuân đã chiến đấu anh dũng, cầm chân và gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại nặng nề. Nhờ đó, góp phần bảo vệ cho cơ quan đầu não rút lui an toàn, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, cùng Thủ đô được giải phóng hoàn toàn vào ngày 10/10/1954.


Mở cửa từ năm 1901, khách sạn khi đó có tên là Grand Hotel Metropole Place. Khách sạn do Gustave Émile Dumoutier, một viên chức trong ngành giáo dục và Andre Ducamp, nhà đầu tư độc lập người Pháp, góp vốn dưới danh nghĩa Công ty kinh doanh bất động sản Pháp (Societe Francaise Immobiliere). Trải qua 116 năm lịch sử, Sofitel Legend Metropole Hà Nội đón rất nhiều vị khách nổi tiếng, trong đó có không ít chính khách trong những chuyến thăm hữu nghị Việt Nam. Nơi đây từng được chọn làm chốn nghỉ của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande, cựu Tổng thống Thụy Sĩ, Cộng hòa Togo, Vua Malaysia, Công chúa Monaco, Hoàng tử William, Thủ tướng Đan Mạch, Australia, Nhật, Singapore, Hàn Quốc, Pháp, Canada, Nigeria, Na Uy... Mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump nghỉ tại đây trong chuyến công du đầu tiên đến châu Á.


Được người Pháp xây dựng lần đầu vào năm 1901 với tên gọi Maison Godard (Nhà Godard), Maison Godard được xem là bước ngoặt cho thương mại Hà Nội vốn trước đó chỉ có các chợ truyền thống và chỉ phục vụ các khách hàng người Pháp và người Việt giàu có. Đến năm 1960, tòa nhà được đổi tên thành Bách hóa Tổng hợp và trở thành cửa hàng lớn nhất miền Bắc thời bao cấp. Bách hóa Tổng hợp đã trở thành biểu tượng thương mại và là một phần không thể thiếu của người dân Hà Nội khi ấy. Sau đó, tòa nhà được xây dựng lại và đổi tên thành Tràng Tiền Plaza vào năm 2002 và bắt đầu kinh doanh các mặt hàng được coi là xa xỉ đối với thời kỳ đổi mới trong 10 năm.


Cầu Doumer (cầu Long Biên ngày nay) là cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, khánh thành năm 1902 với chiều dài 1.682 m, tiêu tốn 30.000 m3 đá và 5.300 tấn thép. Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cầu được coi là công trình kết cấu thép đồ sộ nhất khu vực Đông Nam Á. Ngày nay, Cầu Long Biên nối liền hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên.


Ảnh tư liệu bảo tàng lịch sử Việt Nam

Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ