• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội: Tọa đàm "Xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị"

Văn hoá 21/05/2020 09:25

(Tổ Quốc) - Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI); Tọa đàm "Xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị"; Triển khai thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 là những thông tin văn hóa và gia đình nổi bật tại Thủ đô Hà Nội.


Hà Nội: Tọa đàm "Xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị" - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (nguồn: Sở VHTT Hà Nội)

Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI)

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch triển khai sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Theo đó, Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị bám sát những nhiệm vụ trọng tâm được nêu ra trong Chỉ thị số 41-CT/TW để tổ chức sơ kết.

Sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW nhằm đánh giá toàn diện và sâu sắc công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện, nêu rõ kết quả, khó khăn, vướng mắc, hạn chế và nguyên nhân; từ đó, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị trên địa bàn thành phố trong những năm tiếp theo.

Việc sơ kết Chỉ thị số 41-CT/TW gắn với đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg, ngày 20/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc "chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm"; Nghị định số 110/2018/NĐ- CP, ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về "quản lý và tổ chức lễ hội; Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVI) về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020"; Chỉ thị số 03-CT/TU của Thành ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội"... và các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của địa phương, đơn vị.

Sơ kết Chỉ thị phải được tiến hành nghiêm túc, có chất lượng, đảm bảo tiến độ thời gian, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.

Tọa đàm "Xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị"

Quận Hai Bà Trưng vừa tổ chức chương trình Tọa đàm "Xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị".

Theo báo cáo, qua hơn 4 năm thực hiện, BCĐ Chuyên đề: "Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn quận Hai Bà Trưng giai đoạn 2016 - 2020" luôn bám sát tinh thần chỉ đạo, nghiêm túc xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, phổ biến và triển khai thực hiện chuyên đề.

Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh đã thu được kết quả đáng khích lệ. Văn hóa ứng xử của người dân chuyển biến tích cực từ nhận thức tới hành vi. Trên địa bàn quận, không có các vụ bạo hành gia đình, tỷ lệ các vụ việc mâu thuẫn trong gia đình và giữa bà con khu phố đã giảm đáng kể. Văn hóa ứng xử giao tiếp trong cộng đồng trở nên văn minh, gần gũi.

Người dân quận Hai Bà Trưng đã nâng cao nhận thức, ý thức và tự giác hành động để xây dựng và phát huy nếp sống văn minh thanh lịch của người Thủ đô; Hội nghị tọa đàm về nâng cao hiệu quả Quy tắc ứng xử nơi công cộng được thực hiện tại 100% các tổ dân phố, thu hút đông đảo cán bộ cơ sở và nhân dân trên địa bàn tham dự. Hướng dẫn và triển khai đến 18 phường tổ chức tốt các mô hình tuyên truyền "Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội" và "Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố" tại quận Hai Bà Trưng.

Tại buổi tọa đàm, đã có nhiều ý kiến phát biểu thảo luận sôi nổi, phần lớn các ý kiến đã tập trung đưa gia những giải pháp, nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động đến từng người dân, từng hộ gia đình để trong thời gian tới thực hiện có hiệu quả hơn các biện pháp nhằm xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, các quy tắc ứng xử nơi công cộng và đưa quy tắc thực sự đi vào cuộc sống của người dân, góp phần xây dựng truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội nói chung và người dân trên địa bàn quận Hai Bà Trưng nói riêng.

Triển khai thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2020

UBND huyện Chương Mỹ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 với chủ đề "Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em".

UBND huyện yêu cầu các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức phù hợp điều kiện của từng địa phương, đơn vị và các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 100% các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai.

Tháng hành động vì trẻ em năm nay diễn ra từ ngày 1/6 – 30/6/2020 với các hoạt động thiết thực như: Tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, tập trung các quy định của Luật Trẻ em; tuyên truyền Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em và các chế tài xử lý các hành vi vi phạm quyền trẻ em, xâm hại trẻ em theo quy định của Luật hình sự, xử lý vi phạm hành chính, phòng, chống bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, huyện sẽ tổ chức truyền thông, tư vấn cung cấp kiến thức kỹ năng sống cho trẻ; kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích; kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; thường xuyên rà soát, quản lý trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng để có giải pháp ngăn ngừa, trợ giúp kịp thời…

Trong dịp này, huyện cũng tổ chức các hoạt động hỗ trợ khám, chữa bệnh, phẫu thuật, chỉnh hình, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng cho trẻ em có thành tích tốt trong học tập và rèn luyện, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong các hộ gia đình nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số…

Ngoài ra, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn, bổ ích cho trẻ em gắn với các công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em và phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước. Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho trẻ em và người chăm sóc trẻ. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để hỗ trợ cho trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng; đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, cơ sở vật chất hoặc nâng cấp các công trình trường, lớp học, nhà bán trú, bể bơi, trang thiết bị vui chơi giải trí, sân chơi cho trẻ em tại cộng đồng…nhằm tạo cho trẻ em môi trường an toàn để phát triển.

Lan Anh (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ