• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Tĩnh: Những giọt nước mắt đắng cay sau cuồng phong mang tên số 10

Thời sự 17/09/2017 08:07

(Tổ Quốc) - Trở về nhà sau khi cơn bão số 10 đi qua, người dân nhiều làng quê ven biển ở Hà Tĩnh không thể tin vào mắt mình. Những ngôi làng, ngôi nhà yên bình của họ như bãi chiến trường tan hoang, đổ nát.

Sáng sớm ngày 16/9, chúng tôi có mặt tại xã Kỳ Nam, Thị xã Kỳ Anh. Chứng kiến cảnh hoang tàn đổ nát ở nơi mảnh đất đầu sóng ngọn gió có thể nhận thấy rõ mức độ tàn phá khủng khiếp của cơn bão số 10.

Nhiều căn nhà tại thôn Nam Hải, xã Kỳ Nam trơ trọi sau cơn bão số 10.

 Nhà cửa đổ sập. Cây cối gãy đổ ngổn ngang. Tôn, ngói lợp, hàng rào bị gió bão quật đổ, đánh bay hàng chục mét. Những người dân mếu máo, vừa khóc vừa dọn dẹp. Nhiều người dân rơi vào cảnh trắng tay sau bao năm chắt bóp, gây dựng.

Nằm dưới dãy núi Hoành Sơn Quan, hàng chục năm nay gia đình anh Ngyễn Văn Đức được ngọn núi linh thiêng chở che. Cứ tưởng chừng như mưa thuận gió hòa. Ai ngờ, cơn bão số 10 đã khiến nhà anh tan hoang, trơ trọi.

Vợ con anh Ngyễn Văn Đức thẫn thờ, vật vã vì Bão đã lấy đi gần toàn bộ tài sản trong gia đình.

Vợ anh Đức vừa bế con vừa buộc lại những tấm liếp giường te tua rồi lại khóc nức nở kể lại: “12 giờ trưa cả nhà bắt đầu bưng bát cơm lên ăn thì gió từng cơn thổi thốc vào nhà như bay hết tất cả. Từng cánh cửa, đến mái tôn, nồi niêu xong chảo cứ lần lượt bay vun vút theo cuồng phong. Vợ chồng và 3 đứa con ướt trơ trọi, nhưng vẫn may mắn kịp thời tìm nơi ẩn nấp nếu không cũng đã mất mạng rồi”.

Căn nhà vợ chồng anh Đức nay đã trống huơ trống hoác chỉ còn lại bốn bức tường và 3 đứa con nheo nhóc san sát nhau. Ngày mai đây vợ chồng, con cái sẽ lấy gì ăn qua ngày, đó là một câu hỏi lớn khiến chúng tôi day dứt, trăn trở. Cách nhà anh Đức không xa là ngôi làng chài ven biển có cả trăm hộ dân sinh sống. Nhiều hộ dân sau khi đi tránh bão trở về thì nhà chỉ còn là “vườn không nhà trống”, bởi mọi vật dụng đã trôi ra biển khi sóng đánh, triều cường dâng cao.

Bà Hoàng Thị Huệ (Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) khóc hết nước mắt vì trắng tay sau cơn bão.

Quay trở về Cẩm Xuyên, chúng tôi cảm thấy “sốc” khi chứng kiến cảnh đổ nát ở ngôi làng Nhượng Bạn, xã Cẩm Nhượng. Ngôi làng Nhượng Bạn, bao gồm 2 thôn Nam Hải và Bắc Hải với hơn 2000 hộ dân là nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của cơn bão số 10.

Nhiều gia đình bị trắng tay, nhiều nhà rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Chúng tôi không khỏi xót xa khi đến nhà vợ chồng ông Trần Văn Công (73 tuổi). Hoàn cảnh gia đình ông Công hết sức khó khan, là hộ nghèo, ông bà không còn sức lao động, ngày ngày nhặt con ốc, con cá rơi vãi ở cảng đem về sống qua ngày.

ông Trần Văn Công ngồi thất thần trên căn nhà nay chỉ còn là đống đổ nát.

Năm 2016, ông bà được chính quyền xã hỗ trợ 40 triệu đồng để xây ngôi nhà tình nghĩa này. Cảnh già neo đơn, con cái ở xa đứa nào cũng vất vả nên ngôi nhà là tài sản lớn nhất mà cả cuộc đời của ông bà có được.

“Sáng nay (16/9), vợ chồng tôi trở về thì bàng hoàng khi không thấy nhà đâu nữa mà chỉ còn những viên gạch vỡ vụn. Bà nhà tôi gào khóc thảm thiết dưới đống đổ nát, còn tôi đứng như trời trồng, đầu óc quay cuồng không muốn tin đây là sự thật. Trước bão, vợ tôi mới mua được 5kg gạo cũng bị cuốn trôi hết rồi, giờ trong nhà không còn gì để ăn nữa”, ông Công nghẹn ngào.

Đây là những lương thực ít ỏi còn lại của gia đình một hộ dân đưa ra để cứu đói trong những ngày tới.

Ngồi thẩn thờ bên đống đổ nát, dường như người đàn bà 69 tuổi - bà Hoàng Thị Huệ /không còn chút sức lực nào nữa. Thở những hơi mệt nhọc, bà nghẹn ngào: “Tôi đi bộ đội 6 năm về được xã cấp cho miếng đất này, lúc đó tôi chỉ có thể dựng tạm một cái lều để ở. Dành dụm, chắt góp từng đồng trong suốt 8 năm, cùng với anh em họ hàng hỗ trợ, tôi mới xây được mấy gian nhà, vậy mà giờ tan nát hết cả

rồi các cháu ơi..." bà Huệ nói trong nước mắt.

Bà Huệ kể lại, chiều 14/9, bà cùng với hàng trăm hộ dân địa phương được di dời lên trường THPT Cẩm Xuyên để tránh bão. Suốt đêm ở điểm di trú, bà không tài nào chợp mắt. Khoảng 9h ngày 15/9, những đợt gió bắt đầu gầm rít, cửa sổ phòng học dãy nhà 3 tầng va đập vào nhau liên hồi, lòng bà nôn nao khi nghĩ đến căn nhà không có ai trông coi.

“Khi đi thì nhà cửa kiên cố, khi về chỉ còn lại đống đổ nát. Tôi sống ở đây đã 40 năm nhưng chưa bao giờ có một cơn bão mạnh với sức tàn phá khủng khiếp như vậy. Đồ đạc, tài sản cũng bị nước biển cuốn hết rồi, đời tôi không còn cái gì nữa các cháu ơi…”, giọng bà Huệ lạc đi.

Không những bà Huệ hay ông Công mà cả dãy nhà ven bờ biển thôn Nam Hải này đều chung số phận sau khi cơn bão tàn khốc Doksuri quét qua. Đi khắp đường làng ngõ hẻm chúng tôi đều thấy cảnh tượng hoang tàn, đổ nát. Có tận mắt chứng kiến, người viết mới thấy được sức tàn phá của trận cuồng phong lịch sử nó khủng khiếp đến mức nào.

Nằm ở khúc ruột miền Trung, người dân Hà Tĩnh bao năm vốn quen với gió bão nhưng với bà con thiệt hại và mất mát lần này lại quá lớn... Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên những khuôn mặt hốc hác của những người dân vốn một nắng hai sương.... Bao giờ bà con mới có thể ổn định lại cuộc sống?./.

Ngân Nga

Ngân Nga

NỔI BẬT TRANG CHỦ