• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Tĩnh: Trùng tu, tôn tạo di tích chùa Chân Tiên

Văn hoá 08/03/2019 10:44

(Tổ Quốc) - Mới đây, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh tiến hành khảo sát di tích lịch sử văn hóa chùa Chân Tiên, tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà.

Hà Tĩnh: Trùng tu, tôn tạo di tích chùa Chân Tiên - Ảnh 1.

Cổng chùa Chân Tiên. Ảnh: Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh

Trong chuyến khảo sát, đại diện Công ty Tư vấn Việt Hà đã trình bày phương án trùng tu, tôn tạo lại ngôi chùa, với 18 hạng mục cơ bản, tổng diện tích xây dựng 3.448 m2. Trong đó, nhiều hạng mục được xây mới hoặc trùng tu mở rộng như chùa hạ, lầu chuông, nhà khách, nhà hiến lễ...

Sau khi nghe đơn vị tư vấn trình bày, đại diện Cục di sản Văn hóa và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã đề xuất nhà tư vấn sửa đổi một số hạng mục công trình cho phù hợp với thực tiễn.

Chùa Chân Tiên được xây dựng từ đời nhà Trần, tọa lạc trên đỉnh núi Tiên An, thuộc xã Thịnh Lộc. Chùa Chân Tiên nằm trên núi Tiên An, thuộc địa phận xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài rừng thông tự nhiên trùng trùng điệp điệp xanh tươi bốn mùa, núi Tiên An còn có nhiều động đẹp, như: Động Trúc, Động Mai, Động Thạch Thất, Động Đá Người... và nhiều hang đá cổ, như: hang đá Bàn Cờ, đá Giả Gạo, đá Cối Xay, đá Mười Hai Cửa... đặc biệt có đá Vợ đá Chồng cao lớn sừng sững sánh đôi ngàn đời dưới chân núi, hướng mặt ra biển Đông. Dưới chân núi trước mặt chùa có Bàu Tiên và Bàn Cờ Tiên.

Không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng, chùa Chân Tiên còn là một di tích lịch sử cách mạng, là địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tại địa phương. Với những giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, chùa Chân Tiên đã được Bộ Văn hóa – Thể thao công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1992.

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, thời gian, chùa Chân Tiên vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính, tôn nghiêm với nhiều dấu tích. Chùa được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1992. Đến nay, Chùa đã 3 lần được trùng tu, tôn tạo, lần gần đây nhất là vào năm 2005. Tuy nhiên, qua thời gian, ngôi chùa hiện đã xuống cấp, chật hẹp không còn đáp ứng được nhu cầu dâng hương, vãn cảnh của du khách.

Minh Huyền (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ