Hachi Hachi – bước chuyển mình đầy thách thức của một mô hình cửa hàng Nhật Bản tại Việt Nam

(Tổ Quốc) - Trước tình hình kinh tế đang diễn biến phức tạp như hiện nay, các hệ thống bán lẻ nói chung và chuỗi cửa hàng Nhật Bản nói riêng đều ít nhiều bị ảnh hưởng, trong đó có chuỗi Cửa hàng Nhật Bản Hachi Hachi là một trong những hệ thống tiên phong của trào lưu hàng Nhật Bản tại Việt Nam.

Vào năm 2007, trên tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi, Quận Phú Nhuận bỗng xuất hiện một cửa hàng rực màu xanh lá, mang tên Hachi Hachi – Cửa hàng Đồng Giá Nhật Bản. Thời ấy thị trường đã khan hiếm hàng nhập khẩu rồi, mà xuất hiện hẳn một cửa hàng nhập khẩu Nhật Bản toàn những món hàng Nhật đồng giá nhỏ xinh tiện lợi mà giá chỉ từ 25.000đ/ sản phẩm thì quả là "hiếm có khó tìm".

Tuy nhiên, đến hiện tại khi quay lại Hachi Hachi, nhiều người sẽ bất ngờ vì không còn thấy mô hình Cửa hàng Đồng giá nữa, theo chia sẻ của một Cửa hàng trưởng, từ năm 2010 hệ thống này đã chuyển mình sang hình thức Cửa hàng Nhật Bản "Nhiều mức giá – Nhiều lựa chọn" với hơn 10.000 SKU sản phẩm phong phú để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Hachi Hachi – bước chuyển mình đầy thách thức của một mô hình cửa hàng Nhật Bản tại Việt Nam - Ảnh 1.

Tính tới tháng 8/ 2020, Hachi Hachi đã chính thức cán mốc 13 năm trên thị trường bán lẻ hàng Nhật nhập khẩu cùng 5 cửa hàng tại TPHCM với các sản phẩm độc đáo, mẫu mã thiết kế đẹp mắt, tinh tế và chất lượng theo đúng chuẩn hàng Nhật. Theo chân một Quản lý cửa hàng tại đây, được biết ngoài những sản phẩm của các thương hiệu lớn của Nhật Bản sản xuất tại Việt Nam như Shiseido, Rohto, Biore…, hơn 60% sản phẩm tại Hachi Hachi được sản xuất chính gốc tại Nhật, còn lại là hàng của các các công ty Nhật Bản đặt gia công tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Ba Lan… phục vụ cho thị trường Nhật Bản và tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn chất lượng và thẩm mỹ Nhật Bản. Có một câu nói vui là đến với Hachi Hachi, khách hàng có thể hình dung về lối sống và các vật phẩm sinh hoạt thường ngày của người dân xứ hoa anh đào, vì mặt hàng được bán tại Hachi Hachi cũng là các sản phẩm được người dân Nhật sử dụng hàng ngày.

Hiện nay tại thị trường Việt Nam, người tiêu dùng rất dễ dàng để mua được một món hàng Nhật cho thấy thị trường nhập khẩu hàng Nhật đã phải chia sẻ lượng khách cho nhau khá nhiều. Từ hàng xách tay trên các shop online và sàn thương mại điện tử cho đến các hệ thống chính thức như siêu thị Aeon - một đại gia trong ngành bán lẻ Nhật Bản và hàng loạt các chuỗi cửa hàng đồng giá Nhật Bản khác, ngay cả các thương hiệu bán lẻ uy tín của Việt Nam cũng có riêng quầy hàng Nhật Bản theo trào lưu và thị hiếu của khách hàng. Làn sóng Nhật Bản là một cơ hội nhưng cũng là thử thách lớn để Hachi Hachi không chỉ nỗ lực liên tục tìm thêm sản phẩm mới, hấp dẫn mà còn phải chú trọng chăm sóc khách hàng đúng theo tiêu chuẩn Nhật Bản, vốn là một kỳ vọng thường trực nhưng không dễ thỏa mãn của khách hàng đối với một thương hiệu cửa hàng Nhật Bản đã khá lâu năm trên thị trường.

Hachi Hachi – bước chuyển mình đầy thách thức của một mô hình cửa hàng Nhật Bản tại Việt Nam - Ảnh 2.

Thành công bước đầu đáng ghi nhận nhưng thất bại đến với Hachi Hachi cũng tương đối nhiều, chủ quan hay khách quan đều đủ cả. "Các cửa hàng Hachi Hachi hiện nay đều nằm trên các tuyến đường chính và nhộn nhịp ở TPHCM và Hachi Hachi cố gắng có thể trở thành "nice shop in town" (một cửa hàng dễ thương trong phố). Cũng như các hệ thống bán lẻ khác, việc chọn mặt bằng phù hợp tiêu chí kinh doanh và mức giá thuê là một thử thách lớn, khi mà tại TPHCM hiện nay, các mặt bằng có chỗ gửi xe thuận tiện không nhiều, thêm nữa với kích thước bề ngang 4 đến 5 mét là quá nhỏ cho một cửa hàng bán lẻ hơn 10.000 SKU sản phẩm" – chị Kim Trâm – Trưởng phòng Vận hành bán lẻ của Hachi Hachi cho biết.

Hachi Hachi – bước chuyển mình đầy thách thức của một mô hình cửa hàng Nhật Bản tại Việt Nam - Ảnh 3.

Trong lịch sử, Hachi Hachi cũng đã từng phải đóng cửa 2 cửa hàng vì chọn mặt bằng không phù hợp, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng bởi yếu tố khách quan như mặt bằng của cửa hàng trên đường Ba Tháng Hai – một cửa hàng đông khách của hệ thống đã ngừng kinh doanh theo chỉ thị thu hồi đất công của Nhà nước.

Với các cửa hàng bán lẻ, chuyện chọn mặt bằng đã khá đau đầu rồi nhưng chuyện đuổi sao cho kịp thời đại 4.0 lại càng căng não hơn, không chỉ ở mô hình bán hàng omni-channel, mà còn ở việc cải tổ cơ cấu tổ chức cho hiệu quả và đối ứng linh hoạt với sự thay đổi chóng mặt của thời đại. Đặc biệt là từ khi dịch Covid ghé thăm thì các đại gia bán lẻ đều đã bật hết sang chế độ giao hàng online siêu tốc toàn diện, mà Hachi Hachi vẫn còn xử lí tình huống cục bộ.

Theo anh Cao Bình - Phó Giám đốc công ty TNHH Việt Hạ Chí, đơn vị chủ quản của Hachi Hachi: "Trong tình hình biến động liên tục của thị trường bán lẻ do bất ổn từ dịch bệnh thì Hachi Hachi vẫn còn khá nhiều bất cập và bị động. Hachi Hachi vẫn chưa hoàn thành xong phiên bản mới của trang web bán hàng trực tuyến để thay cho phiên bản lạc hậu hiện nay. Ngoài ra, hơn năm qua App chăm sóc khách hàng đã được phát triển với mong muốn mang tới những tiện ích cho khách hàng khi mua sắm tại Hachi Hachi nhưng phải đến tháng 8 năm nay mới có thể được launching đến khách hàng".

Hachi Hachi – bước chuyển mình đầy thách thức của một mô hình cửa hàng Nhật Bản tại Việt Nam - Ảnh 4.

"Retail is Detail" (Bán lẻ là chi tiết) – ngành bán lẻ luôn đòi hỏi sự tận tụy tỉ mỉ và khả năng thích ứng nhanh đến từng ngóc ngách thị hiếu khách hàng và trào lưu thị trường để có thể tồn tại và phát triển giữa cơn bão thu hẹp và biến mất của hàng loạt thương hiệu bán lẻ danh tiếng. Với mục tiêu trở thành một "nice shop in town", ở tuổi 13, Hachi Hachi còn phải nỗ lực rất nhiều trên chặng đường phía trước.

Từ bước chuyển mình năm nào sang mô hình "NHIỀU MỨC GIÁ – NHIỀU LỰA CHỌN" được đông đảo khách hàng ủng hộ và tin cậy, chúc cho Hachi Hachi chân cứng đá mềm, trưởng thành bền vững và tiếp tục mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam thêm nhiều sản phẩm tiện lợi, thú vị, "mỗi ngày tươi đẹp hơn", như phương châm mà Hachi Hachi đang theo đuổi.

Ánh Dương

Tin mới