• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hai dấu ấn lớn của đối ngoại Việt Nam năm 2019

Thế giới 24/01/2020 11:37

(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và khó lường, chiều hướng chung là hòa bình ổn định, nhưng những vấn đề bất ổn tăng lên, thì đối ngoại Việt Nam vẫn hoạt động hết sức thành công và tích cực.

Một vấn đề nổi lên trong năm 2019 là tình hình kinh tế thế giới đi vào chiều hướng chậm dần, phát triển tăng trưởng chậm dần. Đây là một điều đáng lo ngại của tình hình kinh tế sau 10 năm.

Kinh tế nổi lên là vấn đề đáng chú ý

Cho đến lúc này, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008–2009, ước đạt 2,9%-3% (theo IMF), tốc độ tăng trưởng kinh tế của thế giới dưới mức dự đoán trên, trong khoảng 2,5% đến hơn 2,5%. Vào tháng 8/2019, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lần đầu hạ lãi suất kể từ năm 2008, với mức giảm 0,25%. Cơ quan này cho rằng việc điều chỉnh là cần thiết để giữ nền kinh tế vững mạnh, đặc biệt trong bối cảnh họ bị hạn chế về công cụ đối phó suy thoái khi lãi suất hiện ở mức thấp kỷ lục. Kinh tế Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và lớn nhất châu Á - năm 2019 cũng tiếp tục chịu nhiều sức ép cả trong và ngoài nước. GDP quý II và quý III của nước này chỉ tăng lần lượt 6,2% và 6% - thấp nhất kể từ đầu thập niên 90.

Hai dấu ấn lớn của đối ngoại Việt Nam năm 2019 - Ảnh 1.

Thương chiến Mỹ - Trung đã tác động đáng kể đến kinh tế thế giới.

Về nguyên nhân của tình hình này, Phó Thủ Tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay: "Cũng có nhiều đánh giá, một nguyên nhân tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại là do vấn đề tăng trưởng chậm của các nước phát triển. Nhưng đánh giá tổng thể thì thấy vấn đề thương mại thế giới chậm lại cũng tác động đến tăng trưởng kinh tế. Đấy là một yếu tố hết sức đáng chú ý. Thương mại chậm lại là do có những chính sách bảo hộ mậu dịch, có những cạnh tranh về thương mại giữa các nước lớn, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, rồi cạnh tranh thương mại của các nước khác. Xu hướng bảo hộ mậu dịch như thế này trái ngược với xu thế chúng ta đã nhìn thấy trong các năm trước, đó là tự do hóa thương mại và vấn đề tăng trưởng cho thương mại toàn cầu tăng lên. Đây là tác động có thể nói là tiêu cực đến tình hình".

Hai dấu ấn lớn của đối ngoại Việt Nam năm 2019 - Ảnh 2.

Phó Thủ Tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Bên cạnh đó, thế giới, khu vực dù duy trì chiều hướng chung là hòa bình, ổn định nhưng đã có sự gia tăng rất nhiều vấn đề bất ổn, nhất là ở các khu vực điểm nóng như khu vực Trung Đông. Ngay cuối năm 2019 đầu năm 2020 này đã xuất hiện tình hình Trung Đông bất ổn, cùng với những vấn đề trong cả năm 2019, như cuộc chiến chống lại nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, cuộc chiến chống khủng bố, cạnh tranh giữa các nước, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tác động đến các khu vực, trong đó có khu vực của Việt Nam.

"Trong khu vực của chúng ta rõ ràng là vấn đề Biển Đông. Trong năm 2019, Biển Đông hết sức phức tạp. Việc vi phạm của nhóm tàu khảo sát HD-08 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam làm cho tình hình rất phức tạp; không những thế lại có cả vi phạm tại những vùng biển của các nước khác trong khu vực biển Đông".

Phó Thủ Tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

Vượt lên những tín hiệu này thì cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang có tác động lan tỏa đến tất cả các nền kinh tế và các nền kinh tế cũng đang phát triển nhờ nền kinh tế số. Tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp lần thứ tư - Industry 4.0 Summit 2019, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã nhận định: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. CMCN 4.0 đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.

Hai dấu ấn đối ngoại của Việt Nam

Trong năm 2019, hoạt động đối ngoại của Đảng và nhà nước hết sức thành công và tích cực. Dấu ấn thứ nhất là Việt Nam tiếp tục duy trì phát triển quan hệ với tất cả các nước; đặc biệt là sự phát triển ổn định quan hệ của Việt Nam với các nước lớn, các nước quan trọng, các nước láng giềng trong khu vực. Việt Nam không những làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và còn mở rộng thêm với hai nước là đối tác toàn diện, chiến lược. Việt Nam đã nâng tổng số quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam lên với 30 nước và đang tiếp tục mở rộng xu thế này.

Dấu ấn thứ hai đó là việc nâng tầm quan hệ đa phương của Việt Nam.

Trong năm 2019 thể hiện rất rõ, thực sự là chúng ta đã triển khai một cách rất bài bản Chỉ thị của Ban Bí thư về nâng tầm đa phương. Việc này được triển khai ngay từ đầu năm 2019, đó là việc tổ chức sự kiện Mỹ-Triều tại Việt Nam. Đây không phải đơn thuần là một sự kiện, mà nó hàm chứa việc Việt Nam đã vượt ra khỏi những vấn đề trực tiếp liên quan đến lợi ích của chúng ta, sẵn sàng đóng góp vào công việc chung, đó là vấn đề đem lại hòa bình, ổn định ở khu vực Bán đảo Triều Tiên. Nếu như Hội nghị giữa Mỹ và Triêu Tiên thành công, ra được kết quả thì trong đó có đóng góp của Việt Nam đối với việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, một vấn đề đã làm Bán đảo Triều Tiên có nhiều phức tạp trong mấy chục năm qua. Việc này còn thể hiện một điều Việt Nam đã chủ động tích cực, sẵn sàng tham gia, có thể tạm gọi là vai trò hòa giải. Đây là một nội hàm của Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về việc tăng cường vai trò dẫn dắt và hòa giải.

Phó Thủ Tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khẳng định

Hai dấu ấn lớn của đối ngoại Việt Nam năm 2019 - Ảnh 5.

Đông đảo bạn bè quốc tế đã chúc mừng Việt Nam khi nhận được số phiếu cao trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Về việc Việt Nam được bầu và trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu có thể nói là cao nhất trong lịch sử bỏ phiếu của Liên hợp quốc (192 phiếu ủng hộ trên tổng số 193 phiếu), Phó Thủ Tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay: "Có lẽ đây cũng là sự đánh giá vai trò của Việt Nam, vị thế Việt Nam; các nước nhìn thấy vai trò, vị thế Việt Nam, thấy khả năng và trách nhiệm của Việt Nam có thể làm được. Trong năm 2020, Việt Nam phải đảm nhiệm một lúc hai vai trò là Chủ tịch ASEAN và ủy viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đó là những công việc chúng ta phải triển khai, bên cạnh những hoạt động đối ngoại khác của Đảng và Nhà nước, nhằm tiếp tục nâng cao vai trò, làm sâu sắc thêm quan hệ của Việt Nam với các nước".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ