• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hải quân Mỹ "nóng mặt" sức mạnh ngầm của Nga

Thế giới 16/10/2019 07:21

(Tổ Quốc) - Hạm đội tàu ngầm Nga đang phát triển và ngày càng hoạt động mạnh mẽ hơn. Mỹ và các đối tác NATO rất quan ngại về lực lượng này và khả năng hải quân Nga tăng cường hiện diện tại châu Âu.

Đối với Hải quân Mỹ, điều đó có nghĩa là họ phải tập trung nhiều sự chú ý hơn vào Đại Tây Dương, đặc biệt là Bắc Đại Tây Dương, gần căn cứ của Hạm đội phương Bắc Nga trên Biển Barents.

Vào cuối tháng 9, Hải quân Mỹ đã tái lập Nhóm tàu ngầm 2 ở Norfolk, Virginia, 5 năm sau khi đơn vị này ngừng hoạt động. Động thái này diễn ra chỉ hơn một năm sau khi Hải quân Mỹ tái lập Hạm đội hai, giám sát nửa phía tây của Đại Tây Dương cho tới vùng phía bắc.

Những động thái này "nhằm tăng cường năng lực của Hải quân về khả năng chỉ huy và kiểm soát các lực lượng tác chiến dưới biển một cách liên tục trên toàn bộ khu vực Đại Tây Dương, từ vùng biển phía đông của Mỹ đến Biển Barents và thậm chí vào Nam Đại Tây Dương, nếu cần thiết", Hải quân Mỹ cho biết trong một thông báo.

Về việc tái lập Nhóm tàu ngầm 2, Phó đô đốc Charles Richard, chỉ huy lực lượng tàu ngầm Mỹ ở Đại Tây Dương, đã viện dẫn tình hình an ninh "nhiều thách thức và phức tạp hơn".

"Để duy trì ưu thế dưới biển của Mỹ, chúng tôi phải tăng cường sức mạnh hải quân và khả năng sẵn sàng tác chiến tại vùng nước sâu. Cách chúng tôi tổ chức chỉ huy sẽ là một yếu tố thúc đẩy thành công của chúng tôi - đó là lý do tại sao chúng tôi tái lập Nhóm tàu ngầm 2", ông Richard nói.

Tau ngam My US NAvy

Mỹ tăng cường sức mạnh tàu ngầm trước hoạt động của Nga. Ảnh: US Navy

Bryan Clark, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách cho biết, việc tái lập Nhóm tàu ngầm 2 không nhất thiết có nghĩa là sẽ có nhiều tàu ngầm hơn tại Đại Tây Dương, nhưng việc tái lập nhóm này rất quan trọng bởi vì "nhóm này chịu trách nhiệm về việc tổ chức di chuyển, chỉ huy và điều khiển tàu" trước khi chuyển sang chỉ huy chiến đấu, ông Clark nói.

Phối hợp tốt hơn, chỉ huy và kiểm soát tốt hơn

Tái lập Hạm đội thứ hai và Nhóm tàu ngầm 2 là "những ví dụ hữu hình thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh ở Đại Tây Dương trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn", Trung úy Marycate Walsh, người phát ngôn của Hạm đội hai, cho biết trong một email.

"Những thách thức và mối đe dọa gia tăng đòi hỏi phải tăng cường khả năng hoạt động tương xứng để giải quyết các tình huống có thể xảy ra", Walsh nói và cho biết thêm rằng các hoạt động của Nhóm 2 trong khu vực sẽ bổ sung và tích hợp với các Hạm đội hai.

Nhóm tàu ngầm 2 cũng giám sát hoạt động tác chiến chống ngầm cho Bộ Tư lệnh Lực lượng Hạm đội Hoa Kỳ và, khi được giao, cho Hạm đội bốn. Bộ Tư lệnh Lực lượng Hạm đội tổ chức, huấn luyện và trang bị cho các lực lượng hải quân để chuẩn bị cho các nhiệm vụ chỉ huy chiến đấu, và Hạm đội bốn chịu trách nhiệm phụ trách các tàu, tàu ngầm và máy bay hoạt động xung quanh khu vực Trung và Nam Mỹ.

Trong vai trò đó, Nhóm tàu ngầm 2 sẽ "sử dụng các lực lượng sẵn sàng chiến đấu trong [tác chiến chống tàu ngầm] và các hoạt động tác chiến dưới biển," người phát ngôn của Lực lượng tàu ngầm Đại Tây Dương Jodie Cornell cho biết trong một email.

Nhóm 2 cũng sẽ "đảm bảo các nhân viên và tàu ngầm được giao đạt được và duy trì mức độ huấn luyện, nhân sự và sẵn sàng vật chất cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ được giao" và "hỗ trợ về nguồn lực hướng tới đạt được tiến bộ trong [tác chiến chống tàu ngầm] và hoạt động tác chiến dưới biển", ông Cornell nói.

Hải quân nói chung không bình luận về các hoạt động này, và Cornell hay Walsh sẽ không bình luận về các hoạt động tiềm tàng trong tương lai đối với các tàu ngầm được giao cho Nhóm tàu ngầm 2.

Lo ngại về Nga

Dù vậy, việc Richard đề cập đến Biển Barents, liền kề với căn cứ của Hạm đội phương Bắc Nga và các lực lượng hạt nhân chiến lược của Moscow trên Bán đảo Kola, có thể cho thấy mối quan ngại ngày càng tăng giữa các lực lượng Mỹ và NATO về việc Nga có thể tiếp cận châu Âu bằng sức mạnh tên lửa từ tàu ngầm tương đối mới của họ.

"Ví dụ, tên lửa hành trình lớp Kalibr đã được phóng từ các hệ thống phòng thủ bờ biển, máy bay tầm xa và tàu ngầm ngoài khơi Syria", Đô đốc James Foggo, người đứng đầu Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ ở Châu Âu và Châu Phi, cho biết vào cuối năm 2018. "Vũ khí này đã cho thấy khả năng có thể tiếp cận gần như tất cả các thủ đô ở châu Âu từ bất kỳ vùng biển nào bao quanh châu Âu."

Mối đe dọa của tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm "chắc chắn ... là một phần của những điều nhóm dự định sẽ giải quyết", Clark nói về Nhóm tàu ngầm 2. "Mục tiêu hướng tới là giúp phối hợp tốt hơn, chỉ huy và kiểm soát tốt hơn các tàu ngầm đó".

Việc triển khai thường xuyên hơn các tàu ngầm tối tân Nga cũng đang khiến hải quân Mỹ tăng cường hoạt động ở Đại Tây Dương, bao gồm triển khai máy bay tuần tra hàng hải P-8 của đến Iceland. Những chiếc máy bay này được quản lý bởi Nhóm tàu ngầm 2, ông Clark nói. Điều giúp "những người ở Nhóm 2 có thể tập trung vào vấn đề ở đó."

Quý Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ