• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hang Con Moong được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt

Văn hoá 24/11/2016 11:56

(Tổ Quốc) - “Cụm di tích khảo cổ hang Con Moong là một di tích có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ đối với việc nghiên cứu thời đại nguyên thủy ở Thanh Hóa mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với lịch sử Việt Nam” - ông Nguyễn Đình Xứng- Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, khẳng định.

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, PGS.TS Bùi Nhật Quang - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam trao Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận cho tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 23/11, tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Thạch Thành, UBND tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức lễ đón Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận huyện Thạch Thành.

Đây là di tích Quốc gia đặc biệt thứ 4 tại tỉnh Thanh Hóa được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, khẳng định cụm di tích khảo cổ hang Con Moong là một di tích có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ đối với việc nghiên cứu thời đại nguyên thủy ở Thanh Hóa mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với lịch sử Việt Nam.

Việc di tích hang Con Moong  trở thành di tích Quốc gia đặc biệt là một sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Và cũng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trên hành trình để di tích hang Con Moong tiến tới đề nghị UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới.

Du khách thăm quan Di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong

“Do đó, các sở, ngành cần tiếp tục nghiên cứu, củng cố, bổ sung tư liệu, tài liệu để hình thành bộ hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO công nhận Di tích hang Con Moong là Di sản văn hóa thế giới”- ông Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đình Xứng cũng yêu cầu Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Thạch Thành và các ban ngành có liên quan sớm xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận để nơi đây trở thành trung tâm văn hóa khảo cổ, là điểm đến du lịch hấp dẫn và ý nghĩa.

 Bà Trịnh Thị Thủy – Cục trưởng Cục văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL phát biểu tại buổi lễ

Đại diện Bộ VH- TT&DL, bà Trịnh Thị Thủy – Cục trưởng Cục văn hóa cơ sở, cho biết với trách nhiệm của mình sẽ phối hợp với bộ, ngành Trung ương, các cơ quan nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học, các nhà văn hóa quan tâm hơn nữa, tích cực phối hợp với tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục nghiên cứu di tích hang con Moong và các di tích phụ cận, lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới; Lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích Hang con Moong và các di tích phụ cận, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, phát huy giá trị to lớn của di tích quốc gia đặc biệt, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nằm trong vùng đệm rừng Quốc gia Cúc Phương, hang Con Moong thuộc bản Mọ, xã Thành Yên (Thạch Thành). Năm 1975 trong đợt điều tra khảo cổ học, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện được hang Con Moong và đến năm 2008 được công nhận là di tích Quốc gia. Qua nhiều lần khai quật, các nhà khoa học đã xác nhận con người thời tiền sử đã có mặt ở trong hang từ khoảng 60.000 năm trước. Đây cũng chính là nơi quần cư liên tục của người Việt cổ, với 3 nền văn hóa: Sơn Vi, Hòa Bình và Bắc Sơn, tiêu biểu cho Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung.

Hang Con Moong-Di tích Quốc gia đặc biệt

Hang Con Moong là một điển hình nổi bật về định cư truyền thống của loài người, từ đồ đá cũ đến đá mới, từ sản bắt hái lượm sang trồng trọt, chăn nuôi. Sự phát triển này là một trong những thành tựu văn hóa vĩ đại của nhân loại...

Hang Con Moong có địa tầng dày trung bình 9,5 m với 10 lớp có cấu trúc khác nhau. Từ lớp 1 đến lớp 6 (độ sâu 1-6 m), các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều công cụ lao động, xương cốt động vật, vỏ nhuyễn thể. Từ lớp 7 đến 10 không gặp dấu tích động vật nhưng phát hiện nhiều công cụ mảnh tước chế tác bằng đá quartz, tập trung nhiều nhất ở lớp 10 (độ sâu 8,5 -9,5 m).

Nhân dịp này Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức triển lãm với chuyên đề: “Hang Con Moong và các di tích phụ cận - hành trình di sản”

Cũng trong dịp này, tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Thạch Thành, Bảo tàng tỉnh tổ chức triển lãm chuyên đề: “Hang Con Moong và các di tích phụ cận - hành trình di sản”. Triển lãm trưng bày gần 500 tài liệu hiện vật được sưu tầm qua các lần khai quật khảo cổ học. Qua đó, giới thiệu những giá trị đặc biệt của hang Con Moong, các di tích phụ cận trong tiến trình phát triển của lịch sử loài người; quảng bá, nâng cao vị thế của di tích trên hành trình đến với di sản văn hóa thế giới.

Nghệ nhân biểu diễn nghệ thuật trong buổi lễ đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt

Gia Thanh

NỔI BẬT TRANG CHỦ