Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Soóng cọ là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian của người Sán Chỉ huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Soóng cọ là phát âm theo tiếng Sán Chỉ, ghi bằng chữ Hán có nghĩa là xướng ca, ca hát. Soóng cọ có từ lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác, trở thành một tập tục, sinh hoạt phổ biến và là nhu cầu tinh thần không thể thiếu của người Sán chỉ.

Hát Soóng cọ- di sản độc đáo của người Sán Chỉ

(Tổ Quốc)- Soóng cọ là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian của người Sán Chỉ huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Soóng cọ là phát âm theo tiếng Sán Chỉ, ghi bằng chữ Hán có nghĩa là xướng ca, ca hát. Soóng cọ có từ lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác, trở thành một tập tục, sinh hoạt phổ biến và là nhu cầu tinh thần không thể thiếu của người Sán chỉ.

Độc đáo di sản hát Soóng cọ

Tộc người Sán Chỉ là một trong hai nhánh (cùng với nhánh người Cao Lan) thuộc dân tộc Sán Chay. Người Sán Chay chia làm hai nhóm, phân biệt bằng ngôn ngữ. Nhóm nói tiếng Cao Lan gần gũi với tiếng Tày, Nùng và nhóm nói tiếng Sán Chỉ thuộc nhóm ngôn ngữ Hán.

Người Sán Chỉ rất say mê ca hát và không ít người hát được soóng cọ của dân tộc mình. Soóng cọ là phát âm theo tiếng của người Sán Chỉ, có nghĩa là ca hát, hát xướng, giao duyên. Đây là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian nhằm thể hiện và giao lưu tình cảm giữa các nhóm cộng đồng Sán Chỉ.

Hát Soóng cọ- di sản độc đáo của người Sán Chỉ - Ảnh 1.

Chàng trai, cô gái Sán Chỉ hát Soóng cọ bên bếp lửa hồng

Trước đây, do tập quán lạc hậu làm nương rẫy nên sau lễ cầu mùa là mọi người lại lên nương để tra hạt. Công cụ sản xuất lúc đó là cây chọc lỗ (gọi là "bu chồng") được đồng bào Sán Chỉ thiết kế khéo léo, có thêm rọ tre đựng sỏi để mỗi khi chọc mạnh lại phát ra tiếng nhạc vui tai, hòa quyện với các làn điệu Soóng cọ vang xa trên các nương rẫy.

Tục hát Soóng cọ diễn ra quanh năm, bất cứ khi nào có dịp, với nhiều dạng thể hiện như hát chúc tết, hát mừng đám cưới, mừng nhà mới, hát trao đổi tâm tình, giao duyên. Đó là cách hát đối gồm một bên nam, một bên nữ đối diện và có thể cùng một lúc có nhiều tốp hát đối với nhau. Đây cũng là dịp để các đôi nam thanh, nữ tú kết bạn và tỏ tình cùng nhau, gửi gắm những tâm sự. Bên cạnh đó, họ còn truyền cho nhau những kinh nghiệm trong lao động sản xuất cũng như trong cuộc sống.

Hát Soóng cọ là một hình thức diễn xướng dân gian. Phần ca từ bao gồm những khổ thơ thất ngôn tứ tuyệt (mỗi khổ thơ gồm 4 câu, mỗi câu 7 tiếng), giống như hát Sli-lượn của các dân tộc Tày, Nùng hay hát ví của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Thông qua lối hát soóng cọ, người hát có thể giao lưu học hỏi lẫn nhau; thể hiện tình cảm tâm tư của mình đến với người mình yêu, răn dạy con cháu về công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, kinh nghiệm đối nhân xử thế…

Các hình thức biểu hiện Soóng cọ của người Sán Chỉ ở Quảng Ninh gồm: Soóng cọ ban ngày (tiếng Sán Chỉ gọi là "Pẹc nhật cọ"; Soóng cọ ban đêm (Nhạp sụn cọ); Soóng cọ trong đám cưới (Cháu thang cọ).

Hát Soóng cọ- di sản độc đáo của người Sán Chỉ - Ảnh 2.

Hát Soóng cọ có 3 hình thức: hát ban ngày, hát ban đêm và hát đám cưới

Soóng cọ ban ngày (Pẹc nhật cọ) còn được gọi là hát giao duyên, hát ghẹo. Là thể loại hát đối đáp giữa nam và nữ với những câu hát ướm hỏi, gợi ý, đối đáp hóm hỉnh của các đôi trai gái và được ví như cây cầu bắc mối lương duyên cho biết bao đôi trai gái đến với nhau, này nở tình yêu và kết đôi thành vợ chồng. Sự phong phú trong câu hát thường gắn với trí thông minh, tài ứng khẩu và giỏi đặt lời mới của người hát. Những chàng trai, cô gái cùng hát với nhau trên những cánh rừng, vạt đồi, nương lúa… tiếng hát giúp cho họ khuây khỏa, xua đi nỗi mệt nhọc. Bởi lẽ không có hát giao duyên là thiếu đi sức sống, thiếu đi niềm vui mà bản thân mỗi con người đều có khả năng tự tạo ra cho mình.

Hát Soóng cọ ban đêm (Nhạp sụn cọ) là một hình thức của hát Soóng cọ. Sau mỗi vụ nông nhàn, hay vào dịp đầu xuân năm mới hoặc vào ngày hội Soóng cọ, người Sán chỉ ở làng xã này lại rủ nhau sang làng xã khác chơi vừa để thăm thân, giao lưu ca hát và cũng để cho các chàng trai, cô gái có cơ hội tìm bạn đời. Những cuộc đi chơi thường gắn với những đêm hát kéo dài tại các gia đình. Họ đi từng nhóm từ 5-10 người, thường có hẹn trước nên được gia chủ đón tiếp rất nhiệt tình vui vẻ. Khi thấy có khách đến chơi, các trai làng, gái bản sở tại và mọi người cũng đến chơi, nghe hát, trò chuyện giao lưu, hoặc cùng nhau cất lên những lời ca đối đáp.

Một hình thức biểu hiện nữa của Soóng cọ đó là hát trong đám cưới (Cháu thang cọ) hay còn gọi là tửu ca. Hình thức này được diễn ra cả trong ban ngày và ban đêm. Buổi tối trước ngày đón dâu, họ nhà trai sang nhà gái hát, đối tượng hát chủ yếu là trai gái, họ hát ghẹo, hát đối với nhau thâu đêm suốt sáng. Có nhiều đôi thành vợ, thành chồng từ sau đám cưới này. Trong lễ cưới, người Sán Chỉ dùng lời ca, tiếng hát để chúc mừng hạnh phúc lứa đôi, hay chúc mừng gia chủ có cô dâu mới.

Hát Soóng cọ- di sản độc đáo của người Sán Chỉ - Ảnh 3.

Hát Soóng Cọ có những quy định riêng như không hát với người cùng huyết thống, cùng gia đình (dâu, rể). Anh Tô Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông-Văn hóa huyện Bình Liêu cho biết: "Người Sán Chỉ cũng có thể hát giao duyên bất cứ lúc nào, khi lên nương, đi hội, hay đơn giản là những câu chào hỏi thường ngày. Hát Soóng Cọ thường được diễn ra quanh năm, bất cứ khi nào có dịp, với những dạng hát chính như hát chúc Tết, hát mừng đám cưới, mừng nhà mới, hát trao đổi tâm tình, giao duyên. Có khi điệu hát ấy hát từ bản này sang bản kia, đâu đâu cũng có thể nghe. Khi thanh niên nam đến nhà thanh niên nữ người Sán Chỉ chơi thì họ sẽ hát, hát từ đêm đến sáng".

Thông qua lối hát Soóng Cọ, các đôi nam thanh, nữ tú có thể kết bạn, gửi gắm những tâm sự đôi lứa để rồi tình yêu nảy nở, kết duyên vợ chồng; người già trong thôn, bản dùng lời hát để răn dạy con cháu về công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, kinh nghiệm đối nhân xử thế, truyền cho nhau những kinh nghiệm cuộc sống".

Điểm khác biệt với các diễn xướng dân gian của các cộng đồng khác, hát Soóng cọ của người Sán Chỉ không có bất cứ nhạc cụ nào đi kèm. Làn điệu Soóng cọ mê hoặc người nghe chỉ bằng giọng hát, bằng những lời ca nhịp nhàng, thi vị như những vần thơ nhiều thanh điệu, đầy xúc cảm.

Lời ca Soóng cọ đặt theo thể thơ "thất ngôn, tứ tuyệt", được người Sán Chỉ ghi chép bằng chữ Hán, lưu truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác dưới hai dạng ngữ là chữ Hán và phiên âm theo tiếng latinh. Mỗi bài có 4 câu, mỗi câu có 7 chữ, tức là chỉ có 28 chữ trong một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt. Ca từ sử dụng trong Soóng cọ của người Sán Chỉ rất mộc mạc, chân thành, với những hình ảnh ví von, bay bổng, biểu tượng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày như núi rừng, cỏ cây, hoa lá, trăng sao vào trong những câu hát nên rất gần gũi và đi vào lòng người.

Đưa di sản thành sản phẩm du lịch hấp dẫn

Theo thời gian, cuộc sống mưu sinh trong nhịp sống hiện đại khiến hát Soóng Cọ cũng ít nhiều dần mai một. Tuy nhiên, nhận biết được giá trị của loại hình văn hóa mang bản sắc riêng của người Sán Chỉ có thể phát huy trong đời sống xã hội và thu hút du lịch, các địa phương có người Sán Chỉ sinh sống trên địa bàn Bình Liêu đã nỗ lực phục dựng loại hình diễn xướng dân gian này.

Theo đó, từ năm 2005, Bình Liêu đã khôi phục và tổ chức thành công ngày hội hát Soóng Cọ. Đồng thời, nâng tầm quy mô theo thời gian và trở thành 1 trong 3 lễ hội văn hóa chính của địa phương. Đến nay, đã dần trở thành nhận diện văn hóa, giúp xây dựng những sản phẩm du lịch giàu tính trải nghiệm cho địa phương. Hội Soóng Cọ cũng đang góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Sán Chỉ, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Đặc biệt, ngày 29/6/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Liêu đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU; tiếp đó, ngày 15/9/2016, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 1412/KH-UBND về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu. Điều đó cho thấy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn được huyện hết sức coi trọng.

Ngày nay Soóng cọ đã xuất hiện trong các trường học có đông người Sán Chỉ sinh sống, với nhiều hình thức biểu hiện rất phong phú, không chỉ bó hẹp trong không gian núi rừng mà đã được mở rộng qua các cuộc giao lưu văn nghệ giữa cộng đồng các dân tộc, trong các cuộc thi, liên hoan giữa các khu phố, bản làng… Người Sán Chỉ đã sáng tác thêm nhiều ca từ mới phù hợp với cuộc sống hiện tại, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi cảnh đẹp của quê hương, ca ngợi thầy cô và mái trường thân yêu…

Ông Hoàng Ngọc Ngò - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: Những năm qua, huyện Bình Liêu đã khôi phục được nhiều di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn, trong đó có di sản hát dân ca Soóng Cọ. Huyện sẽ tạo các điều kiện tốt nhất để tổ chức nghiên cứu, bảo tồn, đưa vào trường học truyền dạy cho các em học sinh và tạo điểm nhấn cho sự phát triển du lịch cộng đồng gắn với danh thắng thác Khe Vằn, núi Cao Ly, bản Lục Ngù của xã Húc Động.

Hát Soóng cọ tại xã Đại Dực huyện Tiên Yên

Soóng cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh là một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú về loại hình, sâu sắc về nội dung, có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nhu cầu về hưởng thụ văn hóa tinh thần của cộng đồng người Sán Chỉ. Khi lời ca Soóng cọ được cất lên đã khẳng định cuộc sống yên bình, ấm lo hạnh phúc. Nói đến Soóng cọ là nói đến người Sán Chỉ, do vậy Soóng cọ mang tính đại diện cho cộng đồng người Sán Chỉ, thể hiện bản sắc của cộng đồng người Sán Chỉ sinh sống tại Quảng Ninh.

Tại Quyết định 3421/QĐ-BVHTTDL ngày 10/11/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với nội dung phong phú, ca ngợi quê hương, đất nước, khát vọng về tình yêu đôi lứa, hăng say lao động, sản xuất, hát Soóng cọ thật sự là món ăn tinh thần của người dân, thể hiện ước mơ, lý tưởng vươn tới cuộc sống no ấm và hạnh phúc./.