• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hậu Giang chưa tiếp nhận khách du lịch nước ngoài

Du lịch 27/04/2020 18:43

(Tổ Quốc) - Hậu Giang chưa tiếp nhận khách du lịch nước ngoài, đề xuất giải pháp phục hồi và cơ cấu lại ngành Du lịch Kiên Giang sau dịch, du lịch Cà Mau sẵn sàng đón khách là tin du lịch tại 3 tỉnh Nam bộ mới đây.

Hậu Giang chưa tiếp nhận khách du lịch nước ngoài

Theo Chỉ thị số 680/CT-UBND Về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong tình hình mới, vừa được UBND tỉnh Hậu Giang ban hành, áp dụng từ ngày 24-4, đã lưu ý các hoạt động tiếp tục tạm dừng là các sự kiện văn hóa, vui chơi, giải trí tập trung trên 30 người (trừ trường hợp được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền); Hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (như: các tụ điểm ca nhạc, câu lạc bộ hát với nhau, karaoke, rạp chiếu phim, khiêu vũ; trò chơi điện tử, tiệm game, internet công cộng; cơ sở mát-xa, xông hơi, phẫu thuật thẩm mỹ; hoạt động hội chợ, chợ đêm); Chưa tiếp nhận khách du lịch nước ngoài.

Hậu Giang chưa tiếp nhận khách du lịch nước ngoài - Ảnh 1.

Chợ nổi Ngã Bảy một đặc trưng của vùng sông nước miền Tây - Ảnh minh họa - Nguồn: https://www.vietnambooking.com/

Các hoạt động được phép hoạt động trở lại nhưng phải áp dụng các biện pháp bắt buộc chung là các cơ sở kinh doanh, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao, du lịch và các hoạt động khác được phép hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như trang bị phòng hộ (khẩu trang, găng tay, mặt nạ chống giọt bắn…) cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.

Hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh được hoạt động trở lại, nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như số khách không quá 50% số ghế, giữ khoảng cách giữa các hành khách; hành khách và lái xe phải đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn cho hành khách.

Đề xuất giải pháp phục hồi và cơ cấu lại ngành Du lịch Kiên Giang sau dịch

Theo Sở Du lịch Kiên Giang, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong tháng 3/2020, lượng du khách đến tham quan, du lịch tại tỉnh giảm sâu, ước khoảng 225.850 lượt người, giảm 69,3% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế 20.081 lượt, giảm 76,3%. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 500 tỷ đồng, giảm 72,4% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu trực tiếp từ các doanh nghiệp du lịch 395 tỷ đồng, giảm 50,8%. Tính chung 3 tháng đầu năm nay, du lịch Kiên Giang đón hơn 1,8 triệu lượt du khách, đạt 19,5% kế hoạch, giảm 14,8% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế 125.065 lượt, giảm trên 50%; doanh thu từ du lịch gần 3.000 tỷ đồng, đạt 15% kế hoạch, giảm 44,3%.

Sở Du lịch Kiên Giang tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình dịch COVID-19, chủ động có kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch khi dịch bệnh tạm lắng, đẩy lùi. Sở chủ động xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và dịch vụ phục vụ khách du lịch, đa dạng hóa loại hình du lịch. Du lịch Kiên Giang kết hợp với ngành du lịch các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long kích cầu du lịch toàn vùng, trao đổi các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho du lịch các địa phương do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tỉnh Kiên Giang cũng chú trọng khai thác những sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch tiêu biểu, đặc trưng của Kiên Giang và các chương trình khuyến mãi, ưu đãi hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế, nhất là đẩy mạnh hoạt động du lịch đảo ngọc Phú Quốc, tạo sức lan tỏa, vực dậy cho du lịch các địa phương khác; hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Bên cạnh đó, Sở Du lịch Kiên Giang đề xuất giải pháp phục hồi và cơ cấu lại ngành Du lịch Kiên Giang sau dịch, cụ thể như sau:

- Giải pháp về thị trường du lịch: Đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm gần, có kết nối đường bay thuận tiện đang có tốc độ tăng trưởng cao, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và ASEAN; tập trung khai thác thị trường lớn, tiềm năng Ấn Độ; tăng cường thu hút khách du lịch từ Bắc Mỹ, khai thác mạnh hơn thị trường Mỹ và Canada nhất là khi có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ; duy trì và mở rộng thị trường Tây Âu và Bắc Âu; tăng cường thu hút khách du lịch từ Nga, các nước SNG và các nước Đông Âu; đẩy mạnh khai thác thị trường Úc và New Zealand. Thúc đẩy thị trường du lịch nội địa, có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa; tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành các chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch Việt Nam.

- Giải pháp về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch: Cơ cấu lại nguồn lực, thị trường của Chương trình Xúc tiến du lịch; ưu tiên kinh phí, tổ chức sớm các thị trường cần thu hút để bù đắp lại thị trường đã mất. Tăng cường hợp tác công tư, phối hợp với các địa phương và các doanh nghiệp lữ hành lớn, tạo nguồn lực đủ mạnh để tạo hiệu quả cao trong các hội chợ quốc tế… nhằm thu hút khách quốc tế đến Kiên Giang tại các thị trường này. Tranh thủ sự phối hợp các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến du lịch. Duy trì hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đối với các thị trường đang có tốc độ tăng trưởng tốt trong năm 2019, đồng thời tổ chức liên tục, đa dạng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đối với các thị trường mới, thị trường có tốc độ tăng trưởng chưa được như mong muốn, còn nhiều tiềm năng khai thác. Triển khai tổ chức đồng bộ, có hiệu quả các sự kiện xúc tiến du lịch nhằm phục hồi các thị trường trọng điểm gồm Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Âu, Úc, Trung Đông, Ấn Độ, Bắc Mỹ...

- Giải pháp về truyền thông du lịch: Cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về tình hình kiểm soát, khống chế dịch bệnh ở Việt Nam; các biện pháp phòng chống dịch bệnh tái phát, bảo đảm các biện pháp an toàn, vệ sinh dịch bệnh cho khách du lịch. Chú trọng truyền thông qua nhiều hình thức như: thông tin/thông cáo báo chí, trả lời phỏng vấn báo chí, bản tin điện tử cho báo chí… tới khách du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, báo chí quốc tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch Việt Nam nói chung và Kiên Giang nói riêng. Đẩy mạnh tuyên truyền về môi trường du lịch, môi trường an ninh y tế đến các thị trường khách quốc tế và trong nước. Truyền thông rộng rãi qua nhiều hình thức về việc đảm bảo an toàn khi du lịch tại Kiên Giang vì tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát.

- Đề xuất giải pháp về chính sách hỗ trợ: Xây dựng, triển khai thực hiện chương trình kích cầu, giảm giá du lịch để thu hút khách trở lại; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh như cho nợ thuế, chậm trả lãi vay…. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giảm giá, miễn phí vé, phí tham quan từ 1-2 tháng sau khi hết dịch để kích cầu du lịch sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khảo sát, tuyên truyền quảng bá du lịch tại các thị trường tiềm năng, thị trường du lịch mới, thị trường không bị ảnh hưởng do dịch bệnh để phục vụ phát triển du lịch sau khi dịch được kiểm soát.

Du lịch Cà Mau sẵn sàng đón khách

Thông tin "các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau được phép mở cửa đón khách trong và ngoài tỉnh từ ngày 29/4" đã mang đến làn gió mới cho du lịch tỉnh Cà Mau. Như vậy, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 4 ngày, Cà Mau sẵn sàng chào đón du khách gần xa.

Ban quản lý Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau cho biết, ngay từ khi Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch có công văn đề nghị các điểm, khu du lịch mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 16/4, Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đã hân hoan đón khách nội tỉnh, trung bình mỗi ngày đón khoảng 40-50 khách đến tham quan. Riêng các hộ du lịch cộng đồng đến nay vẫn chưa hoạt động trở lại do đang sửa sang, mở rộng. Dự kiến các hộ sẽ mở cửa vào tuần sau để chu đáo đón khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới. Thời điểm chưa có công văn được đón khách ngoài tỉnh, khu du lịch cũng đã chủ động mọi công tác chỉnh trang, dọn dẹp vệ sinh, trang trí hoa kiểng, cũng như khẩn trương công tác phòng, chống dịch Covid-19..., sẵn sàng đón khách dịp lễ 30/4 và 1/5.

Các công ty du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh cũng bắt đầu tư vấn, tiếp nhận thông tin khách hàng đặt các tour du lịch trong tỉnh. Giám đốc Công ty Nice Travel Cà Mau Lê Bá Huỳnh cho biết, công ty sẽ nỗ lực phục vụ và đáp ứng mọi nhu cầu của du khách trong dịp lễ 30/4 và 1/5, chủ yếu tập trung đến các khu, điểm du lịch như: Đất Mũi, Khai Long và các hộ du lịch nhà vườn ở U Minh. Tin rằng, với sự cho phép các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau đón khách ngoài tỉnh trước kỳ nghỉ lễ 1 ngày, cũng như công tác chủ động phòng, chống dịch bệnh để ổn định tâm lý, tạo sức hút khách du lịch sẽ góp phần "khuấy động" thị trường du lịch Cà Mau sau một thời gian dài yên ắng vì dịch Covid-19./.

Thủy Bích (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ