• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hậu rung chuyển dấu ấn quân sự ở châu Âu, Mỹ và Nga tiến tới Bắc Cực

Thế giới 31/08/2020 11:32

(Tổ Quốc) - Các hoạt động quân sự gần đây của Mỹ xung quanh Na Uy cho thấy giá trị chiến lược của quốc gia này đối với Mỹ và NATO khi cạnh tranh địa chính trị ngày càng tăng ở Bắc Cực.

Hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực gần Na Uy trong tháng qua phản ánh giá trị chiến lược dài hạn của nước này – một thành viên cực bắc của NATO, ngay cả khi chính quyền Trump điều chỉnh sự hiện diện quân sự tại châu Âu.

Quân đội Mỹ và Na Uy có mối quan hệ lâu đời, nhưng hoạt động quân sự trong khu vực này đang dần gia tăng khi căng thẳng với Nga không có dấu hiệu hạ nhiệt và băng tan khiến vùng cao phía bắc trở nên dễ tiếp cận hơn.

Hậu rung chuyển dấu ấn quân sự ở châu Âu, Mỹ và Nga tiến tới Bắc Cực - Ảnh 1.

Tàu ngầm tấn công lớp Seawolf của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Vào ngày 17 tháng 8, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Roosevelt đã dừng lại ở Tromsø, phía bắc Na Uy sau chuyến tuần tra kéo dài 50 ngày ở vùng cao phía bắc, nơi tàu Roosevelt và các tàu khác của Mỹ vẫn luôn "nhận được sự hỗ trợ từ Na Uy", Hải quân Mỹ cho biết.

Vào ngày 21 tháng 8, tàu ngầm tấn công USS Seawolf có trụ sở tại Bờ Tây đã có một chặng dừng ngắn gần Tromsø sau khi di chuyển quanh châu Âu.

Hải quân hiếm khi công bố nơi di chuyển của các tàu ngầm, đặc biệt là tàu ngầm thuộc lớp Seawolf -một trong những loại tàu ngầm tinh vi được thiết kế để đối đầu với Liên Xô, và điều này có thể là một thông điệp.

"Sự xuất hiện của Seawolf ghi dấu khả năng tác chiến dưới biển vốn đã mạnh mẽ của chúng tôi và thể hiện cam kết liên tục của chúng tôi trong việc thể hiện sự răn đe và cam kết về an ninh hàng hải trong toàn khu vực", Chuẩn đô đốc Anthony Carullo, chỉ huy Nhóm tàu ngầm 8 đóng tại Naples, cho biết trong một thông cáo.

Sự phối hợp này không chỉ giới hạn ở trên biển. Máy bay chiến đấu Na Uy đã được huấn luyện cùng máy bay ném bom B-52 của Không quân Mỹ trước khi B-52 đến Vương quốc Anh vào ngày 22/8 để thực hiện luân chuyển lực lượng đặc nhiệm ném bom.

Người phát ngôn của Lực lượng Không quân Mỹ cho biết trong một email: "Việc huấn luyện bên ngoài nước Mỹ giúp phi hành đoàn và nhân viên làm quen với các địa hình và không phận khác", đồng thời xây dựng các kỹ năng và mối quan hệ hiện có.

'Chúng tôi ở bất cứ nơi nào chúng tôi muốn'

Heather Conley, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách châu Âu, Á-Âu và Bắc Cực tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS cho biết, khi khả năng quân sự của Nga ở Bắc Cực bị suy giảm sau Chiến tranh Lạnh, sự tập trung của NATO vào khu vực này "nhanh chóng mờ nhạt".

Nhưng mối quan tâm đến Bắc Cực gần đây đã tăng lên khi khu vực này dễ tiếp cận hơn. Trong khi đó, Nga đã tái tập trung vào khu vực này, coi đây là một mệnh lệnh kinh tế và quân sự trong suốt thập kỷ qua. "Mỹ và NATO chỉ mới đến giai đoạn tái tìm hiểu nơi này khoảng hai năm trước", theo ông Conley.

Nga, quốc gia có đường bờ biển Bắc Cực dài nhất thế giới, đã và đang tân trang lại các cơ sở quân sự ở đó và tiến hành nhiều cuộc tập trận hơn.

Conley cho biết Mỹ "ngày càng lo ngại" về các động thái của Nga, đặc biệt là hoạt động của tàu ngầm ở Bắc Đại Tây Dương cũng như các chuyến bay xa hơn về phía nam của máy bay ném bom tầm xa. Do đó, Mỹ cũng đã tăng cường hoạt động ở Bắc Cực, bao gồm cả các cuộc tập trận quân sự chưa được thực hiện kể từ Chiến tranh Lạnh.

Với hoạt động gần đây xung quanh Na Uy, "Mỹ đang báo hiệu, với các đối tác NATO rằng họ sẽ răn đe và bảo vệ sườn phía bắc của NATO và Bắc Đại Tây Dương", Conley nói.

Conley chỉ ra cuộc tập trận quân sự gần đây của Nga gần Alaska và cho rằng hành động của một bên ở một khu vực của Bắc Cực thường tương xứng với bên kia ở một khu vực khác.

Việc một tàu khu trục của Nga xuất hiện trong các cuộc tập trận như vậy là "tín hiệu" cho thấy "chúng tôi đang ở bất cứ nơi nào chúng tôi muốn", một cựu tham mưu trưởng hải quân Nga nói với truyền thông nhà nước Nga.

Cả hai bên đều không chắc chắn về ý định của bên kia ở Bắc Cực và việc có một diễn đàn thích hợp là điều "khẩn cấp" lúc này để mang tới sự minh bạch cho việc gia tăng hoạt động quân sự ở đó, Conley nhận định.

'Mắt và tai' của NATO

Sự gia tăng hoạt động của Hoa Kỳ ở phía bắc châu Âu diễn ra khi Mỹ cũng đang điều chỉnh lại sự hiện diện quân sự của mình trên khắp lục địa. Vào tháng 7, các quan chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ thông báo rằng hàng nghìn binh sĩ Mỹ đóng tại Đức sẽ trở về nhà hoặc chuyển đi nơi khác ở châu Âu.

Trong tháng này, Thủy quân lục chiến Mỹ cũng cho biết họ đang điều chỉnh sự hiện diện của mình ở Na Uy, chấm dứt việc luân chuyển hàng trăm lính thủy đánh bộ mà họ đã thực hiện kể từ năm 2017 và chuyển sang sự hiện diện theo từng lĩnh vực - phù hợp với các cuộc tập trận quân sự ở đó.

Nguy cơ xung đột tại khu vực này vẫn được coi là thấp, nhưng Na Uy và các nước láng giềng ngày càng lo ngại về hoạt động quân sự gia tăng của Nga, đặc biệt là các cuộc thử nghiệm vũ khí mới.

"Là một nước láng giềng gần gũi với Nga ở phía bắc, Na Uy đang nhận thấy khả năng quân sự ngày càng mạnh mẽ của Nga", Tone Skogen, một quan chức hàng đầu Bộ Quốc phòng Na Uy, cho biết vào tháng 6.

Các cuộc tập trận của Nga đã cho thấy "cách Nga ngày càng tiến gần đến bờ biển của chúng tôi [và] cách chúng ngày càng bị đẩy ra xa về phía nam", Skogen nói.

Trong tình hình này, "Na Uy đang và tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ châu Âu và Bắc Mỹ tại con đường tiếp cận phía bắc. Na Uy là 'lính canh' của NATO ở phía bắc và là tai mắt của NATO để phát hiện hoạt động quân sự của Nga gần và xung quanh Bán đảo Kola và Hạm đội Phương Bắc của Nga", Conley nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ