Hễ cuối tuần là dân Ấn Độ lại rủ nhau đi khóc, hỏi ra mới biết là hoạt động ý nghĩa này

(Tổ Quốc) - Chủ Nhật hằng tuần, già trẻ trai gái ở thành phố Surat (phía tây Ấn Độ) lại tụ họp tại "Câu lạc bộ khóc vì sức khỏe".

"Câu lạc bộ khóc vì sức khỏe"

Trong mỗi buổi trị liệu bằng nước mắt, hầu như tất cả những người tham gia đều sụt sùi với khăn tay trong túi. Kẻ im lặng, người lại nấc lên thành tiếng... Điểm chung là nước mắt đều lăn dài trên má họ.

Nếu chỉ đi ngang qua, có lẽ ai cũng nghĩ đám người này đang có chuyện gì đau buồn lắm. Nhưng sự thật lại không phải thế, họ đã bắt đầu khóc từ năm 2017 để cải thiện sức khỏe tinh thần.

Kamlesh Masalawala, người sáng lập "Câu lạc bộ khóc vì sức khỏe" nhận ra giá trị của những giọt nước mắt hạnh phúc từ khi được chứng nhận là nhà trị liệu tiếng cười đầu tiên của Ấn Độ.

Nhiều năm sau, Masalawala chuyển hướng sang trị liệu bằng nước mắt.

"Niềm vui và nỗi buồn tựa như 2 mặt của đồng xu", ông phát biểu trên sóng radio.

"Mỗi con người cần phải khóc và cười để bày tỏ cảm xúc. Sau khi được đề xuất bởi 1 nhà tâm lý học nổi tiếng, tôi bắt đầu nghiên cứu và phát hiện ra rằng: Khóc giúp hạn chế việc sử dụng thuốc ở bệnh nhân có vấn đề về tâm lý. Từ lúc đó, tôi quyết định thành lập câu lạc bộ khóc".

Dân Ấn Độ rủ nhau đi khóc vì đôi lúc những giọt nước mắt còn đắt hơn nụ cười - Ảnh 1.

Ông Kamlesh Masalawala rơi nước mắt trong buổi họp hằng tuần tại Câu lạc bộ khóc vì sức khỏe

Trong buổi trị liệu bằng nước mắt đầu tiên ở Surat vào tháng 6/2017, Masalawala chia sẻ vài câu chuyện về đời mình.

Ông kể về thời niên thiếu nghèo túng, không có đủ 200 rupee (hơn 60.000 đồng) để tới trường đi học. Sau đó, mẹ của Masalawala phải bí mật bán hết nữ trang để lo cho tương lai của ông.

Trong khi kể chuyện, Masalawala bắt đầu khóc và nhiều khán giả cũng khóc theo.

Đó cũng là cách mà câu lạc bộ khóc hoạt động từ đó đến nay: Người tham gia thư giãn trên nền nhạc nhẹ nhàng rồi bộc bạch những điều thầm kín nhất, khiến họ đau khổ nhất mà có thể chưa từng được nói ra.

Điều thú vị là, sau khi trải lòng và khóc lớn, những con người này lại tràn trề niềm tin vào cuộc sống.

"Câu chuyện của các thành viên cho tôi hi vọng, khiến tôi cảm thấy hạnh phúc hơn vì có thể giúp họ cởi bỏ tâm tư", Masalawala cho biết.

Dân Ấn Độ rủ nhau đi khóc vì đôi lúc những giọt nước mắt còn đắt hơn nụ cười - Ảnh 2.

Việc khóc có hiệu quả như thế nào với sức khỏe?

"Những giọt nước mắt không chỉ như cơn mưa rào thanh tẩy tâm trí, nó còn làm sạch mắt và tuyến lệ, đôi khi còn tốt hơn cả thuốc nhỏ mắt", chuyên gia nhãn khoa A Saibaba Goud của Ấn Độ cho hay.

Trên thực tế, mô hình câu lạc bộ khóc có nguồn gốc từ Nhật Bản từ năm 2013 bởi doanh nhân Hiroki Terai.

Terai nảy ra ý tưởng này sau khi chứng kiến sự bi lụy khó có thể giải tỏa của các cặp vợ chồng ra tòa ly hôn. Trong mỗi buổi trị liệu gọi là rui katsu, người tham gia sẽ được xem phim ngắn, nghe đọc thơ... với mục đích khơi dậy những cảm xúc sâu kín nhất.

Dù nhiều loài cũng khóc khi gặp tổn thương hay đau đớn, tuy nhiên, con người là động vật bậc cao duy nhất có thể rơi nước mắt bằng kích hoạt cảm xúc.

Ở trẻ sơ sinh, việc khóc có vai trò rất quan trọng: Thu hút sự quan tâm và chăm sóc từ người lớn. Bên cạnh đó, nước mắt của người trưởng thành lại rắc rối hơn một chút.

Vào đầu những năm 1980, bác sĩ người Mỹ William Frey tìm ra rằng việc khóc giúp thải độc và giải phóng hormone giảm stress.

Nghiên cứu của ông cho thấy nhiều yếu tố chi phối xu hướng khóc của một người: Từ đặc điểm văn hóa cho tới hoàn cảnh xã hội. Những định kiến như "con trai không được khóc" hay khác biệt giới tính cũng khiến người ta ít dám công khai rơi nước mắt.

Trên thực tế, phụ nữ khóc nhiều hơn nam giới; khóc ở nơi công cộng là điều không được chào đón, trừ khi bạn đi viếng... đám ma.

Bác sĩ Frey nhấn mạnh: Bảo ai đó ngừng khóc là điều vô dụng, hãy cho đi sự an ủi.

Tham khảo SCMP/Science Alert

JJJ

Tin mới