• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hé lộ cải tiến tên lửa vượt trội - Tiểu đoàn 57 lập kỳ tích hạ 2 B-52 Mỹ chỉ trong 10 phút

An ninh trật tự 23/11/2020 11:49

(Tổ Quốc) - Sau khi ấn nút hoàn quả 1, sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên phóng tiếp quả đạn thứ 2. Từ trên nóc xe thu phát, trắc thủ PA-00 Đoàn Văn Súc reo lên "B-52 cháy rồi các đồng chí ơi!".

Trong cuộc chiến đấu đánh trả lại đợt tập kích chiến lược bằng "Siêu pháo đài bay" B-52 của Mỹ vào Hà Nội tháng 12/1972, Tiểu đoàn 57, Trung đoàn tên lửa 261 (Đoàn Tên lửa Thành Loa) đã lập được thành tích đặc biệt xuất sắc, bắn rơi 4 máy bay B-52 Mỹ, góp phần làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lịch sử ở Hà Nội tháng Chạp năm 1972.

Tên lửa Việt Nam đối mặt với B-52: Căng thẳng và khốc liệt

Nhớ lại những ngày chiến đấu cực kỳ căng thẳng và khốc liệt ấy, Trung tướng - Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân chủng Phòng không, khi đó là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57 cho biết:

Hé lộ cải tiến tên lửa vượt trội - Tiểu đoàn 57 lập kỳ tích hạ 2 B-52 Mỹ chỉ trong 10 phút - Ảnh 1.

Trung tướng - Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân chủng Phòng không

"Có thể nói, trong đợt tập kích chiến lược này, Mỹ sử dụng chiến tranh điện tử hiện đại nhất, có vũ khí thông minh hòng đe dọa và chế áp, vô hiệu hóa các lực lượng phòng không của ta. Máy bay B-52 là một trong ba vũ khí răn đe chiến lược của Mỹ.

Đó là tên lửa vượt đại châu, tàu ngầm nguyên tử và "pháo đài bay" B-52 có trang bị máy gây nhiễu "khổng lồ". Mỗi khi xuất kích, đội hình B-52 được hộ tống rất chặt chẽ, gồm cả máy bay F, cùng độ cao, cùng đủ loại nhiễu, trong đó có cả nhiễu "giả B-52" để đánh lừa bộ đội phòng không ta.

Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được cảm xúc và tâm trạng của buổi tối ngày 18/12/1972 khi cấp trên ra lệnh cho đơn vị vào cấp 1 chiến đấu đánh B-52. Đúng là phút đầu tiên chúng tôi có lúng túng… và thú thật là cũng có hoang mang!

Nhiễu nhòe nhoẹt cả màn hiện sóng. Các sóng về cố định chìm hết vào nhiễu như một màn sương mù, sáng trắng.

Hé lộ cải tiến tên lửa vượt trội - Tiểu đoàn 57 lập kỳ tích hạ 2 B-52 Mỹ chỉ trong 10 phút - Ảnh 2.

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt (ngoài cùng bên trái) đang rút kinh nghiệm với kíp chiến đấu tại trận địa tên lửa Tiểu đoàn 57 năm 1972.

Còn các màn hiện sóng của sĩ quan điều khiển và các trắc thủ thì cứ y như những ô cửa kính màu xanh cả một loạt, có rất nhiều sọc xanh đậm đan chéo nhau, chuyển động với những tốc độ khác thường, dải nọ xen lẫn dải kia, sọc nọ nhập vào sọc kia rồi lại tách ra.

Rồi thì hàng trăm, hàng nghìn chấm sáng lốm đốm như những chùm tín hiệu mục tiêu đang chuyển dịch cứ nhấp nháy như một trận mưa rào… Làm sao phân biệt được đâu là nhiễu của F, đâu là nhiễu của B, đâu là nhiễu của EB-66, đâu là nhiễu tiêu cực của kim loại mà bọn F-4 tung xuống phủ kín cả một góc trời...?

Thế rồi dần dần chúng tôi trấn tĩnh lại được, liên hệ với những điều đã học, nhắc nhau thao tác thật chính xác. Cuối cùng, tuy kẻ thù chưa hiện ra thực sự nhưng chúng tôi đã nhìn thấy bóng dáng của chúng phía sau những dải nhiễu.

Chỉ cần thế thôi là chúng tôi có thể phóng đạn theo cách đánh đã được luyện tập thành thục.

Phải nói rằng những quả đạn tên lửa đầu tiên của các đồng chí ở Tiểu đoàn 78, Trung đoàn 257 phóng lên đã có tác dụng thúc giục, động viên chúng tôi rất nhiều: Vậy là quân ta đã có thể nhìn thấy B-52 và đánh được chúng!

Đặc biệt, vào lúc 20 giờ 13 phút đêm ấy, Tiểu đoàn 59 cùng Trung đoàn tên lửa 261 chúng tôi ở trận địa Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) đã bắn hạ một máy bay B-52G của Mỹ rơi xuống cánh đồng Chuôm thuộc xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh, cách trận địa chưa đầy 10km lại càng tăng thêm niềm tin cho chúng tôi rằng: B52 của Mỹ không phải là "bất khả xâm phạm"!

Tuy nhiên, tối ngày 18/12, Tiểu đoàn 57 chúng tôi đã đánh 6 trận, phóng 11 quả đạn mà vẫn chưa diệt được máy bay B-52 nào khiến kíp chiến đấu rất sốt ruột.

Khoảng 19 giờ 40 phút ngày 19/12, cả kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 57 bước vào trận đánh mới với tâm trạng háo hức lập công".

Tên lửa Việt Nam lập kỳ tích

Sỹ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên (sau này là Đại tá - Phó Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu, Anh hùng LLVTND) nhớ lại:

"Sau khi quay một vòng để kiểm tra nhiễu, tôi thấy một góc rộng từ phương vị 240 đến 350 đều có nhiễu trắng xóa, chứng tỏ địch tổ chức đánh lớn… Phương án cũ đánh B-52 là sử dụng 3 đạn nhưng trận hôm ấy chỉ sử dụng 2 đạn để bảo đảm tiết kiệm đạn.

Hé lộ cải tiến tên lửa vượt trội - Tiểu đoàn 57 lập kỳ tích hạ 2 B-52 Mỹ chỉ trong 10 phút - Ảnh 4.

Đại tá – Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Kiên (ngoài cùng bên phải) trong một cuộc giao lưu tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Mọi công việc chuẩn bị xong xuôi, được lệnh phóng của Tiểu đoàn trưởng, tôi ấn nút phóng 2 quả tên lửa ở cự ly 28km và 27 km. Cả 2 đạn điều khiển tốt. Tên lửa thứ nhất đi đến cự ly 22 km thì nổ và trắc thủ quang học hô vang: Máy bay bốc cháy!

Cả kíp lặng thinh một lúc chờ quả thứ 2 gặp mục tiêu xong và cùng vỡ òa sung sướng. Vậy là Tiểu đoàn chúng tôi đã đạt được khát khao tiêu diệt "pháo đài bay" của Mỹ trên bầu trời Hà Nội"!

Nhưng nói đến chiến công của Tiểu đoàn 57 trong 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 phải nói đến kỳ tích trong 10 phút bắn rơi 2 máy bay B-52 trong đêm 20 rạng sáng ngày 21/12.

Trong đêm đó, Tiểu đoàn 57 chỉ còn 3 quả đạn tên lửa, xe điều khiển lại bị hỏng phải chữa đến 2 giờ sáng mới xong.

Đây là bộ khí tài có thời gian sử dụng quá lâu, lại bị ngập nước do lũ lụt năm 1971, nên chất lượng không tốt lắm. Nhưng với quyết tâm cao, cán bộ chiến sĩ đã tìm mọi cách khắc phục.

5 giờ sáng, lệnh báo động từ Sở chỉ huy Trung đoàn được truyền xuống các trận địa. Chỉ sau 5 phút, Tiểu đoàn 57 đã sẵn sàng chiến đấu.

Trong màn nhiễu dày đặc, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt và sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên và 3 trắc thủ kíp 1 Mè Văn Thi, Ngô Văn Lịch, Nguyễn Xuân Đài nhanh chóng xác định dải nhiễu một chiếc B-52.

Địch vào cự ly 35km, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt hạ lệnh phóng nhưng đạn không đi, đèn báo hỏng bật sáng, anh hạ lệnh phóng tiếp quả thứ 2. Sau khi ấn nút hoàn quả 1, sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên phóng tiếp quả đạn thứ 2.

Kíp trắc thủ Mè Văn Thi, Ngô Văn Lịch, Nguyễn Xuân Đài điều khiển trúng chiếc B-52 ở cự ly 25 km. Từ trên nóc xe thu phát, trắc thủ PA-00 Đoàn Văn Súc reo lên "B-52 cháy rồi các đồng chí ơi!".

Lúc này là 5 giờ 9 phút. Niềm vui tràn ngập trận địa. Mọi người chưa kịp rút kinh nghiệm trận đánh thì tiếng đồng chí tiêu đồ lại vang lên: "B-52 cự ly 45km".

Hé lộ cải tiến tên lửa vượt trội - Tiểu đoàn 57 lập kỳ tích hạ 2 B-52 Mỹ chỉ trong 10 phút - Ảnh 6.

Toàn kíp chiến đấu lại tiếp tục căng mắt vạch nhiễu tìm thù. Lúc này, trên bệ phóng còn duy nhất 1 quả đạn tên lửa. Tiểu đoàn trưởng động viên kíp chiến đấu: "Cố gắng, còn quả đạn cuối cùng, chúng ta phải đổi lấy một chiếc B-52".

Khi tín hiệu máy bay địch vào đến cự ly 35km, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh tiêu diệt. Nhanh chóng thực hiện mệnh lệnh của chỉ huy, sĩ quan điều khiển nhanh chóng xác định được mục tiêu và giao tay quay cho kíp trắc thủ bám sát.

Mặc dù trên màn hiện sóng các dải nhiễu có biến đổi, nhưng ba trắc thủ Thi, Đài, Lịch đã kiên quyết bám sát chính xác vào tín hiệu nhiễu của một máy bay B-52.

Sau khi Tiểu đoàn trưởng ra lện “Phóng”, sĩ quan điều khiển lập tức ấn nút phóng. Quả đạn cuối cùng của tiểu đoàn gần gặp máy bay địch thì các trắc thủ thấy rõ tín hiệu B-52 và càng quyết tâm điều khiển trúng đích.

Đạn gặp mục tiêu ở cự ly 24 km, nổ tốt. Cả 3 trắc thủ báo cáo: "Mất nhiễu, mục tiêu bị tiêu diệt!".

Chiếc B-52 bốc cháy rơi xuống địa phận chợ Thá, núi Đôi, huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc. Lúc đó là 5 giờ 19 phút ngày 21/12/1972.

Hé lộ cải tiến tên lửa vượt trội - Tiểu đoàn 57 lập kỳ tích hạ 2 B-52 Mỹ chỉ trong 10 phút - Ảnh 7.

Xác 1 chiếc B-52 bị tên lửa phòng không Việt Nam bắn rơi tại chỗ ở ngoại thành Hà Nội.

Đây là chiến công đặc biệt xuất sắc với hiệu suất cao hiếm thấy, Tiểu đoàn 57 là đơn vị duy nhất của Bộ đội Tên lửa chỉ 10 phút trong một đêm bắn rơi 2 máy bay B-52 Mỹ trên bầu trời Thủ đô Hà Nội, xứng đáng được tuyên dương Đơn vị Anh hùng!

Nhớ lại chiến công đặc biệt đó, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt chia sẻ: "Để chiến thắng được B-52, chúng ta không có bí quyết nào cả. Quan trọng nhất, chúng ta thắng nhờ tinh thần quả cảm và sáng tạo trong chiến đấu.

Sự sáng tạo ấy thể hiện ở hai yếu tố: Một là kinh nghiệm chống nhiễu. Hai là cải tiến khí tài tốt. Về kinh nghiệm chống nhiễu, đơn vị tôi đánh mấy trận nhưng không trúng. Sau này mới dùng phép thử: khi máy bay địch tiến gần Hà Nội, chiến sĩ ta mở sóng điều khiển tên lửa.

Cứ mỗi lần bật "phóng giả" tên lửa thì thấy máy bay F-4 cơ động sang hai bên, bay nhốn nháo tránh tên lửa, còn riêng tín hiệu B-52 thì vẫn đi thẳng. Nhờ kinh nghiệm tách giải nhiễu đó, bộ đội tên lửa đã "tìm ra đối tượng".

Mặt khác, chúng ta đã tìm thấy điểm yếu của B-52 là lúc ném bom chúng bay ổn định ở tầm thấp (10 - 11km) so với mặt đất nên cũng dễ bị lộ. Còn về cải tiến khí tài tên lửa, tôi chỉ nói một ý thế này: Trước đây đầu đạn tên lửa chỉ có 320 mảnh, sau đó được cải tiến lên thành hơn 3.000 mảnh đạn, nhờ đó mà nâng cao hiệu quả chiến đấu".

Nguyễn Hữu Mão - CCB Trung đoàn tên lửa 236

NỔI BẬT TRANG CHỦ