• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hé lộ liên minh châu Á mới: hút Nga, "chặn lũ" chiến tranh thương mại Mỹ

Thế giới 07/01/2019 07:02

(Tổ Quốc) - Liên minh Trung – Nhật và hai miền Triều Tiên có thể sẽ giúp giảm bớt những tổn thương kinh tế mà chính sách thương mại của Mỹ gây ra cho châu Á.

Cây bút Antony Rowley nhận định trên tờ SCMP, nhiều khả năng một sức mạnh mới sẽ mở ra tại Đông Bắc Á trong năm 2019, dẫn tới những thay đổi kinh tế đáng kể.

Đông Bắc Á được đánh giá là đang "từ chối tiềm năng kinh tế" của mình do ảnh hưởng từ những đóng băng chính trị sâu sắc. Khu vực này đang chứng kiến cơ hội mối quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc trở nên nồng ấm, từ đó lan rộng tới bán đảo Triều Tiên, thậm chí là cả Nga.

Hé lộ liên minh châu Á mới: hút Nga, chặn lũ chiến tranh thương mại Mỹ - Ảnh 1.

Các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị G20 ở Argentina cuối tháng 11/2018 (ảnh: getty)

Một trật tự thế giới hậu chiến, mà ở đó Mỹ thống trị về kinh tế, trong thực tế đã phải đối mặt với thách thức ngay cả trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Tuy nhiên, những chính sách mới của Trump cho thấy, rất có thể ảnh hưởng của Mỹ sẽ ngày càng một yếu đi, thậm chí là sau khi ông rời Nhà Trắng.

Trong khi đó, mặc dù có những bước tiến dài nhưng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (Trung Quốc) vẫn chưa sẵn sàng hoặc đủ khả năng đảm nhận vai trò của một đế chế kinh tế toàn cầu. Thậm chí vai trò dẫn đầu trong nền kinh tế châu Á đôi khi vẫn tỏ ra còn quá sức cho Trung Quốc.

Thay vào đó, một liên minh mới giữa các quốc gia Đông Bắc Á đã bắt đầu hiện hình trong năm 2019, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc và hai miền Triều Tiên. Mối quan hệ ngày càng thân cận giữa những nước này khiến họ trở thành một thế lực không thể xem thường, và gần như chắc chắn sẽ thu hút các quốc gia châu Á khác vào quỹ đạo của mình.

Theo Rowley, quá trình hòa hợp Đông Bắc Á ban đầu xuất phát từ thay đổi trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đại diện cho sức mạnh chính thúc đẩy sự gần gũi giữa hai miền bán đảo, trong khi chính sách đối ngoại của chính quyền Trump là "chất xúc tác tình cờ".

Seoul và Bình Nhưỡng đã tiến hành những bước cần thiết để kết nối các hệ thống đường sắt hai nước để hình thành một mạng lưới liên bán đảo giữa Hàn Quốc, Triều Tiên với Trung Quốc và lục địa Âu-Á. Điều này được cả Tổng thống Moon và nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhận định là có ý nghĩa và tiềm năng vô cùng quan trọng.

Nhật Bản và Trung Quốc cam kết cải thiện quan hệ song phương và khẳng định vai trò lãnh đạo chung đáng tin cậy tại châu Á.

Jesper Koll

Mặc dù vậy, hai thế lực chủ chốt nhất ở Đông Bắc Á sẽ là Nhật Bản và Trung Quốc. Tokyo và Bắc Kinh đang quan sát Mỹ tự làm suy giảm ảnh hưởng của mình tại châu Á với sự ngạc nhiên, nghi ngờ và tất nhiên cả mong ngóng cơ hội.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được đánh giá là đang thực hiện một chính sách đối ngoại khôn khéo hơn những gì ông Trump đang làm tại châu Á. Những nỗ lực của ông Abe tỏ ra khá hiệu quả trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Nhà phân tích chính sách nổi tiếng người Nhật Jesper Koll nhận định, năm 2019 "mang tới những thay đổi mới trong quan hệ Nhật – Trung". Sau hội nghị thượng đỉnh thành công năm ngoái, ông Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "cam kết cải thiện quan hệ song phương và khẳng định vai trò lãnh đạo chung đáng tin cậy tại châu Á", ông Koll nói.

Trong trường hợp của Trung Quốc, theo ông, "không gì chứng minh cho một cam kết thực sự đối với sự lãnh đạo châu Á hơn là tham gia CPTPP [Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương]". "Đối với Nhật Bản, đưa Trung Quốc vào CPTPP sẽ củng cố vị thế của họ là một nước lãnh đạo toàn cầu và người bảo vệ cho các quy định đa phương".

Điều trên thoạt nghe có vẻ tham vọng, nhưng Rowley cho rằng, Tokyo đang có thế mạnh trong đàm phán với Bắc Kinh. Gia nhập CPTPP sẽ cho phép Trung Quốc tiếp cận các thị trường ngoài Mỹ và được hưởng lợi từ hiệp định thương mại của Nhật Bản với EU…

Đối với Nhật Bản, đưa Trung Quốc vào CPTPP sẽ củng cố vị thế của họ là một nước lãnh đạo toàn cầu và người bảo vệ cho các quy định đa phương.

Jesper Koll

Ngoài ra, có khả năng Nhật Bản sẽ bắt đầu hợp tác với sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc nếu một số điều kiện nhất định được chấp nhận.

Thủ tướng Abe từng nói, Nhật Bản về nguyên tắc đã sẵn sàng tham gia với Trung Quốc trong các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở ở nước ngoài. Nhật Bản yêu cầu các công trình phải có chất lượng cao, và Trung Quốc đồng ý thực hiện khảo sát tiền khả thi cho từng dự án. Những đề nghị như vậy có thể gây khó dễ cho Trung Quốc, nhưng nếu đáp ứng được sẽ giúp sáng kiến "Vành đai, Con đường" gia tăng danh tiếng quốc tế.

Nhật Bản cũng có thể mở đường cho Trung Quốc tham gia một liên minh hạ tầng cơ sở vật chất lớn bao gồm Ấn Độ, Australia, Indonesia và các nước khác – thông qua đề xuất Hành lang tăng trưởng Á - Phi (AAGC); thậm chí là một số dự án hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ Kế hoạch hợp tác ba bên.

Trung Quốc có nguồn lực tài chính (nhà nước) ổn định, với năng lực sản xuất lớn trong lĩnh vực vật liệu thô và thiết bị, mà các dự án hạ tầng cơ sở đều cần với số lượng lớn. Sự hợp tác các nguồn lực Trung – Nhật trong lĩnh vực trọng yếu này sẽ đem lại sức ảnh hưởng mang tính toàn cầu.

Thành công lớn nhất cho mối quan hệ Trung – Nhật chính là một hiệp định thương mại giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, cùng với Hàn Quốc. Trong thực tế, các cuộc thảo luận liên quan tới hiệp định ba bên đã được tiến hành trong thời gian gần đây.

Đối với Nga, sự dịch chuyển cân bằng quyền lực tại Đông Bắc Á nghiêng về khối kinh tế ba bên đang trỗi dậy, sẽ góp phần thúc đẩy Moscow đạt được những hiệp định có thể dẫn tới hợp tác phát triển tại khu vực Cận đông của Nga.

Rowley kết luận, những chính sách khó đoán của ông Trump vô hình chung đã đẩy nhanh sự ra đời các hiệp định và năm 2019 sẽ chứng kiến nhiều thay đổi lớn; trong đó, cuộc chiến thương mại của Mỹ nhiều khả năng sẽ không thể tổn thương nền kinh tế châu Á nhiều như những gì Washington "mong đợi".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ